| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản bằng đường biển sang Trung Quốc cũng gian nan

Thứ Ba 11/01/2022 , 07:56 (GMT+7)

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo đường biển được cho sẽ giảm tải áp lực lên các cửa khẩu phía Bắc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu bằng đường biển đang gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chọn thông quan bằng đường biển, nhất là vào dịp cuối tháng 12/2021.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chọn thông quan bằng đường biển, nhất là vào dịp cuối tháng 12/2021.

Khó khăn xuất đường biển

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay nếu các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo đường biển thì sẽ giảm tải áp lực lên các cửa khẩu phía Bắc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại việc xuất khẩu bằng đường biển đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, hiện nay lượng tàu không ổn định, hay bị chậm trễ. Thứ hai, container rỗng lạnh đang bị thiếu hụt nhiều. Thứ ba, bên phía Trung Quốc kiểm dịch Covid-19 rất chặt chẽ. Từ đó dẫn đến việc tốc độ thông quan chậm. Mỗi ngày bên phía Trung Quốc chỉ thông quan 5 container trong khi số lượng container của Việt Nam đưa sang lên đến hàng trăm chiếc.

“Với tình trạng thiếu tàu, thiếu container cùng với chính sách Zero Covid bên phía Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường đông dân nhất thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, kể cả qua đường bộ hay đường biển. Tốc độ thông quan đường biển của Trung Quốc chậm nên Việt Nam chỉ có thể đi với số lượng ít chứ không thể xuất hết hàng nghìn xe tại các cửa khẩu đường bộ như thời gian vừa qua”, ông Đặng Phúc Nguyên nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, các cửa khẩu Trung Quốc sắp dừng hoạt động để các tài xế, nhân viên hải quan, nhân viên bốc xếp hàng hóa… có thể về quê, thực hiện cách ly y tế và nghỉ tết.

“Các doanh nghiệp nên hạn chế việc đưa nông sản lên các cửa khẩu vào thời điểm hiện tại vì nếu hàng hóa bị kẹt tại cửa khẩu qua tết Nguyên đán sẽ hỏng. Nên để sau tết khoảng 2 - 3 tuần, sau đó xác định lại tình hình và yêu cầu của thị trường Trung Quốc để lên phương án cụ thể cho việc xuất khẩu”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra kiến nghị.

Ông Nguyên cũng cho rằng, sau tết Nguyên đán, các cơ quan quản lý Nhà nước nên làm việc với các đơn vị vận chuyển, các hãng tàu để bố trí conatiner lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

“Tại Trung Quốc, dịp tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm. Người dân Trung Quốc có tập tục nghỉ tết Nguyên đán rất lâu. Trong khi năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người lao động Trung Quốc khi về quê ăn Tết phải cách ly thêm 14 ngày. Tất cả những yếu tố đó làm cho khâu thông quan tại các cửa khẩu bên phía Trung Quốc trì trệ hơn rất nhiều vì chỉ cần thiếu một khâu thôi cả hệ thống cửa khẩu cũng không thể hoạt động”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Cùng chung nhận xét với ông Nguyên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), khẳng định, việc vận tải hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang Trung Quốc được thực hiện theo hai phương thức chính: Vận tải đường biển đối với thị trường phía Bắc Trung Quốc (tuyến xa) và vận tải đường bộ đối với thị trường phía Nam Trung Quốc (tuyến ngắn, gần biên giới đường bộ của Việt Nam). Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức vận tải nông sản từ đường bộ sang đường biển vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để đẩy mạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng nông sản từ đường bộ sang đường biển, ông Hoàng Hồng Giang cho rằng, về cơ bản phải điều chỉnh được việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để tránh rủi ro về mặt chính sách. Bởi vận tải đường biển dựa trên quan hệ cung cầu, các hãng tàu không thể bổ sung hoặc thiết lập tuyến mới trong thời gian ngắn để phục vụ khách hàng.

Cũng theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) triển khai 4 giải pháp chính.

Trong đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tạo nguồn hàng đủ lớn để ký hợp đồng vận tải dài hạn trực tiếp với hãng tàu.

Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải sang Trung Quốc để kêu gọi các hãng tàu bổ sung chỗ và vỏ container lạnh về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn trước mắt; tuyên truyền, cung cấp thông tin để các chủ doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển số container đang ùn tắc tại biên giới sang vận tải bằng đường biển.

“Cục Hàng hải Việt Nam cũng phối hợp, làm việc với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội, chủ hàng một số địa phương để xác định chính xác những khó khăn, đưa ra giải pháp đúng và trúng xử lý vấn đề. Quá trình dịch chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cảng biển bằng tàu biển rất cần sự đồng hành của Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan để đạt được hiệu quả cao nhất,” ông Hoàng Hồng Giang chia sẻ.

Ngày 10/1, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT gửi công văn, đề xuất phối hợp tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng rau quả.

Một, đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, Cục đề nghị kết nối thông tin các doanh nghiệp, cơ sở chế biến rau quả trên địa bàn; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thu hút doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu đầu tư xây dựng các cụm liên kết logistics nông sản (sơ chế, chế biến, hệ thống kho lạnh bảo quản) gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn.

Hai, đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam chủ động phối hợp với các hiệp hội rau củ quả tại địa phương và các cơ quan liên quan để lên phương án sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ rau củ quả theo từng mùa vụ với đặc điểm từng mặt hàng rau quả có lợi thế của địa phương.

Ba, đề nghị Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam quan tâm, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương để triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản nội địa, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân với các cơ sở thu mua, chế biến rau củ quả, các hệ thống siêu thị, phân phối.

Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản, cả trên đường bộ lẫn đường biển.

Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản, cả trên đường bộ lẫn đường biển.

Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nước ta và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc. Tuy nhiên, Hiệp định này không có chương SPS. Thay vào đó, cơ chế hợp tác giữa hai nước đều thông qua việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc có 9 Hiệp định/Biên bản ghi nhớ/Thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch gạo, măng cụt, sữa, thạch đen… Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với việc nâng cao chất lượng ATTP xuất nhập khẩu cũng như các quy định về kiểm dịch động, thực vật.

Liên quan tới kiểm dịch động, thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đặt ra hàng loạt quy định như đánh giá rủi ro, kiểm tra trước ở nước ngoài (đăng ký doanh nghiệp), giám sát rủi ro (kiểm tra trực tuyến), kiểm tra tại cảng, cách ly và kiểm dịch, cảnh báo rủi ro và ứng phó khẩn cấp ngày càng hoàn thiện hơn.

Vừa qua, Trung Quốc ban hành thêm Luật An toàn sinh học. Luật này có hiệu lực sẽ cung cấp cơ sở pháp lý thống nhất cho việc sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật. Điểm mấu chốt, theo ông Nam, là luật này sẽ quy định về thể chế chỉ định cảng khẩu cụ thể như "Nhân viên, phương tiện vận chuyển, hàng hóa, vật phẩm,… được đánh giá là có rủi ro cao về an toàn sinh học sẽ nhập cảnh vào quốc gia thông qua các cảng biên giới được chỉ định và áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt".

Tính đến nay, 178 quốc gia (khu vực) đã thống nhất trong kiểm dịch đối với 1.507 sản phẩm nông nghiệp vào Trung Quốc. 

Tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu xảy ra hơn một tháng qua có nguyên nhân từ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 của Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu của các đối tác thương mại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam phải tiến hành thêm nhiều bước, như yêu cầu khử trùng khi thực hiện nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bảo quản lạnh.

Từ những vấn đề này, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các nhà sản xuất và doanh nghiệp cần nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bao bì/nhãn mác…; cập nhật và hiểu đúng các quy định của thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan quản lý đẩy mạnh rà soát cơ chế, chính sách; Quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường; Dự báo và định hướng thị trường; Nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất; Xây dựng các chương trình kiểm tra, giám sát theo định kỳ.

Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, hiện chưa có hoạt động xuất khẩu quả tươi bằng đường sắt sang Trung Quốc. 

Sau khi ùn tắc nông sản xảy ra tại các cửa khẩu đường bộ, nhiều doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu quả tươi qua đường biển. Cụ thể, trước đây gần như không có hoạt động xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc qua các cảng. Nhưng từ ngày 13/12/2021 đến 5/1/2022, cảng Hải Phòng đã xuất khẩu 32.750 tấn quả tươi (chuối, mít, thanh long, xoài) sang Trung Quốc; cảng TP. HCM đã xuất 72.467 tấn quả tươi (chuối, nhãn, thanh long, xoài) từ ngày 20/12/2021 đến 5/1/2022.

Theo Cục BVTV, lý do tình trạng ùn tắc hiện nay là vấn đề liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do phía Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”, và không liên quan tới việc kiểm dịch thực vật hay chất lượng nông sản.

Nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc nông sản, ngành BVTV cam kết hợp tác chặt chẽ, có các kênh liên lạc trực tiếp, thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như các đơn vị kiểm dịch tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, Cục sẽ triển khai cơ chế họp song phương trực tiếp và trực tuyến để trao đổi thông tin, cùng nước bạn phối hợp và thực hiện các giải pháp để thực hiện kiểm dịch thực vật nhanh chóng cho các lô nông sản xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh, các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tốt nhất, ứng trực cả ngoài giờ, ngày nghỉ để đảm bảo luôn thực hiện nhanh chóng, thuận lợi cho nông sản xuất khẩu. Đồng thời, đối với hàng hóa bị ùn tắc tại của khẩu, Cục sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa vào bảo quản trong kho.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.