Để đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả các công trình mang tính liên thông, kết nối, cần có một cơ chế tài chính riêng cho vùng. NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ về vấn đề này.
Nghị quyết 120 đề cập đến cơ chế tài chính ra sao khi triển khai ở vùng ĐBSCL, thưa ông?
Trong cơ cấu tổ chức thực hiện Nghị quyết 120 có sự phân công phối hợp giữa các Bộ, ngành trung ương và các địa phương. Nghị quyết 120 triển khai trên tầm nhìn cả vùng ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển ngành hàng, sinh kế của vùng và liên kết các tiểu vùng với nhau.
Trước đây năm 2016, Chính phủ có quyết định 593/QĐ-TTg về ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020, mục đích liên kết nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Trọng tâm là phát triển nông nghiệp, SX lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Quyết định này nói rõ về nguồn vốn thực hiện, ngân sách trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết khi có đủ điều kiện đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án liên kết. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để triển khai các chương trình, dự án liên kết theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP). Kinh phí sự nghiệp để triển khai các hoạt động thí điểm liên kết thực hiện theo quy định hiện hành. Vận động hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tự nguyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết 120, vấn đề bao trùm, tại cuộc họp của Quốc hội hồi tháng 11/2018, Thủ tướng nói Chính phủ sẽ dành 12.000 tỉ đồng cho phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng chưa rõ giai đoạn nào.
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 120, nếu dựa vào điều kiện “nội lực” hiện thời để tái cơ cấu SX nông nghiệp thích ứng BĐKH cho thấy trở ngại, khó khăn gì?
Thật khó đánh giá vấn đề này trong khuôn khổ tài chính của các địa phương. Hiện nay ở địa phương đã thực hiện chuyển đổi nhưng cấp quy mô nhỏ. Nghị quyết 120 là một trong những đột phá thay đổi về suy nghĩ tiến bộ từ cấp Chính phủ. Các địa phương đã và đang triển khai, nhưng chỉ quy mô nhỏ cấp địa phương mà chưa phản ánh đúng nội hàm, nội dung chính của Nghị quyết. Đó là phát triển những ngành hàng nông sản có giá trị chất lượng cao, sản phẩm qua chế biến của cấp tiểu vùng. Như vậy quy mô SX không còn là nhỏ lẻ mà phải có vùng nguyên liệu gắn kết nông dân đầu vào - đầu ra gắn với công nghệ chế biến… Và muốn làm được phải tổ chức nông dân, mời gọi, thu hút DN vào đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
"Bộ KH-ĐT đang làm quy hoạch tích hợp cho cả vùng dự kiến đến cuối năm 2020 đầu năm 2021 sẽ xong. Bên cạnh đó cấp tỉnh đang lập quy hoạch tích hợp, lúc đó sẽ thấy rõ hơn kế hoạch, lộ trình thực hiện. Vừa qua Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng. Theo tôi nghĩ nên có Quỹ phát triển ĐBSCL tập trung vào những công trình quốc gia. Mặt khác nói đến phát triển vùng ĐBSCL là có sự gắn kết chặt chẽ với TP.HCM. TP.HCM phát triển thì ĐBSCL mới phát triển, đồng thời có sự tương tác thúc đẩy cùng nhau phát triển...", TS Đặng Kiều Nhân.