| Hotline: 0983.970.780

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Thứ Tư 18/09/2024 , 13:47 (GMT+7)

An Giang Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 60 HTX, 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết sản xuất với khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là một phần quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là một phần quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là một phần quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh lợi ích xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất trên địa bàn An Giang còn được tạo điều kiện thuận lợi với nhiều chính sách ưu đãi.

Dù còn khó khăn, vướng mắc nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vẫn là một trong những doanh nghiệp chủ lực trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn An Giang. Các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT vẫn tích cực hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời triển khai kế hoạch liên kết sản xuất tại các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Angimex Kitoku, Công ty Thiện Phát, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)... liên kết sản xuất và tiêu thụ ở nhiều vụ lúa vừa qua và những năm tiếp theo.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn An Giang hỗ trợ Công ty Cổ phần Lương thực A An  (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long) đăng ký làm việc với các HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn triển khai nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa năm 2024 và các năm tiếp theo.

Qua làm việc, doanh nghiệp thống nhất liên kết thí điểm tại các HTX, như HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1, HTX Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Tân Thạnh, HTX Nông nghiệp Tây Phú, HTX Nông nghiệp Bình Thành, HTX Nông nghiệp Thạnh Giang, HTX Nông nghiệp Vọng Đông. Mỗi HTX đăng ký liên kết 100ha, riêng HTX Nông nghiệp Sơn Hòa (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) đang thực hiện 500ha với công ty.

Một trong những yêu cầu của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là 100% diện tích vùng chuyên canh phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay An Giang có khoảng 60 HTX, 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết sản xuất với khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay An Giang có khoảng 60 HTX, 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết sản xuất với khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi cục Phát triển nông thôn An Giang đã tham mưu Sở NN-PTNT làm việc với các doanh nghiệp, HTX, qua đó ký 2 biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn giữa HTX Nông nghiệp Sơn Hòa, HTX Nông nghiệp Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) với Công ty TNHH MTV Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Angimex.

Dự kiến sắp tới, Sở NN-PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sẽ ký biên bản ghi nhớ 4 bên về liên kết, hợp tác trong nông nghiệp.

Những tháng cuối năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn An Giang phối hợp các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp như Lộc Trời, Tân Long, Đại Dương Xanh, Tấn Vương, Angimex Kitoku, Thiện Phát, Antesco... triển khai nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ vụ lúa thu đông 2024 theo kế hoạch.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 60 HTX, 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết sản xuất với khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đối với lúa, nếp, sau khi kết thúc vụ hè thu 2024 với diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ cơ bản đạt 25.000ha, tiếp tục triển khai diện tích liên kết sản xuất vụ thu đông 2024 với khoảng 139.260ha. Đối với rau màu, vụ hè thu có 7 doanh nghiệp liên kết với diện tích 500ha, vụ thu đông dự kiến đạt 2.765ha.

Dự kiến đến cuối năm 2024, An Giang có 15 doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây với diện tích 10.647ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự kiến đến cuối năm 2024, An Giang có 15 doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây với diện tích 10.647ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với cây ăn trái, dự kiến đến cuối năm 2024, có 15 doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây với diện tích 10.647ha. Trong đó, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì chuỗi nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2024, sẽ xuất chuồng thêm 10.100 con heo thịt, 470.000 con gà thịt, 150.000 con vịt.

Đối với ngành hàng thủy sản, tiếp tục duy trì 9 chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra (có 99 cơ sở nuôi liên kết), với diện tích 293ha. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hộ nuôi các loại thủy sản khác, như lươn, ếch, cá lóc... ổn định đầu ra lâu dài với thương lái hoặc đại lý địa phương.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, để đảm bảo tính bền vững trong liên kết, Sở NN-PTNT sẽ có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp triển khai nội dung theo biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đã ký với UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lựa chọn, xây dựng và nhân rộng các mô hình, hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Sở NN-PTNT tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chuyển đổi số, xây dựng mã vùng trồng, nhật ký sản xuất...Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn mời gọi thêm doanh nghiệp ngoài tỉnh có tiềm năng, uy tín đến An Giang thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ổn định trong thời gian dài.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 1] Sáng kiến thay chúa kế vương

HẢI PHÒNG Một lần dự hội nghị ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội tôi được nếm thử thứ mật ong xứng đáng được chấm cho 9 điểm.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Hải Phòng tạo điều kiện tốt nhất vốn vay để tái sản xuất nông nghiệp

HẢI PHÒNG Hơn 90 người trong tổng số hơn 100 thành viên Câu lạc bộ đại điền ở Hải Phòng có diện tích lúa bị thiệt hại sau bão, ít thì 20 mẫu, nhiều thì 80 mẫu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.