| Hotline: 0983.970.780

Cách làm hay ở nơi 10 năm chưa bỏ vụ đông

Thứ Tư 28/09/2022 , 10:27 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Cây vụ đông ở Hải Phòng chiếm diện tích không lớn nhưng thông qua liên kết tiêu thụ nông sản, hiệu quả kinh tế cao, người dân yên tâm sản xuất.

Giữ chữ tín trong liên kết sản xuất

Về cơ bản, diện tích trồng cây vụ đông tại Hải Phòng những năm qua không được mở rộng, nguyên nhân chính là lĩnh vực nông nghiệp không thu hút được nhiều đầu tư và thiếu lực lượng lao động trẻ do thu nhập thấp so với ngành nghề khác.

Dù vậy, so với các loại cây trồng khác, cây vụ đông vẫn được người dân ưa chuộng và có đầu ra khá ổn định thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, đây cũng cách làm sán tạo của các HTX.

Người dân xã Thụy Hương trồng khoai tây sau khi đã thu hoạch lúa. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Thụy Hương trồng khoai tây sau khi đã thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, địa phương này có 30ha trồng khoai tây và 30ha trồng dưa bao tử tập trung vào vụ đông.

Nếu như các hộ dân làm tự phát thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” thì những hộ sản xuất ở vùng tập trung, được HTX Nông nghiệp Tiên Thanh đứng ra ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm thì mọi thứ lại khác.

Ông Hoàng Xuân Định, Giám đốc HTX Tiên Thanh cho biết, địa phương có 100 hộ trồng dưa chuột bao tử và 200 hộ trồng khoai tây. Dưa được trồng trên diện tích đất 2 lúa còn khoai tây được trồng trên đất canh tác 1 màu 1 lúa trong năm.

Việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho người dân diễn ra đã 10 năm nay. Qúa trình liên kết diễn ra tốt đẹp, người dân phấn khởi, còn doanh nghiệp có sản phẩm tốt, an toàn để cung ứng cho thị trường.

“Đầu vụ, HTX làm việc với doanh nghiệp, thu mua giá cố định cho người dân 7.000 đồng/kg khoai tây, còn dưa bao tử thì tùy vụ, giao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg. Trong trường hợp được mùa, người dân lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào khoai tây và 6 triệu đồng cho 1 sào trồng dưa bao tử”, ông Định cho hay.

Người dân xã Tiên Thanh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Tiên Thanh thu hoạch khoai tây vụ đông. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng theo ông Định, bình thường, vào vụ thu hoạch, thương lái nhiều nơi sẽ gặp gỡ người dân để thỏa thuận và mua cao hơn so với giá mà người dân đã ký kết với HTX.

Tuy nhiên, trước vụ thu hoạch, phía doanh nghiệp, HTX và các hộ dân sẽ ngồi với nhau thống nhất giá thu mua, nếu bên nào phá vỡ hợp đồng sẽ phải đền bù. Về phía người dân, nếu vi phạm hợp đồng, bán nông sản ra ngoài phải đền 1,5 giá trị tiền giống và sẽ không được thu mua trong những năm sau.

“Giá do thương lái đưa ra có khi cao hơn nhưng họ mua số lượng ít và chọn rất khắt khe. Trong khi đó phía doanh nghiệp đã cho nợ giống, phía HTX tạo điều kiện cho nợ phân bón, vật tư…, lại thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân. Về cơ bản, người dân đều nhận thức được và không phá vỡ hợp đồng trong suốt 10 năm qua”, ông Định chia sẻ.

Tại xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng), địa phương này có 10ha khoai tây trồng tập trung với sản lượng trung bình từ 140 - 150 tấn. Từ năm 1994, HTX đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho người dân với giá ổn định, tương đương thị trường.

Phía doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ cung ứng giống, còn HTX cung ứng vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cho người dân. Tất cả đều được cho người dân nợ và trừ vào sản phẩm khi thu hoạch.

Nếu như trước đây, giao thông đi lại hơi khó khăn, nhưng nhờ xây dựng nông thôn mới, đường sá nội đồng được bê tông hóa, mở rộng nên xe ô tô hiện đã vào tận ruộng để thu mua.

Empty

Khoai tây được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sau thu hoạch với mức giá tương đương với thị trường. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Nguyễn Thị Hương, một hộ dân trồng khoai tây ở xã Cấp Tiến cho biết, gia đình bà có 2 sào ruộng, trong vụ đông bà trồng khoai tây, với giá được thu mua ổn định khoảng 7.000đ/kg, mỗi sào gia đình bà thu về từ 2 - 3 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

“Trồng khoai tây khá nhàn, giống và vật tư được nợ, thu hoạch xong có người mua luôn tại ruộng, không lo ế, nguồn thu ổn định nên gia đình tôi đã trồng hơn 10 năm nay. Hàng xóm của tôi, có nhà không còn trồng lúa nhưng đến vụ khoai tây vẫn ký hợp đồng với HTX để trồng”, bà Hương bộc bạch.

Còn tại huyện Kiến Thụy, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đi đầu trong việc trồng cây vụ đông và nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách phát triển nông nông nghiệp của TP Hải Phòng.

"Cây vụ đông được chúng tôi trồng chủ yếu là các mặt hàng cung cấp cho thành phố như khoai tây, súp lơ, bắp cải, củ cải… Những khó khăn về lực lượng lao động đã được HTX tận dụng từ lực lượng nông nhàn ở các địa phương. Việc bao tiêu sản phẩm cũng đã có những hợp đồng cụ thể, không còn tình trạng được mùa mất giá như trước đây.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm HTX trồng 18ha cây vụ đông, lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Người dân phấn khởi và yên tâm hơn trong sản xuất cây vụ đông”, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thụy Hương chia sẻ.

Diện tích gieo trồng cây vụ đông ở TP Hải Phòng nhiều năm trở lại đây dao động xoay quanh 7.000ha, với tổng giá trị sản xuất khoảng 8.000 tỷ đồng.

Các địa phương có diện tích trồng cây vụ đông nhiều nhất là Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên… Cây trồng thế mạnh là ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, đậu và rau các loại.

Trong đó, vụ đông sớm gieo trồng từ 15/8 - 5/10, áp dụng đối với các loại cây ưa ấm như ngô, cà chua, dưa hấu, dưa chuột, bầu bí, khoai lang.

Còn chính vụ sẽ gieo trồng từ 5/10 - 10/11, áp dụng với các loại cây ưa lạnh như khoai tây, rau thập tự, hành tỏi, ớt, rau đậu các loại, hoa cây cảnh.

Empty

Ông Phan Văn Tự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cấp Tiến kiểm tra giống khoai tây chuẩn bị cho vụ đông 2022. Ảnh: Đinh Mười.

Xây dựng vùng nguyên liệu, lớn, hướng tới xuất khẩu

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Phòng, trung bình mỗi năm, tổng sản phẩm chế biến lúa, gạo, rau, củ, quả các loại trên địa bàn khoảng 302.165 tấn.

Những năm qua, Hải Phòng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển ngành chế biến rau quả từng bước phát triển cùng toàn ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, qua đó đáp ứng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực chế biến rau quả gắn với nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, khai thác và tận dụng lợi thế sản xuất của từng địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, bảo quản rau quả trên địa bàn.

TP Hải Phòng có đầy đủ hệ thống giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây chính là những lợi thế để vận chuyển, lưu thông hàng hóa rau quả chế biến với các tỉnh, thành phố trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Empty

Cây vụ đông đã và đang được TP Hải Phòng quan tâm từ vùng sản xuất cho đến tiêu thụ. Ảnh: Đinh Mười.

Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND TP Hải Phòng

- Hỗ trợ giống cây trồng: Hỗ trợ cho người sản xuất một lần trồng mới 100% hạt giống (hoặc cây giống) cho vụ đầu đối với cây rau và 100% cây giống (hoặc hạt giống) cho lần đầu trồng cây ăn quả.

- Hỗ trợ phân bón: Hỗ trợ cho người sản xuất 50% phân bón trong năm đầu (12 tháng) đối với cây ăn quả trồng mới và trong một vụ trồng mới (một chu kỳ sản xuất) đối với cây rau.

- Hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển sản xuất: Hỗ trợ cho người sản xuất 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất rau, quả; mức lãi suất được hỗ trợ không vượt quá 10%/năm.

- Hỗ trợ tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm: Hỗ trợ cho người tổ chức sản xuất, chi phí tổ chức quản lý sản xuất và thu mua sản phẩm với mức 2 triệu đồng/năm trong 5 năm đầu đối với cây ăn quả; 5 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu đối với cây rau.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.