| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông vào cuộc, 'gỡ rối' cho liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thứ Bảy 25/12/2021 , 17:10 (GMT+7)

Với sự vào cuộc của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã được triển khai có hiệu quả cao.

Vực dậy nghề trồng hoa cúc dược liệu

Những tháng cuối năm 2021, hàng trăm người dân ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng lại hối hả bước vào vụ thu hoạch hoa cúc dược liệu.

Đây vốn là vùng đất pha cát, với một số diện tích đất sâu trũng rất khó khăn nên nhiều năm trước đây, người dân chủ yếu trồng chuối với hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh.

Người dân xã Thắng Thủy yên tâm sản xuất khi đã có đầu ra ổn định với số lượng thu mua không giới hạn. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Thắng Thủy yên tâm sản xuất khi đã có đầu ra ổn định với số lượng thu mua không giới hạn. Ảnh: Đinh Mười.

Những năm gần đây, một vài hộ dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng hoa cúc dược liệu và hiệu quả kinh tế bước đầu được cải thiện. Nhiều người dân thấy hiệu quả cũng đã cải tạo đất hoang để làm theo nhưng về cơ bản vẫn là sản xuất tự phát, manh mún.

Dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng việc sản xuất không được mở rộng, năng suất sản lượng đạt thấp, giá cả bấp bênh nên nhiều người sau một thời gian trồng hoa cúc cũng đã bỏ hoang ruộng đồng đi làm những công việc khác.

Bước ngoặt tới với người dân nơi đây khi năm 2021, 124 hộ dân ở thôn Đông Lôi 1, Đông Lôi 2 của xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng lựa chọn để thực hiện mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất hoa cúc dược liệu gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, người dân đã tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, chứng nhận VietGAP cũng như giới thiệu liên kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý.

Sau gần 6 tháng triển khai, với quy mô 10 ha, người dân các thôn Đông Lôi 1, Đông Lôi 2 đã có thu nhập lên đến gần 169 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trước đây.

Bà Hoàng Thị Thủy ở thôn Đông Lôi 2, xã Thắng Thủy cho biết, hoa cúc dược liệu tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc, 1 năm trồng được 1 vụ, trồng từ tháng 8 đến cuối tháng 11 là có thể thu hoạch.

Những năm thời tiết thuận lợi, mưa ít, trời lạnh, cúc dược liệu sẽ cho năng suất trung bình từ 4 - 5 tạ/sào. Năm 2021, dù đầu vụ mưa nhiều nhưng năng suất vẫn đạt khoảng 3 tạ/ha.

Nhờ được liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nên người dân rất yên tâm sản xuất, chỉ cần làm theo hướng dẫn kỹ thuật, tập trung làm cho tốt là chắc chắn có tiền.

“Chúng tôi đã lớn tuổi, không đi làm công nhân được, không có công ăn việc làm, từ khi có mô hình sản xuất, hàng ngày cứ ra đồng nhặt hoa cúc, mỗi ngày được khoảng 10kg, nếu bán tươi luôn cũng đã được 300 nghìn đồng”, bà Thủy bộc bạch.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra mô hình trồng hoa lay ơn gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra mô hình trồng hoa lay ơn gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, ngoài mô trồng cúc dược liệu, năm 2021, hàng hoạt mô hình sản xuất khác cũng đã được triển khai tại Hải Phòng như trồng lúa nếp xoắn Tân Trào, trồng hoa lay ơn ở An Dương, nuôi gà ở xã Quốc Tuấn…  Tất cả đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, người dân phấn khởi.

Ngoài việc hỗ trợ những kỹ thuật mới trong sản xuất, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, người dân còn được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, tư vấn, kết nối với các HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp hoặc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Hải Phòng để kết nối tiêu thụ sản phẩm với số lượng không giới hạn.

“Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm còn được đưa vào các cửa hàng kinh doanh tại Hải Phòng, các chợ đầu mối để phục vụ nhu cầu của người dân. Qua đó vừa giúp người tiêu dùng có thực phẩm an toàn, còn người dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, trong năm 2021, Thành phố đã cho ra mắt 5 cửa hàng trưng bày, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Các mặt hàng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với Sở Công thương và Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện mục tiêu hết năm 2021, có 70 - 80% doanh nghiệp chủ công về sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và Voso.vn.

Từ năm 2022, sẽ phấn đấu 100% hộ nông dân, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các sản phẩm về nông sản có mặt trên sàn giao dịch điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ.

Tổ chức lại mối liên kết sản xuất - tiêu thụ 

Hiện nay, nông sản của Hải Phòng vẫn tiêu thụ nội địa là chính, tiêu thụ dưới dạng sản phẩm tươi thông qua thương lái và các chợ truyền thống, sản lượng cung ứng cho chế biến không đáng kể, một số ít sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như dưa hấu với sản lượng trung bình 300 - 500 tấn/năm.

Một hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản do Sở NN-PTNT Hải Phòng chủ trì thực hiện. Ảnh: Đinh Mười.

Một hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản do Sở NN-PTNT Hải Phòng chủ trì thực hiện. Ảnh: Đinh Mười.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của nông dân gặp không ít khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản rơi vào tình trạng ùn ứ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế, số lượng còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực thấp, còn các HTX chuyển đổi hoặc thành lập mới hoạt động hiệu quả không nhiều, chưa phát huy vai trò là đầu mối, điều phối, dịch vụ sản xuất, khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho người dân.

Các doanh nghiệp ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm ít, chủ yếu có sản phẩm dưa chuột bao tử; xuất hiện một số ít các doanh nghiệp nhỏ mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, thu mua sản phẩm cung ứng cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp...

Kết nối tiêu thụ vải thiều giữa Hải Phòng và Hải Dương khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Đinh Mười.

Kết nối tiêu thụ vải thiều giữa Hải Phòng và Hải Dương khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều nơi, đã xảy ra tình trạng người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp bị thiệt thòi khi sản phẩm làm ra được thu mua với giá thấp, tuy nhiên khi qua tay thương lái và lên bàn ăn thì giá cả tăng lên đến cả chục lần.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng Hải Phòng đã và đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng. 

Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp dựa trên tín hiệu thị trường, quy hoạch lại các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, tổ chức sản xuất điều phối theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời đang có những giải pháp hữu hiệu để đổi mới tư duy xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa các kênh bán hàng như đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn giao dịch điện tử.

Các doanh nghiệp về xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) phối hợp với địa phương tìm hướng tiêu thụ lúa cho nông dân. Ảnh: Đinh Mười.

Các doanh nghiệp về xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) phối hợp với địa phương tìm hướng tiêu thụ lúa cho nông dân. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, liên kết tiêu thụ nông sản là vấn đề trăn trở chung của ngành nông nghiệp, hiện nay, nhìn thẳng vào sự thật, sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ chưa tốt, có nhiều nông sản làm ra thường không đồng đều, chỗ thừa chỗ thiếu và hay trong tình trạng “được mùa rớt giá” hoặc ngược lại.

Bên cạnh đó, việc sản xuất vẫn còn manh mún, các địa phương chưa có kế hoạch lâu dài cho sự phát triển bài bản, một số cơ sở chế biến có nhu cầu lớn về sản phẩm nông sản nhưng thị trường lại cung cấp không đầy đủ, còn hạn chế dẫn đến việc không ký được các hợp đồng bao tiêu hoặc không đặt được các nhà máy chế biến nông sản.

“Đây là vấn đề rất yếu mà chúng ta cần khắc phục. Hiện tại, chúng tôi đang có kế hoạch tái sản xuất ngành nông nghiệp, quan tâm đến xây dựng chuỗi bền vững từ sản xuất đến chế biến, đến thị trường và người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu cho UBND TP Hải Phòng có cơ chế chính sách để thu hút một số doanh nghiệp lớn, các tập đoàn chuyên về lĩnh vực chế biến để khơi thông điểm nghẽn cũng sự những khâu bị đứt gãy trong các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp” ông Tuất chia sẻ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất