| Hotline: 0983.970.780

Tạo thuận lợi cho nông sản có lợi thế của Việt Nam và EU

Thứ Năm 14/07/2022 , 07:56 (GMT+7)

Tại các cuộc thảo luận giữa các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam với Cao ủy Nông nghiệp EU, hai bên đã thống nhất tạo huận lợi cho các nông sản có lợi thế.

Thủy sản Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang EU nhờ EVFTA. Ảnh: Thanh Sơn.

Thủy sản Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang EU nhờ EVFTA. Ảnh: Thanh Sơn.

Tạo thuận lợi cho những nông sản có lợi thế

Phát biểu tại Diễn đàn nông nghiệp Việt Nam - EU tổ chức ngày 13/7 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho biết, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng với Cao ủy Nông nghiệp EU Janus Wojciechowski đã có phiên thảo luận tích cực về việc tạo cơ hội thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, hai bên đã thống nhất trao đổi thông tin về tiến độ mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà hai bên có lợi thế.

Hai bên cùng ủng hộ việc rà soát và mở rộng danh mục các sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) của cả hai bên. Đây là cơ hội để cả hai bên phát triển các sản phẩm làng nghề, đặc sản giá trị cao và giúp người dân, người tiêu dùng hiểu thêm về văn hóa, truyền thống phong phú của Việt Nam và EU.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản hai chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, đạt 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD.

EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản,  gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Vì vậy, bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý …

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI TP.HCM, nhận định, Việt Nam và EU đang tích cực triển khai hiệp định EVFTA một cách toàn diện và theo hướng cân bằng lợi ích giữa hai bên. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường châu Âu nhanh hơn tốc độ xuất khẩu sang thị trường này cho thấy dấu hiệu của sự thay đổi trong mô thức thương mại giữa Việt Nam và EU theo hướng giảm dần thặng dư thương mại.

Việc tăng cường nhập khẩu từ EU, với giả định nhu cầu trong nước chưa thay đổi nhiều trong ngắn hạn, cho thấy Việt Nam chuyển dần hướng nhập khẩu từ các thị trường khác sang EU. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc chuyển sang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU với chất lượng cao hơn và mức giá cạnh tranh hơn. EU có thế mạnh vượt trội về các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ôn đới chất lượng cao, dược phẩm, máy móc, thiết bị và đặc biệt là công nghệ - những lĩnh vực Việt Nam cần cho phát triển.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm Việt Nam. EU cũng là nhà cung cấp quan trọng của Việt Nam nhất là đối với các mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp.

Nông sản Pháp - một quốc gia EU, được giới thiệu tại một hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông sản Pháp - một quốc gia EU, được giới thiệu tại một hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Về xuất khẩu của Việt Nam, nông lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA. Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho thấy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU trong 5 tháng đầu năm nay đạt trị giá 2,05 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đang tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng sau dịch Covid-19.

Việt Nam nhập khẩu từ EU các mặt hàng nông sản, thực phẩm và nguyên liệu cho ngành nông nghiệp cũng gia tăng (5 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu tăng 8,5% so với 5 tháng đầu năm 2021); trong đó sữa và sản phẩm sữa, thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt kim ngạch lớn nhất.

Đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong nông nghiệp

Ông Võ Tân Thành cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tận dụng những tiềm năng sẵn có, đặc biệt là các lợi thế từ hiệp định EVFTA, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhiểu lĩnh vực hợp tác như: xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26…

Trong nông nghiệp, hai bên cần hợp tác về xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp. Việc EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, sẽ góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU. Hai bên cần thống nhất các nội dung về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) … để sớm đưa quan hệ thương mại song phương lên tầm cao mới.

Ông Thành cho biết, hiện nay, một trong những lĩnh vực ưu tiên của kêu gọi đầu tư của Việt Nam là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh - bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Từ đó, các dự án đầu tư sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng hàm lượng gia trị gia tăng cho sản phẩm trên nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và logictics phục vụ cho chuỗi giá trị nông nghiệp.

Vì vậy, Việt Nam mong muốn và đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ việc sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư hai bên.

Tại buổi làm việc với Cao ủy Nông nghiệp EU Janus Wojciechowski, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía EU tiếp tục ủng hộ, cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyển giao công nghệ để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác về nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống chính sách và mô hình sản xuất đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU (kể cả về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật lẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường khác), tạo điều kiện cho quá trình sản xuất, kiểm tra, kiểm định và trao đổi thương mại giữa hai bên diễn ra thuận lợi.

Đồng thời, khuyến khích các dự án đầu tư của EU trong các lĩnh vực triển vọng như chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao hướng đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu …

Theo Bộ Công thương, hiện nay, trong những quốc gia có FTA với EU, số nước tập trung vào sản xuất nông sản không nhiều. Trong khi đó, EU là thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao và ổn định đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm. Hàng nông sản của Việt Nam là nông sản nhiệt đới, ít cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản của châu Âu. Trước bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh lương thực của EU, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và khả năng cung ứng các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm cho thị trường này.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Gần 1 triệu lượt khách tới Khánh Hòa dịp lễ 30/4 - 1/5

Dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng.