| Hotline: 0983.970.780

'Tao và mày sẽ ổn chứ'?

Thứ Bảy 22/06/2024 , 08:53 (GMT+7)

Gần 15 năm gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam là hành trình kéo dài bất tận, bản thân tôi đã quăng quật khắp miền rừng Nghệ An với những chuyến đi đầy trăn trở.

Phản ánh Mưa lũ tại Kỳ Sơn là chuỗi ngày tác nghiệp chân thực nhất. Ảnh: Việt Khánh. 

Phản ánh Mưa lũ tại Kỳ Sơn là chuỗi ngày tác nghiệp chân thực nhất. Ảnh: Việt Khánh. 

Những ngày nơi rốn lũ Tà Cạ

Mệt nhoài, bơ phờ sau những ngày dầm dề trong dòng nước đục, quăng quật khắp các vùng trũng của huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai sau hoàn lưu bão số 4 (cuối tháng 9/2022) cũng là lúc nước lũ rút dần, dự tính quay xe ra về thì tôi bất chợt tiếp nhận thông tin từ ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, rằng địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén vừa xảy ra sự cố lũ ống, lũ quét (rạng sáng ngày 2/10/2022), diễn biến trước mắt rất nghiêm trọng.

Không chút nề hà, tôi mở điện thoại báo cáo ngay cho Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ: “Cuộc sống của bà con dân bản đang khốn đốn đủ bề, em xin đăng ký lên trên đó một chuyến”. Đáp lại, lãnh đạo văn phòng trả lời dứt khoát: “Việc nên làm em ạ! Mấy ngày nay mưa dầm dề làm tăng cao nguy cơ sạt lở, do đó, quá trình tác nghiệp phải đặc biệt thận trọng”.

Lũ ống, lũ quét đã để lại hậu quả kinh hoàng cho huyện nghèo Kỳ Sơn. Ảnh: Ngọc Linh.

Lũ ống, lũ quét đã để lại hậu quả kinh hoàng cho huyện nghèo Kỳ Sơn. Ảnh: Ngọc Linh.

Đồng hành cùng tôi xuyên suốt những ngày mưa gió là cậu em Bùi Ngọc Linh, hiện đang công tác tại Tạp chí Nông thôn mới. Linh là lính mới, đang tràn đầy nhiệt huyết nên sẵn sàng dấn thân. Khi tôi đề cập đến việc lao vào “tâm lũ”, cậu ta gật đầu ngay tắp lự. Khi tư tưởng đã thông, 2 anh em cấp tốc di chuyển theo tuyến Quốc lộ 46 băng huyện nghèo. Xe lao vun vút trong đêm gió bão bùng, ngoài trời mưa vẫn tuôn xối xả.

Nóng lòng về với đồng bào vùng lũ nhưng do đối mặt với nhiều yếu tố bất thuận (mưa to, gió lớn, sạt lở…) nên thời gian di chuyển buộc phải “giãn” ra, mãi đến rạng sáng hôm sau, chúng tôi mới đặt chân lên đất Kỳ Sơn. Đề phòng bất trắc, anh em chủ động gửi phương tiện tại trụ sở Hạt Kiểm lâm, đồng thời mượn tạm áo mưa, dép rọ, ủng chuyên dụng, “xin thêm” ít lát lương khô, nước uống để phòng thân.   

Dù đã nắm bắt sơ bộ diễn biến nhưng bản thân tôi vẫn không khỏi hoang mang khi tiếp cận hiện trường. Cảnh tượng đập vào mắt kinh hoàng quá đỗi, chung quy mọi thứ vượt xa tưởng tượng lúc đầu. Mưa lũ từ thượng nguồn ùn ùn đổ về kéo theo hằng hà đất đá, bùn lầy đã làm tê liệt hoàn toàn tuyến đường giao thông huyết mạch. Hàng loạt công trình thiết yếu, hàng trăm nhà dân bị thiệt hại nặng nề, nhiều nhà không còn nguyên hiện trạng, bùn nhầy đặc quánh ngập tràn khắp chốn, nhiều điểm chất đống như núi. Qua phân loại ghi nhận, nhiều vật dụng đắt tiền (ô tô, xe máy, tủ lạnh, ti vi…), hàng chục hecta diện tích nông nghiệp bị nhấn chìm. Đau thương hơn nữa khi ghi nhận thương vong về người.

Trực tiếp những người trong cuộc khẳng định, sống ngót cả đời người nay mới chứng kiến trận thiên tai kinh hoàng đến thế, lũ dữ chuyển biến quá nhanh khiến tất cả không kịp trở tay, phút chốc làm tan hoang huyện nghèo, khiến lòng người Kỳ Sơn hoang mang tột độ. Những lời trên không quá, quả thực bấy giờ rất đáng quan ngại, không gian trầm lắng bao trùm khắp các bản Hòa Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ và khu vực thị trấn Mường Xén, nét âu lo hiện rõ trên từng mặt người.

Nét âu lo, trầm tư hiện rõ trên gương mặt của đồng bào vùng lũ. Ảnh: Việt Khánh.

Nét âu lo, trầm tư hiện rõ trên gương mặt của đồng bào vùng lũ. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa chưa dứt, nước vẫn chảy tràn, từng tốp người, già trẻ, lớn bé tay xách nách mang, lầm lũi dò dẫm từng bước giữa dòng nước đục, men theo con đường nhỏ kề ngay sát vách UBND huyện Kỳ Sơn di chuyển ra ngoài. Ở chiều ngược lại, trực tiếp lãnh đạo các cấp cùng lực lượng chức năng đã tiến vào tâm lũ để trợ giúp khi cần. Lúc cấp bách chẳng phân biệt trên dưới, chẳng sang hèn, không một ai nề hà dù đối diện với muôn vàn nguy cơ.

Đến quá trưa nhưng khe Huồi Giảng vẫn không ngừng gào thét, dâng nước cuồn cuộn như muốn cuốn phăng tất cả. Để tiện bề di chuyển, bà con nơi đây đã linh hoạt dựng “tạm” một chiếc cầu khỉ ngay buổi sáng cùng ngày. Dù tình thế rất cấp thiết nhưng người dân không hoảng loạn, trước sau nhất nhất tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng nhất quan điểm ưu tiên người già, trẻ nhỏ, tuyệt đối không chen lấn gây mất kiểm soát.

Bản thân phóng viên không hề biết bơi, kỹ năng ứng phó mưa bão gần như là con số không tròn trĩnh nhưng tâm lý chẳng hề nao núng, luôn sẵn lòng hòa tan cảm xúc và sẻ chia phần nào áp lực chất chồng. Tư tưởng kiên định là thế nhưng tác động ngoại cảnh vẫn tạo ra những đắn đo nhất định, hoang mang nhất là khi chới với giữa dòng nước đục, càng tiến sâu vào bản làng nước càng dâng cao, mỗi bước đi đều cảm nhận rõ những xê dịch dưới chân. Có lúc để tự trấn an, tôi quay sang hỏi Linh: “Tao và mày sẽ ổn chứ”?

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam chênh vênh giữa dòng nước đục. Ảnh: Ngọc Linh.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam chênh vênh giữa dòng nước đục. Ảnh: Ngọc Linh.

Di chuyển trên cung đường lũ dài ngút tầm mắt rồi cũng đến được khe Huồi Giảng, lúc chênh vênh qua cầu thì bất chợt loa bản vọng lên thông báo của Ban chỉ đạo “bà con khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn, lũ đang có chiều hướng lên cao”. Tiếp nhận nguồn tin, ai nấy cấp tập di chuyển tìm chỗ đáp, bản thân anh em phóng viên may mắn được trú tại nhà ông Lê Minh Hương, 1 trong số 13 người sau này được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì hành động dũng cảm cứu người trong cơn hoạn nạn.

Nguyên tuần mải miết nơi “rốn lũ” Tà Cạ là những cảm xúc lẫn lộn đan xen. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng hòa cùng nhịp đập, được san sẻ từng bát cơm, ngụm nước với đồng bào là căn nguyên của nhiều bài viết chuyên sâu, lay động được cảm xúc của bạn đọc. Quả thực trong tâm lũ, tình người càng mặn nồng.              

Trăn trở cùng quyền lợi của lực lượng chuyên trách giữ rừng

Hơn 2 năm trước, vào một đêm hè nóng nực tháng 4 tại huyện Tương Dương, qua câu chuyện khá bâng quơ với anh em ban quản lý rừng phòng hộ, tôi biết thêm tình cảnh khốn khó của đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách đang công tác tại các huyện Thanh Chương, Con Cuông, Anh Sơn…, nơi cơ bản không cậy nhờ được chính sách dịch vụ môi trường rừng, trong khi đôi đồng thu nhập bèo bọt tự cân đối của đơn vị chủ quản không giúp họ quẳng gánh lo đi.

Tâm tư nhất trong số chủ rừng là Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương Lê Phùng Thiều (nay là Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Anh Sơn). Đồng cảm với những suy tư, trăn trở của người cầm cương đầy trách nhiệm, tôi nói thẳng: “Kết quả như thế nào, em chẳng dám hứa trước. Nhưng chắc chắn sẽ đồng hành xuyên suốt vì quyền lợi chính đáng của anh em chuyên trách giữ rừng”.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Nghệ An nhiều năm chịu cảnh thua thiệt. Ảnh: Việt Khánh.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Nghệ An nhiều năm chịu cảnh thua thiệt. Ảnh: Việt Khánh.

Sau khi nắm bắt đầy đủ thông tin, số liệu và diễn biến thực tế, tôi lập tức triển khai theo kế hoạch vạch sẵn. Vẫn biết vấn đề đang “nóng ran” nhưng không nghĩ mức độ lan tỏa nhanh đến thế. Ngay bài viết đầu tiên “Đói làm sao giữ rừng” đã mang lại hiệu ứng tức thì. Ngay khi nắm bắt thông tin, đích thân ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã yêu cầu lãnh đạo Sở NN-PTNT báo cáo rõ ngọn ngành, đồng thời chỉ đạo tham mưu sâu sát nhằm sớm tháo gỡ nút thắt tồn tại dai dẳng suốt bấy lâu.

Hơn chục bài viết chuyên sâu, thấm đẫm nước mắt, nỗi nhọc nhằn của những người “có danh không phận”, rõ hơn cả là loạt phóng sự dài kỳ “Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt” đã lột tả hết bản chất của vấn đề. Lúc này tất cả mới thấu, rằng vẫn có những phận người ngày đêm cáng đáng trọng trách cao cả nhưng chưa được nhìn nhận xứng đáng. Trong bối cảnh chính sách của Trung ương chưa “chạm” đến, nhất thiết Nghệ An phải linh hoạt bổ cứu trước khi quá muộn.

Nhận thấy tình hình cấp bách, tỉnh Nghệ An xác định sẽ hoàn thiện chính sách cho bộ phận này, qua đó trình HĐND tỉnh sớm thông qua. Chủ trương là một nhẽ, để đơm hoa kết trái cần nhiều thời gian để hoàn thiện, nhất là khi tâm lý “sợ sai” đang bao trùm rộng khắp. Thực tế vẫn là thực tế, quá trình chờ đợi quyết sách lực lượng chuyên trách vẫn phải nai lưng giữ rừng với chế độ èo uột như muôn năm cũ, vì thế chậm trễ ngày nào áp lực dâng cao ngày đó.

Sau cuối, niềm vui cũng đến. Ảnh: Việt Khánh.

Sau cuối, niềm vui cũng đến. Ảnh: Việt Khánh.

Mãi đến ngày 7/7/2023, tất cả mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu dồn nén, ấm ức tan nhanh như bọt biển. Ấy là khi HĐND tỉnh Nghệ An chính thức ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

Cảm xúc đảo ngược, Trưởng ban Lê Phùng Thiều không giấu nổi vui mừng: “Nghị quyết 02 đã thay đổi hoàn toàn tâm thế của bộ phận bảo vệ rừng chuyên trách, đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho họ, những người có đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng suốt những năm qua”. 

Như để tiếp thêm động lực, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cất công đến những nơi xa xôi nhất, trắc trở nhất (xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn), khốn khó nhất (trạm bảo vệ rừng Khe Sướn, Cao Vều) nhằm khắc họa rõ nét công tác chuyên môn lẫn sinh hoạt thường nhật của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Họ phần nhiều bám trụ với nghề hàng chục năm rồi, gắn chặt cả xuân xanh trên từng cung đường rừng, quanh năm không ngại nắng mưa ra sức gìn giữ “rừng vàng”, có điều chế độ còn “bạc” quá.

Xem thêm
Thêm những công trình giao thông biểu tượng cho quan hệ Việt - Trung

Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp.

Đồng Tháp xây dựng Đề án tiên phong về 'tam nông'

Mục tiêu đề án nhằm đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến năm 2030.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tác giả của 'quả bom bán bản quyền giống' nói về truyền thông chân chính

Lúc tôi sang trường, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tất tả từ đồng về, mặt lo âu: 'Cô đang cho gặt dòng mẹ đóng bao chờ chở về nhưng gặp mưa sẽ phải hong đây'.

Bình luận mới nhất