Tính đến tháng 12/2023, cả nước còn trên 16.600 tàu cá “3 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có 1.188 tàu cá ở diện này và là tỉnh có số lượng tàu 3 "không" lớn nhất cả nước.
Để nhanh chóng gỡ "thẻ vàng" IUU, tỉnh Quảng Ninh cần sớm xóa bỏ các tàu cá “3 không” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Theo số liệu thống kê, đến ngày 10/12/2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có gần 5.600 tàu cá đã được đăng ký và quản lý theo quy định, tỷ lệ cấp phép đạt 93% (tăng 42% so với thời điểm ngày 5/8/2023). Trong đó, có 1.425 tàu cá dưới 6m, 3.414 tàu từ 6m đến dưới 12m, 492 tàu từ 12m đến dưới 15m và 246 tàu từ 12m trở lên.
Qua rà soát, kiểm tra của Sở NN-PTNT, nguyên nhân khiến cho tỉnh Quảng Ninh có số lượng tàu “3 không” lớn do việc thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định gặp rất nhiều vướng mắc về hồ sơ. Cụ thể, không có giấy chứng nhận xuất xưởng do cơ sở đóng tàu đủ điều kiện cấp; không có văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá của Sở; ngư dân tự mua máy cũ trôi nổi trên thị trường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; tự ý cải tạo, nâng cấp tàu cá không báo cáo, không có xác minh của đơn vị có thẩm quyền...
Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 22 cơ sở đóng mới, sửa chữa và cải hoán tàu cá hoạt động, tập trung ở các địa phương là TX Quảng Yên, huyện Hải Hà, huyện Vân Đồn. Trong đó, chỉ có 5 cơ sở ở TX Quảng Yên đủ điều kiện hoạt động đã được Sở NN-PTNT công bố.
Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành quy định khung pháp lý, quy trình đăng ký tàu “3 không”. Sở NN-PTNT đã bố trí cán bộ nghiệp vụ xuống cơ sở để giúp đỡ, hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê và thực hiện đăng ký đăng kiểm. Cùng với nhiệm vụ quản lý đội tàu của lực lượng kiểm ngư, tỉnh giao thêm nhiệm vụ xử lý các tàu cá “3 không" cho các lực lượng chức năng khác như Công an thủy, Biên phòng tỉnh...
Nhằm kiểm soát từ sớm, tránh phát sinh thêm những tàu cá 3 “không”, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương ven biển tập trung kiểm soát chặt các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; yêu cầu các điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá và sản lượng khai thác không có cập cảng đối với những tàu cá này.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt 17 cơ sở chưa đủ điều kiện theo Luật Thủy sản mà vẫn hoạt động; công bố thêm các cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu với đầy đủ các loại vật liệu nằm dọc ở các địa phương ven biển từ TX Quảng Yên tới huyện Hải Hà để tạo điều kiện cho ngư dân dễ dàng di chuyển, tiếp cận các cơ sở hợp pháp để thực hiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong quý I/2024 sẽ đăng ký 100% số tàu đủ điều kiện hoạt động lâu dài, các trường hợp không đủ điều kiện sẽ thực hiện đăng ký tạm. Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh tiếp tục đưa ra các giải pháp như: Đến hết ngày 31/12/2023, Sở NN-PTNT hoàn thành việc tiếp nhận đăng ký, đăng kiểm cho những phương tiện thuộc thẩm quyền của Sở; tất cả các xã, phường, thị trấn cũng phải tiếp nhận xong hồ sơ đăng ký, đăng kiểm thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đến hết ngày 25/2/2024 cơ bản hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm chính thức; phấn đấu hoàn thành đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy trước ngày 30/3/2023 và có kế hoạch ra quân cao điểm xử lý triệt để vào tháng 4/2024.
Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động. Các lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư, công an... mỗi tuần phải xử phạt ít nhất một tàu cá không có đăng ký, đăng kiểm và tăng cường tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.