| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá la liệt nằm bờ

Thứ Năm 05/08/2021 , 21:43 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng, biển lại ‘đói’, sản phẩm không tiêu thụ được nên tàu cá của ngư dân neo bờ la liệt.

Mực xà giá chỉ 12 nghìn đồng/kg

Ngư dân Đặng Văn Khoa, chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99979 TS (829 CV) hành nghề mành chụp ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bảo: Từ đầu năm đến nay, tàu anh chỉ mới đi được 4 chuyến biển. 3 chuyến đầu do “biển đói”, giá bán sản phẩm bấp bênh nên tàu anh Khoa bị lỗ hơn 400 triệu đồng.

Mực xà hiện chỉ có giá 12.000 đ/kg loại tốt nhất, trong khi trước đó có giá đến 24.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mực xà hiện chỉ có giá 12.000 đ/kg loại tốt nhất, trong khi trước đó có giá đến 24.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến chuyến biển trong tháng 6 âm lịch vừa qua, nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên tàu anh Khoa có lãi hơn 100 triệu đồng. Chưa kịp mừng thì anh Khoa được các đầu nậu, bạn hàng thông báo là tình hình tiêu thụ hải sản lúc này căng quá, sợ không tiêu thụ được sản phẩm, nên chuyến biển này anh đành cho tàu nằm bờ, không dám đi đánh bắt vì sợ đánh bắt xong không biết báns ản phẩm cho ai.

“Mấy tháng trước biển đói, tàu của tôi bị lỗ tổn mấy chuyến liền. Thời điểm này biển xuất hiện nhiều cá, mực thì thị trường tiêu thụ bị tắt, thà cho tàu nằm bờ, chứ cắm đầu đi chuyến biển hơn 20 ngày mới cập bờ mà bán sản phẩm không được thì càng khốn khổ”, anh Khoa than thở.

Theo anh Khoa, nghề mành chụp chủ yếu đánh bắt mực xà, mà mực xà hiện có giá rất thấp, loại tốt nhất chỉ 12.000 đ/kg, trong khi những chuyến biển trước mực xà có giá đến 24.000 đ/kg.

Giá thấp đã đành, bây giờ chủ nậu còn thông báo sợ chuyến biển này sản phẩm không tiêu thụ được, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể vận chuyển đi bán cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh, nên không chỉ có anh mà hầu hết tàu cá của ngư dân đều phải neo bờ vì sợ lỗ.

“Mấy năm trước, nếu mực ế tiêu thụ không được thì chúng tôi bán cho những hộ ngư dân ven biển chuyên xẻ mực xà phơi để dành bán dần. Nhưng nay do phòng chống dịch Covid-19 nên chính quyền địa phương không cho tập trung đông người, nên không ai dám mua mực rồi thuê nhân công đến xẻ, phơi nữa”, anh Khoa chia sẻ.

Bấm bụng bám biển để giữ lao động

Theo ngư dân Ngô Lê Hát, chủ của tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99168 TS ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), nhóm tàu của anh có hơn 10 chiếc, nhưng hiện chỉ có 1 chiếc mang số hiệu BĐ 99478 TS (829CV) của ngư dân Nông Thanh Điền ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát) là đang vươn khơi.

Hiện nay đang là mùa vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa, nhưng ngư dân không dám ra khơi bởi sản phẩm đánh bắt về không biết bán cho ai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện nay đang là mùa vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa, nhưng ngư dân không dám ra khơi bởi sản phẩm đánh bắt về không biết bán cho ai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn lại hơn 10 chiếc đang tập trung neo bờ tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát). Nguyên nhân cũng chỉ vì đầu nậu thông báo tình hình tiêu thụ sản phẩm không còn hanh thông nên không còn ai dám ra khơi.

“Anh em chúng tôi thường bán sản phẩm cho chị đầu nậu tên Tú ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát). Qua rằm tháng 6 âm lịch vừa rồi, tôi gọi điện để hỏi thăm chị Tú về tình hình thị trường, chị bảo chuyến biển này chỉ thu mua mực số lượng ít vì hàng không tiêu thụ được, lại không có nhân công bốc dỡ hàng.

Trong khi tàu của tôi muốn đủ được chi phí cho chuyến biển, ít nhất phải đánh bắt được 30 tấn sản phẩm, mà chỉ có 1-2 người bốc dỡ thì phải mất nửa tháng mới xong, cá mực sẽ hư hết, thêm lỗ to. Do vậy, anh em trong nhóm rủ nhau neo tàu để khỏi phải khổ, mà cũng tránh được lỗ”, anh Hát chia sẻ.

Tuy nhiên, cho tàu nằm bờ thì các chủ tàu cá phải ôm nỗi lo là khi tàu ra khơi trở lại sẽ không có thuyền viên để đi. Bởi, khi tàu này neo bờ, vì kế sinh nhai, các thuyền viên sẽ kiếm tàu khác mà đi, hoặc đi làm những công việc khác, khi ấy kêu họ đi lại cho tàu mình rất khó.

Hàng dài tàu cá nằm bờ, neo đậu ở Cảng cá Đề Ghi. Ảnh: VĐ.

Hàng dài tàu cá nằm bờ, neo đậu ở Cảng cá Đề Ghi. Ảnh: VĐ.

Trước tình hình đánh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, vẫn có nhiều ngư dân cho tàu bám biển để giữ lao động. Ví như trường hợp của lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 8 chiếc tàu cá công suất lớn hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở phường Tam Quan Bắc (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).

Theo ông Ninh, thời điểm này là mùa đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa, nên mỗi chuyến biển, những tàu cá của gia đình ông đánh bắt đạt sản lượng khá. Đi chuyến biển hơn 20 ngày, có chiếc cập bờ đánh bắt được 20 tấn sản phẩm, chiếc đánh bắt ít hơn cũng được 8-10 tấn.

Đầu ra của cá ngừ sọc dưa ngoài các doanh nghiệp thủy sản mua để chế biến xuất khẩu, còn được tiêu thụ mạnh tại các chợ địa phương, bởi đây là món thông dụng của những bữa ăn hàng ngày. Ông Ninh lại có thâm niên nghề biển nên bạn hàng nhiều, việc tiêu thụ dù có khó hơn trước đây nhưng chưa đến nỗi bị “tắt ngụm" hoàn toàn. Do đó, trong thời gian này 8 chiếc tàu của ông Ninh vẫn bám biển đánh bắt đều đều.

Cũng theo ông Ninh, hiện nay giá cá ngừ sọc dưa giảm hơn trước, nếu trước đây 21.000 - 22.000đ/kg thì nay hạ còn 18.000 - 19.000 đ/kg. Tuy nhiên, nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên có thể bù vào các khoản chi phí tăng thêm về nhiên liệu và lương thực, thực phẩm cùng các chi phí khác mới phát sinh trong mùa dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản phẩm thủy sản tiêu thụ rất yếu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản phẩm thủy sản tiêu thụ rất yếu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Ninh cho biết thêm: Nếu trước đây chi phí tổn khi tàu ra khơi chỉ có 140 triệu đồng/tàu/chuyến biển, thì nay tăng lên 160 triệu đồng/tàu/chuyến biển. Bởi, hiện nhiên liệu tăng từ 16.000 đ/lít lên hơn 17.000 đ/lít; lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng.

Thêm vào đó, mỗi tàu khi ra khơi phải mất thêm khoản chi phí cho các thuyền viên test nhanh để phòng chống dịch Covid-19. Mỗi tàu đi 14 thuyền viên, mỗi lần test nhanh tốn chi phí 135.000 đ/người, test 14 người mất hết 1,9 triệu đồng.

Khi tàu cập bờ, 14 thuyền viên lại phải test nhanh lần nữa, vị chi mỗi chuyến biển chủ tàu mất thêm khoản chi phí gần 4 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

“Tốn thì có tốn nhưng an toàn cho an em. Nghề đi biển bây giờ khó khăn tứ bề, chi phí tăng, giá cá hạ, thu nhập chẳng là bao nhưng tôi vẫn cho những tàu của mình đi đánh bắt đều đều, để ít nhiều anh em thuyền viên cũng có thu nhập để lo cho cuộc sống của gia đình”, ông Ninh chia sẻ.

Trong thời gian vừa qua trời nổi gió nam mạnh, tàu cá neo bờ tại Cảng cá Đề Gi đông đặc, gió thổi tàu bừa neo xảy ra va chạm, khiến tàu bị hư hỏng phải sửa chữa.

“Hầu hết tàu vỏ thép đều kém chất lượng, ngay cả những mối hàn đơn vị đóng tàu cũng dùng que hàn rởm nên giờ bị va chạm là hở hết, tôi phải thuê thợ hàn lại; những mối nối trước đây do công ty đóng tàu làm cho có nên không có ê ke, giờ phải bổ sung; những gọng sắt bị gỉ sét hở mối hàn cũng phải hàn lại, mỗi lần thợ xuống tàu là tôi phải mất đến 4-5 triệu đồng”, anh Hát than thở.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm