"- Alo.
- Chị Trâm ơi, em gửi ít đồ vào cho mấy anh chị em đón Tết ạ.
- Em yên tâm. Trong này đầy đủ lắm, nhà em và mấy anh đi cùng vẫn khỏe. Chưa thấy dấu hiệu sốt gì.
- Vâng. Em cảm ơn. Nhà có một chút, gọi là của ít lòng nhiều. Chị ra nhận cổng nhận giùm em.
- Em đợi chút nhé".
Đấy là nội dung chính của một trong hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày mà chị Phạm Thị Ngọc Trâm nhận kể từ ngày được tăng cường vào trường Dân tộc nội trú Lục Nam. Nhân kỳ nghỉ Tết của học sinh, trường được trưng dụng làm nơi cách ly cho người dân trong huyện về quê sát dịp Tết nguyên đán Tân Sửu.
Lên cơ sở khi vừa cúng xong ông Công ông Táo tại nhà trong thị trấn Đồi Ngô, hành trang của Trâm là một ba lô vơ vội mấy bộ quần áo, ít khẩu trang, và một lọ sát khuẩn tay.
Chị bảo, đợt này người dân về quê ăn Tết nhiều, nhân lực y tế xã cũng cạn, nên những người làm y tế học đường như chị phải vào cuộc.
Nghĩ cảnh còn độc thân, có thể xoay sở được, Trâm xung phong đi thay những chị trong trường có gia đình, để vào tuyến đầu chống dịch của huyện.
Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, huyện Lục Nam ghi nhận một ca dương tính. Bệnh nhân là chồng, và có tiếp xúc với bệnh nhân 1820. Ông đã đi cách ly tập trung từ hôm 1/2. Trước đó, ông xét nghiệm ba lần âm tính, tới lần thứ tư ngày 9/2 mới dương tính. Chính bởi diễn biến phức tạp của ca bệnh này nói riêng và tình hình cả nước nói chung, huyện Lục Nam khẩn trương bắt tay vào cuộc. Dựa trên chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang hôm 9/2, huyện đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người về từ TPHCM từ ngày 7/2, và cách ly tập trung họ trong vòng 14 ngày.
Tính đến sáng mùng 2 Tết (tức ngày 13/2), khu cách ly tập trung số 2, đóng tại trường Dân tộc nội trú Lục Nam nơi chị Trâm làm nhiệm vụ, đã có 242 người. Nhóm tăng cường của Trâm phải dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị trang thiết bị, phòng ốc đón tiếp người mới. Sau đó tới 7 giờ, họ đi đo nhiệt độ, hỏi han tình hình sức khoẻ người dân. Chỉ sau khi lo đủ 242 suất ăn sáng, chị cùng đồng nghiệp mới nghĩ có khoảng thời gian đón Tết cho bản thân.
"Gần 30 nồi bánh chưng, đây mới là lần đầu tôi xa gia đình vào dịp Tết. Trên đường vào đây, thấy nhà nhà đi sắm Tết, tôi cũng thoáng hụt hẫng. Nhưng nỗi buồn ấy qua nhanh. Hàng ngày, nhận những ánh mắt trìu mến và thấy mình có ích cho cộng đồng, tôi như cảm thấy đang đón Tết ở nhà", chị Trâm kể.
"Nhà", như lời chị Trâm, là những căn phòng cấp bốn, vốn dùng cho học sinh ở. Mấy ngày đầu lên trung tâm, Trâm và các chị đồng nghiệp phải vệ sinh, khử khuẩn, rồi trang trí lại một chút cho có không khí Tết. Mỗi cây quất, cành đào, thùng bánh kẹo, đều là biết bao tình cảm nhân viên gửi gắm vào.
"Hai vật dụng chúng tôi lo nhất là khẩu trang và chăn ấm, làm sao để không bị thiếu hụt. Thời tiết bất thường, như Tết năm ngoái, trời đổ mưa lớn đúng dịp giao thừa, nên cái gì cũng phải dự phòng. Cũng may năm nay ấm, không khí cũng dễ chịu, nên đa phần mọi người đều thấy an tâm khi vào đây", Trâm nói tiếp.
Từ hôm chị Trâm vào khu cách ly tập trung, mỗi ngày cơ sở đón hàng chục lượt người mới. Và ngoài những công việc được định danh như theo dõi nhiệt độ, ghi nhận tình trạng sức khỏe, mang đồ ăn cho mọi người, Trâm còn miễn cưỡng trở thành một "tổng đài viên" giải đáp thắc mắc. Người dân khi đến khu cách ly, hầu như chỉ biết bấu víu vào đúng người đón họ ở cửa, là nhóm của Trâm. Mọi thông tin về nơi ăn chốn ở, cũng như liên lạc với bên ngoài, Trâm cùng nhóm của chị thường đứng ra giải đáp.
"Gọi cho cái Trâm khó lắm. Nhiều hôm gọi đến chục cuộc mà vẫn thấy báo bận. Vẫn biết con trong đấy làm nhiệm vụ vì Tổ quốc, nhưng phận làm cha mẹ, không lo không được. Hôm nào không nghe thấy tiếng con là tôi chưa thể chợp mắt", ông Phạm Văn Đạt - bố chị Trâm nói.
Biết gia đình lo lắng, nên Trâm chủ động "hẹn" người nhà liên lạc sau 22h, lúc đã dọn dẹp xong xuôi. Chị bảo, nhiều người nhà không thể tiếp tế vật dụng trong giờ hành chính nên chuyện "trực chiến" đến tối muộn là lẽ thường.
"Có hôm, vừa ngả lưng xuống thì có điện thoại. Mệt lắm, nhưng tôi vẫn gắng gượng. Mình không đón Tết ở nhà cũng đành, vì sau Tết lại đoàn tụ với gia đình. Nhưng những người bị cách ly này, hết 14 ngày, không biết họ có kịp ở ngày nào cùng người thân không", chị Trâm chia sẻ.
Những việc không tên, như nhận đồ ngoài giờ hành chính, với nhóm của Trâm nhiều vô kể. Chị cũng luôn cẩn thận giữ vệ sinh để tránh lây chéo trong khu cách ly. Bên cạnh đó, đã thành thói quen từ chục ngày nay, Trâm chủ động hỏi han và hướng dẫn người nhà các biện pháp cần thiết khi đón người thân từ khu cách ly về.
"Số điện thoại của tôi giờ chắc nhiều người biết lắm. Hôm nào cũng có số lạ gọi đến động viên, cảm ơn. Nhưng tôi vẫn sợ, ngày hoàn thành nhiệm vụ, rồi cách ly tiếp 14 ngày nữa, mình thành người rừng thôi", Trâm cười nói về những dự định sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu.