1. Những người cả năm làm lụng cực nhọc chỉ ngóng mong tới ngày này, bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp mua vé máy bay, tàu xe về nhà đi chợ hoa, bánh mứt, hay ngồi quanh quần gói đòn bánh tét, dọn dẹp cửa nhà, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.
Ảnh minh họa |
Mà dân Ninh Hòa chuẩn bị ăn Tết sớm lắm nhen. Khi trận lụt cuối cùng vào dịp 23-10 âm lịch đổ về, hoa bìm bìm nở trắng một khúc sông, báo hiệu mùa lũ năm nay đã chấm dứt rồi, bà con bắt đầu rục rịch chuẩn bị xuống giống, trồng rau, lo chăm chút vườn tược, bông cỏ, trái cây để kịp ra quả, đơm hoa bán Tết. Những nhà buôn ngoài chợ bắt đầu vào Nam, ra Bắc tìm nguồn hàng hóa, xoong nồi, bánh kẹo hay củ kiệu, măng khô, hành tiêu ớt tỏi nhập về để chuẩn bị cho một cái Tết ấm êm trước mặt.
Bà con làm bánh kẹo cũng mua bột, trữ đường, giấy báo thiệt sớm để giá rẻ hơn, chứ cận ngày mọi thứ tăng lên chóng mặt. Ai chuyên gói bánh tét thì lo mua nếp, đậu phộng, đậu xanh, dây nhợ trữ đầy bồ. Lo tới hàng thịt đặt cọc mua thịt mỡ, chạy tới vườn dặn người ta để cho mình lá chuối loại ngon để gói bánh không hao hụt.
2. Má có một gian hàng tạp hóa nho nhỏ phía trước nhà, bán linh tinh đủ thứ từ cây kim, cọng chỉ, xấp vải may đồ, tới xăng dầu, củi lửa, gạo muối, chanh đường… nói chung là cả cái chợ thu nhỏ đều nằm trong quầy hàng của má. Không lời lãi gì nhiều, mỗi ngày kiếm được ít chục ngàn, đủ tiền đong gạo, cá mắm cho mười mấy đứa con vào tháng năm khó nhọc.
Tất nhiên, má cũng không bỏ qua cơ hội bán buôn cuối năm cho bà con sắm Tết.
Đầu tháng mười, má bắt đầu đi gom góp bạc tiền, thu nợ nần, vay đầu trên một ít, mướn xóm dưới một chút, chạy vạy mua hàng trữ bán Tết. Năm hết Tết đến, nên bà con ai cũng cảm thông nhau, chứ khó khăn làm gì. Người ta kiếm được miếng cơm thì mình cũng đầy tô cháo. Má mua hơn chục tạ nếp bỏ bao bố chất sau nhà bán cho bà con gói bánh tét.
Phải là nếp lúa cũ nhen, gói bánh mới dẻo và thơm, chứ gặp lúa mới, ra cái bánh trớt quớt người ta phàn nàn thì khổ. Nếp giữ gìn cẩn thận, để khỏi bị ẩm ướt, mối mọt bán mất giá lỗ chỏng gọng. Đậu xanh không cần phải trữ. Làng làm giá mà. Đậu tốt về quanh năm suốt tháng. Cần mua bao nhiêu cũng có người tới bán. Bánh mứt này nọ cứ dặn trước người ta, để đầu tháng Chạp họ đem tới liền bán dần cho những người mua sắm sớm.
Má ra chợ lấy sỉ vải vóc với áo quần may sẵn. Mấy cái quần jeans mô-đen bạc thếch. Cái áo thun có hình con cá sấu hợp thời. Mấy đôi dép con gà mắc quá trời, mua về góp cả tháng mới có mà mang. Những tấm vải bông hoa đủ màu, đủ loại treo lủng lẳng trước nhà như một gánh hát bội trên đình những khi cúng thành hoàng thổ địa. Mùi vải vóc áo quần mới thơm lừng lựng, tới tận bây giờ vẫn còn thoang thoảng trong giấc mơ của gã đàn ông nửa đời phiêu lãng, thuở nào thèm thuồng đứng ngắm, ước gì có một cái áo mới để mặc lúc xuân về...
Đêm 23 tháng Chạp, bà con khắp xóm cúng mâm cơm, đốt giấy tiền vàng bạc, tiễn ông Táo về trời báo cáo chuyện trần gian, nhà cửa với Ngọc Hoàng. Ai cũng thành tâm lâm râm khấn vái, mong ông bà Táo nói tốt cho gia đình, để ông Trời thương tình, phù hộ cho gia đình sang năm làm ăn thuận lợi. Cúng xong, bà con sẽ thay lò mới. Sai tụi nhỏ cẩn thận đem cái cũ ra bỏ sau hè, hay mang ra gốc đa giữa làng, hoặc xuống đường luồng đi chợ mà để nhẹ nhàng, không được làm bể kẻo bị quở trách.
Tôi nhỏ nhất nhà nên tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết, cũng ra ngồi phụ má bán buôn, gói ghém hàng bánh cho người ta. Tôi ngồi ngay cửa ra vào, miệng mời mọc, luôn tay chân gói hàng không ngớt. Không thì Tài ơi Tài hỡi, xách giỏ đi thu tiền nợ giùm tao cái coi. Nói mấy dì mấy cô tranh thủ trả hết nợ nần để về còn thanh toán với người ta nữa. Hàng hóa thiệt nhiều, nhưng năm nào sắp tới giao thừa cũng sạch trơn, không còn sót một món gì to lớn hết. Mà có còn, má cũng tìm cách bán chịu bán đựng cho bà con chòm xóm, ghi nợ, ra giêng trả góp hay trả một lần chứ để lại làm gì chôn vốn.
Chiều ba mươi, trong khi ba và anh chị rộn ràng lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng, bày biện mâm cơm cúng tất niên mời ông bà, tổ tiên về ăn cùng con cháu, thì má ngồi một góc, lặng lẽ cộng sổ sách, kiểm tra hàng hóa. Coi thử nợ nần, lời lãi bao nhiêu. Tôi ngồi một bên, dõi theo nét mặt của má mà đoán tình hình. Có năm, dẫu không cười to nhưng mặt má tươi như hoa cúc vàng nở rộ trước sân. Nghĩa là năm ấy nhà có một cái Tết thật to, bọn tôi được lì xì một phong bao dày, ra Giêng mặc sức ăn hàng thả cửa. Có năm, má nhíu mày, thở dài nhè nhẹ. Chỉ nhiêu đó thôi, là tôi biết đó sẽ là một cái Tết buồn của gia đình khi không dư dả bạc tiền. Mà má thì chẳng bao giờ hé răng than vãn nửa lời. Vẫn nén buồn, bình thản hòa với gia đình đón Tết bình yên.
3. Hơn nửa đời người và gần hai mươi năm miệt mài viễn xứ, hễ mỗi lần thấy trời lành lạnh chuyển sang đông, lên facebook nghe bà con hỏi chuyện mua vé về quê ăn Tết chưa, ghé mấy chợ Việt, thấy người ta bày bán những hộp bánh mứt, hoa đào hoa mai bằng nhựa, hay mớ bao lì xì từ tám chín đời dương, trong lòng lại rộn lên một nỗi niềm khó tả. Muốn bỏ hết công ăn việc làm, hổng màng chi tiền tài danh vọng, cũng chẳng thèm nhà cao cửa rộng, xe cộ đủ đầy, chỉ muốn mua cái vé máy bay, ngồi hai mươi mấy tiền ê mông, rời xứ người giữa mùa đông buốt giá.
Chỉ cần đặt chân xuống Sài Gòn ấm áp, nghe tiếng người Việt ríu rít khắp nơi là nỗi buồn nào cũng tan biến. Lật đật lên xe, mong chạy thiệt nhanh về giữa Ninh Hòa kịp ăn Tết với gia đình. Một đôi lần trễ hẹn mùa xuân, không muốn bỏ qua cơ hội trở về thêm lần nào nữa dẫu giờ đây chẳng còn đấng từ thân đợi chờ mình như năm cũ. Chỉ muốn về với quê hương bên người thân ruột thịt, nghe mùi bánh tét nồng thơm trên đầu mũi, nhà ai đang xào gừng, trộn dừa nồng nàn mắt biếc, thấy hũ me ngâm đường căng tròn chị để sẵn và mấy cây bánh tét mập ù. Và bên kia đường, mấy chậu cúc ánh lên sắc vàng kiêu hãnh, đợi ai đó mua về, thắp sáng những ngày xuân.
Bỗng buộc miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba tháng năm nghèo khổ, để mười mấy người chia nhau từng nồi canh rau, con mực mặn, xoong cá kho hay dĩa gỏi gà mà êm ấm, hơn cảnh sống giữa xứ người, không biết đâu là quê hương xứ sở. Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viển vông gì nữa hết.
Mà tháng năm thì vô tình đi mãi miết, mơ ước thì nhiều nhưng có bao giờ quay lại được đâu?
Maryland, những ngày chờ xuân Mậu Tuất