| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 1]: Hệ thống thú y rời rạc mỗi nơi một kiểu

Chủ Nhật 28/05/2023 , 14:26 (GMT+7)

Hầu hết các tỉnh tại Tây Nguyên không còn thú y cấp huyện mà chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp, việc sáp nhập gây nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh.

Hệ thống thú y cấp huyện mỗi tỉnh ở Tây Nguyên một kiểu nên gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Minh Quý.

Hệ thống thú y cấp huyện mỗi tỉnh ở Tây Nguyên một kiểu nên gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Minh Quý.

Mỗi nơi một kiểu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Đắk Nông đã sáp nhập không còn tổ chức trạm thú y, chăn nuôi cấp huyện. Việc này gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng hệ thống an toàn dịch bệnh trong thời gian qua.

Tại tỉnh Kon Tum, các Trạm Chăn nuôi và Thú y đã được chuyển giao về cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ đối với từng cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực chăn nuôi, thú y; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có nhiệm vụ tổ chức, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về chăn nuôi, thú y.

Đối với cấp xã, có một nhân viên thú y để thực hiện công tác giám sát và triển khai các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh bệnh động vật trên địa bàn.

Ghi nhận thực tế tại huyện Đắk Tô, trạm thú y đã được sáp nhập vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chỉ có một cán bộ thú y chuyên trách.

Bà Lê Thị Hoa, cán bộ thú y huyện Đắk Tô cho biết, hiện cả huyện chỉ có một biên chế cán bộ thú y, trong khi khối lượng công việc rất nhiều, vừa quản lý trực tiếp các cơ sở chăn nuôi, vừa thực hiện công việc hành chính, phòng chống dịch bệnh… không có thời gian để nghiên cứu các văn bản.

Cũng theo bà Hoa, trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, không kể ngày đêm cán bộ thú y cũng phải túc trực để xử lý kịp thời.

Theo các địa phương, hiện nay hệ thống thú y cơ sở không còn nên xảy ra nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo các địa phương, hiện nay hệ thống thú y cơ sở không còn nên xảy ra nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại tỉnh Gia Lai, hiện nay tổ chức bộ máy ngành thú y chưa đúng quy định của Luật Thú y do đó thiếu đồng bộ, đứt gãy, lỏng lẻo ở một số khâu trong công tác về phòng, chống dịch bệnh từ cấp tỉnh xuống cấp huyện.

Ngoài ra, tại một số địa phương cắt giảm chức danh Thú y - Chăn nuôi cấp xã đã gây không ít khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ghi nhận thực tế tại huyện Kông Chro, các trạm thú y cũng đã được sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 3 cán bộ thú y chuyên trách, ngoài ra mỗi xã có 1 thú y viên cơ sở, chủ yếu phục vụ cho các nông trại vừa và nhỏ trên địa bàn.

Về cơ bản, đối với công tác phòng chống dịch bệnh thông thường, các cán bộ thu y vẫn đáp ứng được khối lượng công việc. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh có tính chất phức tạp công việc khó đáp ứng. Không chỉ lực lượng còn mỏng mà chức năng nhiệm vụ của các cán bộ thú y cũng chưa đáp ứng được yêu câu đặt ra.

Ông Quốc cho cho biết, Chính phủ cũng đã thực hiện đề án về việc tăng cường các cán bộ thú y cơ sở, trong đó có công tác tập huấn, nâng cao năng lực… Nếu đề án này được thực hiện, hệ thống thú y sẽ đảm bảo tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Các địa phương Tây Nguyên mặt dù cố gắng phối hợp với nhau nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Quý.

Các địa phương Tây Nguyên mặt dù cố gắng phối hợp với nhau nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Quý.

Khó khăn chồng chất khi xảy ra dịch

Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, với việc thay đổi về hệ thống thú y từ cấp huyện đến cấp xã, thời gian đầu công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND các cấp trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện, mặt khác để củng cố năng lực mặng lưới thú y cơ sở.

Theo đó, hàng năm cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, viên chức cấp huyện và nhân viên thú y cấp xã, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn câp tỉnh đến cơ sở.

“Đến nay, về cơ bản hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở vẫn đang hoạt động hiệu quả và đảm bảo về năng lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Để theo kịp sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian đến, lực lượng thú y cơ sở cần phải được các cấp các ngành quan tâm đầu tư về con người, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu trong phát triển chăn nuôi công nghệ cao”, ông Mai cho biết. 

Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện nay tổ chức hệ thống ngành thú y trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp kiện toàn trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1280/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 hợp nhất nguyên trạng Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Chi cục Phát triển nông nghiệp.

Tại các huyện, địa phương thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc UBND huyện, thành phố trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV và Trạm Khuyến nông.

Tây Nguyên hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Tây Nguyên hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Vui, sau khi sáp nhập, chức năng quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống dịch bệnh động vật nói riêng được chuyển giao về Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện. Đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các huyện, thành phố được giao cho Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn trong việc triển khai, chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ từ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đến huyện phải qua nhiều bước, việc chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật không đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là công tác tiêu độc, tiêm phòng theo kế hoạch của tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông: “Khi dịch bệnh xảy ra, việc điều động nhân viên thú y, trang thiết bị của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp từ huyện này sang huyện khác để hỗ trợ chống dịch không thể thực hiện được như trước đây. Bên cạnh đó, từ khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh, Trung ương chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung các Thông tư hướng dẫn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.