| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình: Nhập hàng loạt trường học

Thứ Tư 16/01/2019 , 09:08 (GMT+7)

Ngày 29/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký ban hành kế hoạch số 45, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Với lĩnh vực giáo dục, tỉnh Thái Bình đang rà soát, sáp nhập các trường mầm non, ghép trường tiểu học vào trường THCS thành trường liên cấp. Sau 1 học kỳ sáp nhập, các mô hình mới giờ hoạt động ra sao?
 

Tinh gọn bộ máy trông thấy

Triển khai kế hoạch trên, ngày 23/8/2018, UBND huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức hội nghị công bố quyết định sáp nhập các trường học. Tại đây, lãnh đạo huyện đã trao quyết định giải thể, sáp nhập 1 trường mầm non tại thị trấn Quỳnh Côi, 15 trường tiểu học và THCS tại các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bảo, Quỳnh Giao, Quỳnh Minh, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Trang, Quỳnh Xá, An Ấp, An Cầu, An Hiệp, An Thái, An Thanh, An Tràng. Trao quyết định điều động, bổ nhiệm, giao phụ trách 18 hiệu trưởng, 43 phó hiệu trưởng.

Chúng tôi về Quỳnh Minh là 1 trong 8 xã điểm xây dựng NTM, cán đích năm 2013 của tỉnh Thái Bình. Ông Nguyễn Văn Thép, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết, trước khi sáp nhập, địa phương có 3 trường, phân làm 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Bắt đầu từ tháng 9/2018, trường tiểu học sáp nhập với THCS thành trường liên cấp, lấy tên chung là “Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Minh”.

15-23-00_1
Trường liên cấp Tiểu học & THCS xã Quỳnh Minh sau khi sáp nhập

Theo ông Thép, khi mới có chủ trương sáp nhập, đa phần người dân trong xã không đồng tình vì lo ngại gây xáo trộn việc học hành của con em, chồng chéo trong quản lý điều hành công việc, chuyên môn giảng dạy. Tuy nhiên, qua một học kỳ, hiệu quả từ việc sáp nhập khiến người dân chuyển sang đồng tình ủng hộ.

Ông Huỳnh Quang Trưởng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Minh chia sẻ, đúng là khi tiếp nhận thông tin sáp nhập, bản thân ông cũng như nhiều giáo viên đều lăn tăn. Nhưng nay, sự lăn tăn đó đã thay bằng tư tưởng thoải mái. Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Minh hiện có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó, 39 giáo viên cùng 512 học sinh.

Theo ông Trưởng, sau khi sáp nhập, bộ máy vẫn ổn định, không bị xáo trộn nhiều. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành chung. Hai hiệu phó được giao quản lý 2 cấp học trước Ban giám hiệu. Riêng các giáo viên bộ môn giữ nguyên vị trí, môn dạy cũng như mức lương, phụ cấp. Tuy nhiên, khi sáp nhập, do nhà trường thừa 1 kế toán, Phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Phụ đã điều động đi trường khác.

Cũng theo ông Trưởng, cái được nhìn thấy dễ nhất của việc sáp nhập là sự quản lý, điều hành thống nhất hơn. Giáo viên các khối lớp có dịp gặp gỡ, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ nhiều hơn. Cái được thứ hai, cũng nhờ sáp nhập, việc nhà trường đầu tư xây dựng, xã hội hóa các công trình giáo dục cũng tập trung, thuận lợi hơn.

15-23-00_2
Bức tường ngăn cách giữa hai trường nay mở thông
Một giáo viên bộ môn Hóa của Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Minh chia sẻ, lúc đầu nghe tin sáp nhập cũng có phần dao động, nay thì tất thảy các giáo viên đều thoải mái tư tưởng nhiều rồi. Từ việc dao động, giờ thì chính thầy giáo này là người đi đầu vận động, ổn định tư tưởng cho các đồng nghiệp khác.

Trước đây, do 2 trường riêng biệt, nếu huy động xây dựng sân thể chất cho các em rất khó mà lại lãng phí. Nhưng nay, việc huy động được chính quyền, phụ huynh học sinh ủng hộ nhiệt tình hơn. Sau khi sáp nhập, trường đã huy động xây dựng một sân bóng, đường chạy rộng trên 2.000m2. Bức tường ngăn cách giữa hai trường ngày nào, giờ thành một chiếc cổng kéo nhỏ nhắn, sơn trắng bắt mắt.
 

Còn khó khăn, sẽ tiếp tục gỡ

Ông Trần Văn Hà, Phó Hiệu trưởng khẳng định, sau khi sáp nhập, chất lượng đào tạo vẫn được giữ vững, nhưng các em học sinh được quan tâm, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Dù vậy, nhìn lại một học kỳ, bên cạnh hiệu quả, thì việc sáp nhập để trở thành trường liên cấp cũng đang bộc lộ khó khăn.

Theo ông Hà, từ khi sáp nhập, khối lượng công việc được giao nhiều hơn, nặng nề hơn. Cái nhà trường lo lắng nhất là cơ sở vật chất không còn đáp ứng yêu cầu. Điển hình, là phòng họp của trường nay quá tải, không đủ chỗ ngồi vì số giáo viên, cán bộ cộng dồn lên gấp đôi. Một số dãy phòng học xây dựng từ năm 1997, nay xuống cấp, cần sửa chữa, làm mới.

15-23-00_3
Sau khi sáp nhập, các học sinh được giao lưu, học hỏi nhau nhiều hơn

Ông Trưởng thừa nhận, bản thân vốn chỉ có kinh nghiệm quản lý điều hành cấp học THCS, nên khi sáp nhập chưa nắm bắt hết được tâm lý học trò cấp tiểu học. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn đánh giá xếp loại cấp trường dạng liên cấp chưa có. Trước khi sáp nhập, mỗi trường xếp loại một cấp khác nhau. Giờ đánh giá, xếp loại thế nào là việc chưa rõ ràng.

“Theo quy định, năm 2019 này, Trường THCS Quỳnh Minh sẽ được rà soát, đánh giá lại để xếp hạng. Nhưng do sáp nhập, nên phải dừng lại, và dừng bao lâu thì chưa biết. Về nhân sự, do trường có 2 cấp học nên phải có 2 Tổng phụ trách quán xuyến công việc, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể, mà theo quy định cũ mỗi trường chỉ được phân công 1 người nên có gặp khó khăn”, ông Trưởng chia sẻ.

Tính đến nay, các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Thái Bình có 2 trường Tiểu học, 2 trường THCS gần như đã hoàn thành việc sáp nhập. Việc sáp nhập trường THCS và trường Tiểu học thành trường phổ thông hai cấp học tại các xã, phường, thị trấn có cả trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở có dưới 18 lớp, tỉnh Thái Bình phấn đấu hoàn thành trước quý IV/2019.

Sở Nội vụ cho biết, UBND tỉnh chỉ ban hành kế hoạch, việc xây dựng đề án, nội dung thực hiện sẽ do UBND và phòng, ban cấp huyện chủ trì. Ngoài ra, các huyện cũng có nhiệm vụ bố trí, sắp xếp Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, viên chức tại các trường, khi thực hiện đề án sáp nhập bảo đảm ổn định, đúng quy định. Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT, UBND các huyện, TP hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đề án.

15-23-00_5
Bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc sáp nhập các trường học ở Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Thái Bình cũng yêu cầu tiến hành sáp nhập Trường Trung cấp Nông nghiệp, trực thuộc Sở NN-PTNT; Trường Trung cấp Xây dựng, trực thuộc Sở Xây dung; Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ huyện Kiến Xương, trực thuộc UBND huyện Kiến Xương vào Trường CĐ Nghề Thái Bình. Trước quý IV/2021, Thái Bình lên kế hoạch sáp nhập nhập Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật vào Trường CĐ Sư phạm.

Bên cạnh lĩnh vực GD-ĐT, tỉnh Thái Bình còn đưa một loạt lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, KH- CN, văn hóa- thể thao và du lịch… vào tầm ngắm sáp nhập, đổi mới bộ máy, tinh giản đầu mối. Tất cả những việc trên, tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị nhanh chóng vào cuộc, hạn chót hoàn thành sáp nhập trước quý IV/2019.

Tại cuộc họp 27/12/2018 vừa qua, ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã nhất trí sáp nhập các Trạm: Trồng trọt và BVTV, Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông các huyện, TP thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trực thuộc UBND các huyện, TP. Các huyện, TP cần xem xét, thống nhất địa điểm cụ thể đặt trụ sở, bàn giao nguyên trạng số viên chức của 3 trạm về Trung tâm DVNN.

 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.