| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương hừng hực khí thế sáp nhập các thôn, cụm, khu dân cư

Thứ Ba 15/01/2019 , 10:05 (GMT+7)

Không chỉ tiến hành sáp nhập các đơn vị ngành NN-PTNT ở cấp tỉnh, huyện, những ngày này, về Hải Dương, đi đâu cũng râm ran câu chuyện sáp nhập các thôn, cụm, khu dân cư (KDC). Việc các KDC tại Hải Dương "về chung một nhà" đang diễn ra khá suôn sẻ.

Khi phỏng vấn, đa phần người dân ủng hộ việc này.

"Đường về hai thôn" lui vào dĩ vãng

Tỉnh Hải Dương hiện có 1.469 thôn, KDC thuộc 265 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 1.096 thôn và 373 KDC. Dự kiến, từ nay tới 30/6/2019, địa phương này sẽ hoàn thành thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh toàn.

17-07-54_1
Người dân đa phần đồng thuận với việc sáp nhập

Hiện các huyện đã cơ bản hoàn thiện đề án cấp cơ sở. Theo đó, huyện Gia Lộc sẽ giảm 8 thôn, KDC sau sáp nhập. Các thôn Xuân Dương (xã Gia Lương), Phan Hà, Thụy Lương (xã Hoàng Diệu), thị tứ Hồng Hưng, Nhân Lý (xã Hồng Hưng), Buộm (xã Toàn Thắng), Cẩm Cầu (xã Thống Nhất) sẽ sáp nhập thành thôn lớn hơn. Các thôn Hống, Dôi ở xã Lê Lợi sáp nhập thành thôn Dôi Hống. Các thôn Chệch, Thanh Khơi, Vân Độ ở xã Trùng Khánh nhập thành thôn Trịnh Thanh Vân.

Không máy móc là chỉ sáp nhập, thôn quá lớn về mặt diện tích, dân số thì huyện Gia Lộc cũng chia tách ra để vừa sức quản lý. Cụ thể, thôn Tranh Đấu ở xã Gia Xuyên tách thành thôn Quán Nghiên và thôn Tranh Đấu. Thôn Thượng Bì ở xã Yết Kiêu tách thành thôn Thượng Bì 1, thôn Thượng Bì 2. UBND huyện Gia Lộc cho biết, sẽ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh việc chia tách, sáp nhập trước ngày 26/1 này.

Câu chuyện sáp nhập đang râm ran khắp xã Toàn Thắng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đề án sáp nhập, xã đã gửi cấp trên và chỉ chờ có quyết định là thực hiện. Theo ông Xuân, xã đã tổ chức các buổi họp lấy ý kiến người dân 2 thông Buộm và Nội. 89% người dân thôn Buộm và 98% người dân thôn Nội đồng ý việc sáp nhập, một tỷ lệ có thể nói là rất cao.

17-07-54_3
Ông Phạm Văn Tuấn, người dân thôn Buộm, xã Toàn Thắng, mong sớm sáp nhập 2 thôn làm 1

Bà Trần Thị Vải (79 tuổi), người dân thôn Nội bảo, khi xã lấy ý kiến, gia đình chúng tôi 6 người đều nhất trí sáp nhập. “Bởi vì thôn Buộm quá nhỏ, chỉ 169 hộ, nếu ghép 2 thôn làm một dễ quản lý hơn. Hơn nữa trong lịch sử xã Toàn Thắng, Buộm và Nội vốn chung một thôn với tên gọi Phạm Trung. Nếu nay được sáp nhập, trở lại tên cũ cũng là điều tốt, coi như về lại một nhà, có gì đâu mà ngại”, bà Vải trâm sự.

Ông Phạm Văn Tuấn, người dân thôn Buộm nhất trí về đề án sáp nhập sắp tới. Nếu như bây giờ, dù gọi là 2 thôn, nhưng đi chung một lối. Ví như đợt làm đường bê tông vừa qua, người dân cũng phải tính toán từng hộ đóng góp thế nào, rất rắc rối. Ông Tuấn mong hai thôn sớm "về lại một nhà" để mọi thứ suôn sẻ, thuận lợi.

Cùng chung ý kiến, bà Nguyễn Thị Mát (63 tuổi), thôn Buộm khẳng định, tính đi tính lại, sau sáp nhập người dân hai thôn chỉ có lợi hơn, cuộc sống cũng sẽ không xáo trộn gì. “Trước giờ nhà trẻ hai thôn đều nằm tại thôn Nội, nay có sáp nhập cũng không ảnh hưởng tới các cháu. Còn về mặt giấy tờ, chắc sẽ sẽ có phương án điều tiết hợp lý thôi”.

Chia sẻ thêm, ông Xuân cho biết, trong đề án xã đã gửi HĐND huyện Gia Lộc, địa phương cũng lường trước mọi việc. Do mỗi thôn có một Nhà văn hóa (NVH), cách nhau vài trăm mét, sau khi sáp nhập sẽ để 1 NVH cho các chi bộ, đoàn thể họp hành. Về cơ cấu tổ chức, thôn mới có tên gọi Phạm Trung, có một chi bộ Đảng. Người đứng đầu sẽ là trưởng thôn kiêm Bí thư. Sau này, khi bộ máy ổn định sẽ bầu 2 phó thôn, 2 cán bộ y tế và 2 thôn đội trưởng.

Về mặt thủ tục giấy tờ của người dân, ông Xuân khẳng định, sẽ không quá ảnh hưởng. Các loại thẻ căn cước, giấy phép lái xe, hồ sơ việc làm, đi học… đều không vướng mắc gì bởi chỉ là sáp nhập thôn. Riêng sổ hộ khẩu, thuộc thẩm quyền của xã nên sẽ điều tiết được.

Làm cấp bách, không viện dẫn khó khăn

Mới đây, tại cuộc họp về Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án khẳng định, cần thống nhất thực hiện, tránh để xáo trộn tại địa phương. Các cấp không viện dẫn khó khăn, vướng mắc để chậm trễ và phải thực hiện đồng loạt tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

17-07-54_4
 Dự kiến đến 30/6/2019, Hải Dương hoàn thành việc sáp nhập, chia tách các thôn, KDC

Theo Ban Chỉ đạo, thời gian qua, các thôn, KDC hoạt động về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên đa số các thôn, KDC có diện tích nhỏ, quy mô dân số thấp so với tiêu chuẩn quy định nên gây nhiều khó khăn trong việc quy hoạch phát triển nông thôn mới. Việc đầu tư hạ tầng dàn trải gây lãng phí cho ngân sách.

Những thôn, KDC có dân số đông, diện tích lớn bị chia tách bởi đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp… cũng khó cho việc quản lý hành chính. Đặc biệt, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tương đối lớn nhưng chất lượng công việc chưa đạt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, là gánh nặng cho ngân sách, giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền.

Chính vì vậy, Hải Dương quyết định chia tách, sáp nhập lại các thôn, KDC trên địa bàn nhằm tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch nhất là giao thông nông thôn, mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung nguồn lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tinh gọn bộ máy chính trị…

Theo đó, đối với thôn, sau khi chia tách, sáp nhập ở vùng đồng bằng phải đảm bảo mỗi thôn có từ 400 hộ gia, ở miền núi có từ 200 hộ gia đình trở lên. Đối với tổ dân phố (KDC) ở khu vực đồng bằng có từ 500 hộ gia đình, vùng miền núi có từ 300 hộ gia đình trở lên. Dự kiến đến ngày 30/6/2019, Hải Dương sẽ hoàn thành việc sáp nhập, chia tách các thôn, KDC.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Việc tuyên truyền, khảo sát, lấy ý kiến người dân theo đúng quy định pháp luật. Công an tỉnh hướng dẫn các thủ tục, giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, chứng thực, quyền sở hữu các tài sản của nhân dân sau sáp nhập, chia tách...

Hiện các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, TX Chí Linh, TP Hải Dương đang rốt ráo thực hiện các bước sáp nhập theo đề án. Tại huyện Nam Sách, dự kiến 17 thôn ở 9 xã hiện có dưới 200 hộ gia đình sẽ phải sáp nhập. Kết quả lấy ý kiến của Nam Sách đạt tỷ lệ trên 50% cử tri đồng ý. UBND huyện Nam Sách sẽ tổng hợp và hoàn chỉnh hồ sơ gửi về tỉnh trước ngày 20/2/2019.

 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.