| Hotline: 0983.970.780

Sáp nhập các sở, ngành - tạm dừng đến bao giờ?: Hà Nam như 'dính gáo nước lạnh'!

Thứ Hai 14/01/2019 , 08:31 (GMT+7)

Các tỉnh, TP đang hừng hực khí thế "khắc nhập, khắc nhập" thì Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị tạm ngừng việc sáp nhập các sở, ngành. 

"Gáo nước lạnh" ào xuống khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu lộ trình sáp nhập bộ máy, tinh giản biên chế có vì 1 văn bản của Bộ Nội vụ mà dừng lại, thậm chí trở về vạch xuất phát?

Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2018, tỉnh Hà Nam nhiều lần ra văn bản, kết luận "lên dây cót" cho một số Sở, ngành tiến hành việc xây dựng đề án, tờ trình sáp nhập, giải thể các đơn vị. Tuy nhiên, ngày 9/1, tỉnh Hà Nam đã tạm dừng việc sáp nhập, chờ hướng dẫn từ Bộ Nội vụ và Chính phủ.

09-09-24_1
Theo phương án mới, Hạt quản lý, Hạt kiểm lâm sẽ giao cho UBND các huyện quản lý

Ngày 15/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động số 54 của Tỉnh ủy, thực hiện các Nghị quyết Hội nghị TW6, TW7 (Khóa XII).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư tTnh ủy Hà Nam kết luận, các địa phương đã thực hiện tốt, quyết liệt về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Theo ông Khang, kết quả ban đầu, là Hà Nam đã tổ chức thực hiện, sắp xếp giảm đầu mối bên trong các đơn vị thuộc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từ 33 giảm xuống 20 đầu mối. Tiến hành giải thể, sáp nhập từ 4 trung tâm thuộc đoàn thể xuống còn 1.

Tỉnh này cũng tiến hành thành lập 6 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trên cơ sơ “gom” các đơn vị Thú y, Trồng trọt BVTV, Khuyến nông… giao cho UBND cấp huyện quản lý. Ngoài ra, từ cơ sở, Hà Nam cũng thực hiện sáp nhập 612 thôn, tổ dân phố xuống thành 228 thôn, tổ dân phố.

Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc, khẩn trương thực hiện các đề án đã phê duyệt. Một là đề án sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền; Sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện thí điểm phân cấp quản lý một số đơn vị thuộc Sở về UBND huyện quản lý; Tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố…

Tới ngày 10/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Xuân Đông đã ký văn bản số 3654 gửi một loạt Sở, ngành, UBND cấp huyện, TP về việc tiến hành xây dựng tờ trình, đề án sáp nhập các đơn vị quản lý. Kèm với đó là một danh sách dài các đơn vị cần sáp nhập, nâng cao hoạt động, thời gian thực hiện từ tháng 12/2018 tới hết năm 2019.

Riêng với ngành nông nghiệp, tỉnh Hà Nam định hướng sẽ tiếp tục sáp nhập các đơn vị là Hạt kiểm lâm, Hạt quản lý đê điều từ Sở NN-PTNT về UBND cấp huyện quản lý. Theo tìm hiểu của PV Báo NNVN, Sở NN-PTNT Hà Nam đã gửi phương án bàn giao các Hạt theo đúng kết luận tại hội nghị của ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.

Cụ thể, sẽ có 7 Hạt kiểm lâm, quản lý đê điều là Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, Lý Nhân và TP Phủ Lý sẽ phải sáp nhập về UBND cấp huyện. Theo phương án, Sở NN-PTNT sẽ bàn giao nguyên trạng các Hạt lại cho UBND các huyện quản lý.

Đồng thời bàn giao các nhiệm vụ thường xuyên của các Hạt này, không bàn giao những nhiệm vụ do các Chi cục thuộc sở hữu như quản lý vũ khí của Hạt kiểm lâm. Về vấn đề nhân sự, Sở NN-PTNT lên phương án bàn giao 28 người của các Hạt về làm việc lại các huyện. Cũng theo phương án này, thời điểm chốt bàn giao là 31/12/2018.

Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện sáp nhập đang diễn ra, PV Báo NNVN nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở NN-PTNT nhưng không được gặp với lý do “Đang rất bận”. Ngày 9/1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Đạt, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, tỉnh đã có văn bản tạm dung việc sáp nhập, việc này đã giao cho 1 Phó GĐ Sở là ông Nguyễn Minh Tiến phụ trách.

09-09-24_2
Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam đã ra văn bản tạm dừng sáp nhập, chờ chỉ thị từ Chính phủ

Tuy nhiên, khi liên lạc, ông Tiến cho biết đang bận họp, không thể nghe máy và nhắn tin lại với nội dung: “Việc tổ chức anh Đạt trực tiếp chỉ đạo, giao phòng Tổ chức cán bộ. Tôi cũng không nắm chắc. Anh liên hệ với anh Nghiệp (Trưởng phòng Tổ chức) theo số máy xxx...”.

Có cảm giác việc sáp nhập quá ư nhạy cảm, nên hỏi cán bộ nào của ngành NN- PTNT tỉnh Hà Nam, PV cũng đều nhận được những ánh mắt ý nhị, e ngại. Thậm chí có người, thoáng nhìn thấy nhà báo đã khép cửa phòng làm việc, tắt điện, PV gọi chỉ nghe thấy giọng thì thào: "Tôi đang họp tổng kết năm bên Sở, ngành (này, kia), bận lắm!".

Quả nhiên, quay ra cổng hỏi bảo vệ, nhận được câu trả lời chắc như cua đinh: "Không, cậu ấy từ sáng đến giờ vẫn ở Sở, có ra ngoài đâu. Xe máy vẫn dựng kia mà".

Bên cạnh ngành NN-PTNT, trong năm 2019, tỉnh Hà Nam đã lên phương án thí điểm chuyển nhiều đơn vị cấp Sở về giao cho UBND các huyện, như Văn phòng quản lý đất đai, Trung tâm y tế. Giải thể một loạt các đơn vị, như BQL phát triển khu đô thị mới; Trung tâm tư vấn dịch vụ tài chính; Trung tâm nước sạch và VSMT…

Nhiều đơn vị như Bệnh việt mắt, Đa khoa tỉnh, Trung tâm giám định chất lượng xây dựng… được yêu cầu chuyển thành đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Nhiều Trung tâm thuộc các Sở Xây dựng, Công thương, Kế hoạch – đầu tư chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Ngày 6/12/2018, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18, TW 6 “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc TW tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở, ngành), cấp huyện (Phòng, ban).

Chiều 9/1/2019, ông Trần Đức Thuấn, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh này đã có văn bản tạm dừng việc sáp nhập các đơn vị Sở, ngành trước đó, thực hiện theo đề nghị của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, khâu sáp nhập các thôn, tổ dân phố dưới cơ sở vẫn được tiến hành.

 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.