| Hotline: 0983.970.780

Thái Lan khó tận dụng lợi thế khi giá gạo cao

Thứ Năm 21/09/2023 , 08:31 (GMT+7)

Dù giá gạo thế giới đang tăng cao khiến người nông dân vui mừng, song giới chuyên gia nhận định nền nông nghiệp Thái Lan khó có thể tận dụng tối đa cơ hội này.

Hồi tháng 7/2023, Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm kiềm chế giá gạo tăng cao và đảm bảo nguồn cung trong nước. Sau đó, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Nga cũng đã có động thái tương tự, điều này đã gây ra tình trạng mua hàng tích trữ ở một số quốc gia và khiến giá gạo tiếp tục leo thang.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đáng nhẽ phải được hưởng lợi từ điều này. Thay vào đó, diện tích đất trồng lúa ở Thái Lan trong tháng 8/2023 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu chính phủ Thái Lan công bố. Con số này đã liên tục giảm kể từ năm 2020.

Theo giới chuyên gia, nền nông nghiệp Thái Lan đang phải đối mặt nguy cơ lớn từ biến đổi khí hậu, nợ nần do phát triển nông nghiệp không bền vững và thiếu đổi mới. Những áp lực này đang đẩy người nông dân nước này vào con đường nợ nần, dù chính phủ đã hỗ trợ hàng chục tỷ USD trong thập kỷ qua.

Sự sụt giảm diện tích đất canh tác có thể khiến sản lượng gạo của Thái Lan giảm, làm gia tăng tình trạng lạm phát lương thực vốn đã leo thang do hạn hán và ảnh hưởng đến hàng tỷ người tiêu dùng, chuyên gia nông nghiệp Somporn Isvilanonda tại Viện Mạng lưới Tri thức Thái Lan (KNIT) cho biết.

"Việc diện tích đất canh tác liên tục giảm là do thiếu mưa và nước tưới", ông Somporn cho biết.

Gạo là nông sản chính của Thái Lan. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của nước này được sử dụng để trồng lúa, với hơn 5 triệu hộ nông dân, theo Krungsri Research.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Thái Lan đã chi 1,2 nghìn tỷ baht (33,85 tỷ USD) nhằm trợ giá và tăng thu nhập cho nông dân, ông Somporn ước tính.

Tuy nhiên, ông Somporn cho rằng chính phủ chưa có các biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng suất. Mặc dù giá gạo thế giới hiện đang ở mức cao, song người nông dân dường như không thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo. Ông cũng dự đoán sản lượng sẽ giảm khoảng 30% trong hai vụ lúa sắp tới do thiếu nước.

"Các hình thái thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino gây ra rủi ro cho nông dân". Lượng mưa năm nay thấp hơn 18% so với bình thường và các hồ chứa chính chỉ được lấp đầy khoảng 54%, theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia.

Theo dữ liệu của chính phủ, nhiều hộ nông dân Thái Lan đang chịu nhiều gánh nặng tài chính sau khi phải vay mượn để có tiền sản xuất, với nhiều khoản nợ truyền qua nhiều thế hệ.

Hồi tháng 8/2023, hàng chục nông dân và chủ đất đã biểu tình bên ngoài một chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã và Nông nghiệp Thái Lan ở Chai Nat để được đối thoại với các quan chức.

Ông Danai Saengthabthim, 60 tuổi, là một trong số những người có mặt tại cuộc họp kéo dài nhiều giờ liền. Tại đây, ông đã thuyết phục ngân hàng không tịch thu đất đai của ông do các khoản nợ ngày một lớn từ thế hệ trước đã quá hạn.

Ngân hàng Hợp tác xã và Nông nghiệp Thái Lan sau đó cho biết họ không có chính sách tịch thu đất đai của những nông dân vô tình vỡ nợ.

Bà Sripai Kaeo-eam, 58 tuổi, cùng nhiều nông dân khác trong khu vực đã nhiều lần đến thủ đô Bangkok để vận động Bộ Nông nghiệp Thái Lan. "Toàn bộ người nông dân trong nhóm của chúng tôi đều có nợ. Chúng tôi lâm vào cảnh nợ nần khi phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh”, bà Sripai cho biết.

Thái Lan là một trong những nước có mức nợ hộ gia đình cao nhất châu Á. Năm 2021, 66,7% tổng số hộ nông dân có vay nợ, phần lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo dữ liệu của chính phủ.

Thủ tướng Srettha Thavisin hồi tuần trước khẳng định trước quốc hội rằng chính phủ sẽ tìm cách cải thiện thu nhập cho người nông dân. "Chính phủ sẽ tăng cường quản lý tài nguyên nước và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất cây trồng cũng như tìm kiếm thị trường mới cho nông sản trong nước", ông Thavisin nói, đồng thời khẳng định sẽ gia hạn thời gian trả nợ cho người nông dân.

Các chính phủ Thái Lan tiền nhiệm hầu như không can thiệp vào thị trường lúa gạo cho đến khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra một kế hoạch trợ giá gạo cho người nông dân hồi năm 2011. Theo đó, chính phủ Thái Lan khi đó đã mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.

Động thái này đã khởi đầu một giai đoạn “bao nuôi” làm giảm động lực gia tăng năng suất ở Thái Lan, khiến năng suất trung bình giảm xuống thấp hơn so với Bangladesh và Nepal, Nipon Poapongsakorn, chuyên gia nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết.

Năm 2018, năng suất trồng lúa trung bình của Thái Lan chỉ đạt 3,03 tấn/ha, thấp hơn so với năng suất trung bình của Bangladesh (4,7 tấn/ha) và Nepal (3,5 tấn/ha), theo dữ liệu do ông Nipon cung cấp.

Ông Nipon nhấn mạnh rằng chi phí đầu tư nghiên cứu lúa gạo đã giảm từ 300 triệu/năm baht xuống còn 120 triệu baht/năm trong một thập kỷ qua. “Giống lúa của chúng ta rất lỗi thời, còn năng suất thì rất thấp", ông Nipon nói.

Nông dân chỉ được trồng hợp pháp các giống được chính phủ phê duyệt và có thể không tìm được đầu ra nếu họ trồng các giống lúa từ nước ngoài, ông Somporn nói.

Trong những năm gần đây, các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu, vượt qua Thái Lan về năng suất cũng như gây dựng được danh tiếng trên thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cho biết.

Khi vụ thu hoạch lúa vừa kết thúc, bà Sripai ở tỉnh Chai Nat, miền trung Thái Lan, đã vội vã cải tạo đất cho vụ gieo trồng mới từ cuối tháng 8, phớt lờ lời khuyên của chính phủ Thái Lan về việc hạn chế gieo trồng trong năm nay nhằm tiết kiệm nước.

Bà Sripai hiện đang nợ ngân hàng hơn 200.000 baht (5.600 USD), song bà tin rằng việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo sẽ là cơ hội giúp bà trả hết nợ.

Bà Spirai cho rằng khi giá gạo thế giới tăng cao, hàng triệu nông dân Thái Lan đứng trước cơ hội trả được hết nợ. Một vụ thu hoạch tốt có thể giúp nông dân kiếm được gấp đôi hoặc gấp ba so với các năm trước.

"Dường như tôi đang mơ, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu gạo… Chúng tôi hy vọng có thể trả được nợ. Chúng tôi đang rất quyết tâm", bà Sripai nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.