Động thái này được Ấn Độ đưa ra nhằm duy trì đủ lượng gạo dự trữ trong nước và kiểm soát giá gạo trong nước.
Tuy nhiên, nó sẽ làm giảm thêm lượng xuất khẩu cũng như thúc đẩy giá gạo toàn cầu có thể tăng thêm. Hiện giá gạo toàn cầu đang tăng cao nhất trong 12 năm qua.
Việc miễn thuế sẽ áp dụng đối với gạo đồ nằm tại các cảng hải quan chưa được cấp LEO (cho phép xuất khẩu) và được bảo đảm bằng LC (Thư tín dụng) hợp lệ trước ngày 25/8.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá, nếu Ấn Độ áp thuế xuất khẩu với mặt hàng gạo đồ hay loại gạo khác, thì giá lúa gạo Việt Nam cũng không thay đổi nhiều so với hiện tại. Bởi thực tế hiện nay giá lúa gạo tại Việt Nam đang bị "cò" và thương lái đẩy lên cao.
Theo Reuters và báo chí Ấn Độ, với những hạn chế này, Ấn Độ hiện đã áp đặt các hạn chế đối với tất cả các loại gạo đồ non-basmati. Gạo đồ non-basmati chiếm khoảng 25% tổng lượng gạo xuất khẩu từ nước này.
Tháng trước, Ấn Độ đã gây ngạc nhiên cho người mua khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo đồ non-basmati được tiêu thụ rộng rãi, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Tổng xuất khẩu gạo đồ basmati của Ấn Độ đạt 4,8 tỷ USD trong năm 2022-2023 xét về mặt giá, tương đương 45,6 vạn tấn. Xuất khẩu non-basmati đạt 6,36 tỷ USD năm 2022, tương đương 177,9 vạn tấn.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, sản lượng gạo ước tính tăng lên trên 135,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 (niên vụ năm trước là gần 130 triệu tấn).
Vào tháng 7, chỉ số giá gạo của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do giá ở các nước xuất khẩu chính tăng vọt do nhu cầu mạnh sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Ngày 20/7, Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo khiến giá gạo toàn cầu tăng thêm 100USD/tấn.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới, lượng gạo tồn kho thấp ở các nhà xuất khẩu khác có nghĩa là bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào cũng có thể làm tăng giá lương thực vốn đã tăng do cuộc chiến Nga-Ukraine và thời tiết thất thường.
Trước đó, Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho biết, Ấn Độ đang cân nhắc áp thuế xuất khẩu đối với gạo đồ non-basmati, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, ngay lập tức, lãnh đạo nước này đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên.
Theo các chuyên gia chuyên ngành lúa gạo, gạo non- basmati là các loại gạo không phải basmati, một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan. Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay, xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, đặc biệt là vitamin B1, do vậy gạo trắng đồ chứa 80% dinh dưỡng so với gạo lứt.