| Hotline: 0983.970.780

Nghèo khó bủa vây vùng biên Cao Bằng: Sống trên ‘mỏ vàng’ vẫn nghèo

Thứ Năm 12/08/2021 , 17:46 (GMT+7)

Mỗi khi nói đến khu vực phía tây của Cao Bằng là huyện biên giới Bảo Lâm, người ta nghĩ ngay tới vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng người dân vẫn nghèo.

Sống trên "mỏ vàng" vẫn nghèo

Xã Nam Quang cách trung tâm huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) hơn 10km, có 11 xóm với gần 1.000 hộ dân. Trong đó có 56% hộ người dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là trồng ngô, lúa, đỗ tương và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Nam Quang chiếm hơn 50%, riêng hộ nghèo gần 30%.

Ông Mã Văn Vừ, Chủ tịch UBND xã Nam Quang chia sẻ, trên địa bàn xã có 2 mỏ vàng quy mô lớn nhất tỉnh (mỏ Thẩm Riềm và mỏ Khùng Khoàng), nhưng địa phương được hưởng lợi rất ít (các mỏ có hỗ trợ quà cho gia đình chính sách hoặc một số hoạt động của xã). Chỉ có một số ít lao động địa phương làm việc thời vụ tại mỏ, còn lao động trình độ cao thì người dân ở xã không có cơ hội. Điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, cả xã còn 4 xóm chưa có đường ô tô đến xóm, 50% số hộ dân chưa được sử dụng điện, có xóm vẫn chưa được đầu tư công trình điện lưới quốc gia.

Những mỏ vàng tại xã Nam Quang gần như không đem lại lợi ích cho người dân địa phương, thậm chí còn thi thoảng gặp sự cố như vỡ đập, tràn nước thải ra khu sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những mỏ vàng tại xã Nam Quang gần như không đem lại lợi ích cho người dân địa phương, thậm chí còn thi thoảng gặp sự cố như vỡ đập, tràn nước thải ra khu sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phóng viên đã theo chân cán bộ xã Nam Quang đến thăm một mô hình phát triển kinh tế điển hình, đó là gia đình chị Mạc Thị Viên ở xóm Đon Sài. Từ hơn chục năm nay, chị Viên nuôi 5 lợn nái, 30 - 40 lợn thịt/lứa, nuôi 1.000 vịt siêu trứng, gần 1.000 vịt và ngan thịt. Mỗi năm, từ chăn nuôi và kinh doanh tạp hóa, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 200 triệu đồng.

Chị Viên cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình chị cũng gặp nhiều khó khăn vì chủ yếu trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi chị mở cửa hàng bán tạp hóa mới có thu nhập ổn định hơn. Có vốn, tôi đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, vịt để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế và mức thu nhập khá giả như của chị Viên là duy nhất ở xã Nam Quang. Phần lớn người dân trong xã thu nhập rất thấp, nhiều hộ thiếu ăn, bình quân đầu người chỉ đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm.

Mô hình kinh tế và mức thu nhập như của gia đình chị Viên là duy nhất ở xã Nam Quang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình kinh tế và mức thu nhập như của gia đình chị Viên là duy nhất ở xã Nam Quang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Giàu tài nguyên nhất tỉnh Cao Bằng, nhưng vẫn ở nhóm nghèo nhất nước

Huyện Bảo Lâm là địa phương giàu tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Cao Bằng, nơi tập trung của những người trong giới làm vàng, làm quặng từ khắp miền Bắc. Phần lớn các xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều có khoáng sản, với những mỏ lớn như: Mỏ vàng có Thẩm Riềm và Khùng Khoàng; Mỏ quặng chì kẽm có Bản Bó, Bản Vai, Bản Ran, Chè Pẻn, Lạng Cá… Chính vì vậy cũng xuất hiện nhiều đại gia mỏ nổi tiếng từ các thành phố lớn như Thái Nguyên, Hà Nội tề tựu về đây.

Mặc dù vậy, Bảo Lâm lại là một huyện nghèo nhất tỉnh Cao Bằng và nằm trong danh sách 56 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cả 13/13 xã, thị trấn của huyện đều thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ hộ nghèo các xã năm 2020 trung bình khoảng trên 30%, một số xã có tỷ lệ cao từ 40% đến hơn 50% hộ nghèo như Thạch Lâm, Quảng Lâm, Đức Hạnh, Thái Sơn.

Những đại gia mỏ đang ngày ngày đào bới tài nguyên mang đi, còn cái nghèo thì ở lại với người dân Bảo Lâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những đại gia mỏ đang ngày ngày đào bới tài nguyên mang đi, còn cái nghèo thì ở lại với người dân Bảo Lâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cơ sở hạ tầng hạn chế, đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã có khoảng cách lớn, trung bình từ 20 - 30km, chất lượng đường giao thông không đảm bảo vẫn là rào cản lớn nhất làm người dân nơi đây vẫn nghèo bền vững.

Điển hình là xã giáp biên giới Đức Hạnh, là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Cao Bằng, có đường giao thông đến xã khó khăn nhất. Từ thị trấn Pác Miầu (trung tâm huyện Bảo Lâm) đến trung tâm xã dài 43km thì có đến 26km là đường đất, đá. Trời nắng từ trung tâm huyện vào xã phải mất khoảng 1 tiếng 40 phút, còn nếu trời mưa, đường trơn trượt thì thời gian đi phải gần 3 giờ đồng hồ, thậm chí nếu xảy ra sạt lở là không đi lại được. Nhiều xóm, bản ở Đức Hạnh vẫn 3 không: không đường, không điện và không có nước sạch.

Một xóm gần đường QL34, thuộc thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một xóm gần đường QL34, thuộc thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bao giờ thoát được nghèo?

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm, người dân tộc Mông chiếm khoảng 50% tổng số nhân khẩu toàn huyện, tiếp sau là người Tày, Dao, Kinh… Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, cuộc sống bà con địa phương còn nhiều khó khăn. Toàn huyện còn gần 800 hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát thiếu kiên cố. Hàng năm, tỷ lệ hộ thiếu đói dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán còn cao. Trong năm 2021, huyện được hỗ trợ hơn 245 tấn gạo cho 3.433 lượt hộ nghèo.

Để làm rõ hơn về những vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế, xã hội của huyện nói chung, những chính sách xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến UBND huyện Bảo Lâm đăng ký làm việc qua lãnh đạo Văn phòng UBND - HĐND huyện.

Do ông Chủ tịch UBND huyện Mã Gia Hãnh không có mặt tại cơ quan, nên phóng viên đã phải liên lạc với vị lãnh đạo này qua điện thoại. Tuy nhiên khi đề xuất những nội dung trên, xin được gặp lãnh đạo huyện này, thì ông Hãnh né tránh với lý do ông và các phòng chuyên môn bận họp Ban chấp hành và bận đủ việc khác… nên không cử người làm việc được. Không dễ gì để có dịp đến được đây, chúng tôi ra về mà lòng không khỏi vấn vương.

Đường giao thông từ QL34 vào xã Đức Hạnh 26km đường đất đá, nếu trời mưa, trơn trượt thì phải mất gần 3 giờ đồng hồ vào xã. Ảnh: Công Hải.

Đường giao thông từ QL34 vào xã Đức Hạnh 26km đường đất đá, nếu trời mưa, trơn trượt thì phải mất gần 3 giờ đồng hồ vào xã. Ảnh: Công Hải.

Trong những năm qua, việc huyện Bảo Lâm giàu về tài nguyên, khoáng sản nhưng mặt bằng chung về đời sống của người dân còn nghèo, gặp nhiều khó khăn là điều khó lý giải. Vì vậy mong mỏi của người dân Bảo Lâm là được các cấp lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và huyện Bảo Lâm quan tâm hơn nữa, đầu tư về cơ sở hạ tầng địa phương. Chừng nào điện, đường, nước, trường, trạm... chưa được quan tâm đồng bộ, tạo sinh kế bền vững, cái nghèo chắc vẫn còn đeo bám bà con vùng biên này.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.