| Hotline: 0983.970.780

ThaiBinh Seed giành giải Nhất Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022

Thứ Sáu 04/11/2022 , 17:05 (GMT+7)

Tập đoàn ThaiBinh Seed giành 2 giải Nhất tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 khi lần đầu tiên tham gia với giống gạo thơm TBR39 và giống gạo nếp A Sào, TBR78.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho giống gạo thơm TBR39 cho Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho giống gạo thơm TBR39 cho Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 4/11, tại TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông thôn ngày nay đồng tổ chức Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III - năm 2022.

Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III - năm 2022 quy tụ 6 doanh nghiệp tham gia, là những doanh nghiệp lớn trong chọn tạo, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam: Công ty Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Công ty TNHH Thương mại HK (Tiền Giang), Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng), Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Các doanh nghiệp tham dự với 8 mẫu gạo thơm gồm ST24, ST25, TBR39, Lộc Trời 28, VD20, Đài Thơm 8, OM8, OM48 và 4 mẫu gạo nếp gồm: nếp A Sào, TBR78, OM406, OM38.

Theo Ban Tổ chức, các giống gạo tham gia cuộc thi phải được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu 1 vụ tại 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước.

Ba tiêu chí để xác định loại gạo ngon nhất là đánh giá mẫu trước khi nấu, sau khi nấu và thuyết minh đặc tính của gạo. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc. Gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt.

Các sản phẩm của Tập đoàn ThaiBinh Seed đem đến Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các sản phẩm của Tập đoàn ThaiBinh Seed đem đến Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, cuộc thi năm nay nhằm chọn các chủng loại gạo thơm và gạo nếp với các đặc tính ưu việt, ổn định, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam đồng thời để giới thiệu đến cộng đồng quốc tế.

“Cuộc thi là một sân chơi lành mạnh, giúp các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất, lai tạo các giống lúa cùng nhau phát triển và hoàn thiện hơn. Đồng thời là cầu nối, liên kết giữa các bên tham gia cuộc thi hình thành mối liên hệ bền vững hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu sáng tạo trong tương lai.

Với các loại gạo ngon được chọn ra từ cuộc thi, người tiêu dùng trong nước và thế giới được thưởng thức gạo ngon Việt Nam an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Nam nói.

Ban Giám khảo đánh giá các mẫu gạo trước khi nấu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban Giám khảo đánh giá các mẫu gạo trước khi nấu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, trong 20 năm trở lại đây, người dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng có xu hướng chuyển từ đủ ăn sang ăn ngon hơn, chất lượng tốt hơn. Do đó, việc chọn tạo giống lúa tốt với sự tham gia của các đơn vị, Viện Lúa ĐBSCL sẽ góp phần cải thiện bộ mặt lúa gạo Việt Nam trong nước và thế giới cũng như tiếp cận các thị trường, quảng bá lúa gạo Việt Nam.

"Trong cơ cấu giống lúa gạo xuất khẩu có khoảng 25% là gạo thơm. Việt Nam có nhiều giống lúa gạo mới được tạo ra bởi nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được thị trường trong nước và thế giới công nhận. Nhiều giống gạo của Việt Nam đã có giải cao trong các cuộc thi gạo ngon quốc tế, đây là những giống gạo thơm không chỉ ngon mà còn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có lợi thế về thương mại", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, tiêu chí của cuộc thi không chỉ chọn gạo ngon đơn thuần mà còn tính đến khả năng thương mại hóa, khả năng canh tác đại trà để nông dân có thể sản xuất và làm giàu trên chính quê hương mình.

Giám khảo chấm điểm gạo sau khi nấu chín. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giám khảo chấm điểm gạo sau khi nấu chín. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Kết quả cuối cùng Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022, đối với gạo nếp, giải Nhất thuộc về nếp A Sào của Tập đoàn Thái Bình Seed; Giải Nhì thuộc về giống nếp của Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long; Giải Ba tiếp tục thuộc về Tập đoàn Thái Bình Seed với giống nếp TBR78.

Đối với gạo thơm, Giải Nhất thuộc về gạo TBR39 của Tập đoàn Thái Bình Seed; Giải Nhì được trao cho gạo ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí; Giải Ba thuộc về gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời. Đây là 3 loại gạo thơm sẽ đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2022 tại Thái Lan vào giữa tháng 11 tới đây.

Là một doanh nghiệp đoạt 3 giải tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022, ông Phạm Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị này tham gia Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam.

"Chúng tôi mong muốn đưa gạo thơm TBR39 - sản phẩm của Viện Nghiên cứu thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed giới thiệu với các nước trên thế giới tại Cuộc thi Gạo ngon Thế giới. Đây là sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam", ông Hoàn kỳ vọng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, 3 mẫu gạo thơm đoạt giải cao nhất năm nay sẽ được giới thiệu tham dự Cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2022 tại Thái Lan vào giữa tháng 11 tới. 

Một số hình ảnh tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022:

Gạo thơm ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đoạt Giải Nhì Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gạo thơm ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đoạt Giải Nhì Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời giành Giải Ba Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời giành Giải Ba Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giải Nhì thuộc về giống nếp của Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giải Nhì thuộc về giống nếp của Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu thử mùi của các loại gạo tham gia cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu thử mùi của các loại gạo tham gia cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu tham dự thử độ dẻo của từng loại gạo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu tham dự thử độ dẻo của từng loại gạo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.