| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập hàng loạt “thủ phủ” hàng dởm: Nước ngọt, rượu vang độc 100% hóa chất

Thứ Tư 04/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trong loạt bài điều tra này, PV lật tẩy hàng loạt cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng; những chiêu trò làm giả, làm nhái các thương hiệu bánh kẹo, rượu nổi tiếng.../ Công nghệ chế biến chà bông cực bẩn, cực độc

* Chai nước giải khát rẻ bằng… nửa ly trà đá!

Rượu vang làm từ... hóa chất + nước lã. Nước giải khát giá chỉ hơn 1.000 đồng/chai. Mới nghe tưởng hoang đường, thế nhưng đó lại là sự thật 100% tại một cơ sở sản xuất rượu và nước giải khát ở thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Nước ngọt 1.400 đồng/chai

Đồng điệu với khung cảnh người, xe qua lại như mắc cửi dưới lòng đường, hoạt động kinh doanh tại tổng đại lý bánh, kẹo, nước giải khát Tuấn Yến ở đầu Phố Mới, thị trấn Thổ Tang vào dịp sát Tết náo nhiệt không kém.

Thấy người lạ hỏi mua về rượu, nước giải khát siêu rẻ, bà chủ lắc đầu bảo: “Ở đây là đại lý uy tín, hàng lởm không lọt vào được”. Chỉ tới khi PV giới thiệu là dân “đánh hàng” lên miền núi tiêu thụ, người này mới chịu “chào hàng”.

Sản phẩm “siêu rẻ” thứ nhất được chủ đại lý giới thiệu là chai nước ngọt có ga màu đỏ tên “Soft Drink” hương vị dâu, dung tích 400 ml. Trên nhãn mác ghi sản phẩm “được sản xuất và đóng chai tại cơ sở rượu và nước giải khát Anh Đô, ĐC (địa chỉ - PV): thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cơ sở đủ điều kiện VSATTP do Sở Y tế Vĩnh Phúc cấp số 01/2007/ATTP-CN”. Để “tiếp lửa niềm tin” cho người tiêu dùng, trên thùng bìa các tông còn “khoe” dòng chữ: “Nhãn hiệu đã đăng ký công nghệ Hà Nội”.

Thế nhưng, khi nghe báo giá chỉ 34.000 đồng/thùng 24 chai (tức trên 1.400 đồng/chai), chúng tôi lộ vẻ sửng sốt với thứ nước uống… rẻ chỉ bằng nửa ly trà đá bán ở vỉa hè. Người bán hàng cười bảo: “Của nhà giồng  được (tự sản xuất – PV) em ơi! Ở đây còn có cả đủ loại rượu vang, rượu nếp giá chỉ hơn 10.000 đồng, muốn lấy nhiều phải chịu khó vào sâu một tí. Bày bán nhiều quản lý thị trường “sờ gáy” thì sạt nghiệp”.


Chai nước giải khát này giá chỉ 1.400 đồng

Bà chủ đại lý Tuấn Yến, đồng thời là chủ cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Anh Đô tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi tham quan trực tiếp khu xưởng của gia đình mình.

Bước qua cánh cửa sắt luôn được đóng kín như bưng (trừ khi có khách đưa xe “ăn hàng”), những hình ảnh ghê rợn nhất đã được “vén màn”. Hàng đống vỏ chai nhựa đủ kích cỡ, kiểu dáng đang chờ một người phụ nữ nhúng vào bể nước để khử mùi. 


Bà chủ cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Anh Đô (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

Nền nhà ngổn ngang những hộp bìa các tông và bao tải đường trắng, phẩm màu. Không gian chật chội, nhà vệ sinh cũng trở thành nơi pha chế. Thùng phuy màu xanh dung tích 200 lít chất đầy dung dịch màu cam, chỉ được che đậy bằng một tấm ni lông mỏng tang.

Sau khi hòa tan những thành phần hóa chất vào nước hút lên từ giếng, công đoạn đóng chai, dán nhãn mác thủ công cũng được thực hiện tại chỗ. Một lao động nữ ở đây cho biết “xưởng rượu, nước giải khát Anh Đô đã hoạt động được khoảng 5 năm”. Thế nên, tiếng tăm đã vượt đồng bằng, băng rừng núi lên mãi tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai…

Nhờ nắm trong tay bí quyết pha chế nước uống và rượu siêu rẻ, mẫu mã đẹp, bà chủ xưởng khẳng định: “Cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có nước ngọt nhà này là rẻ nhất”.


Vỏ chai nhựa chất đầy xưởng sản xuất Anh Đô

Có lẽ, vì đã quá quen với những đơn đặt hàng số lượng lên tới hàng ngàn chai nước ngọt mỗi ngày, nên khi nghe PV nói chỉ nhập 20 thùng nước giải khát, bà chủ này chê ít.

“Bình thường khách về đây toàn chở cả xe tải to thôi. Nhà Sơn Huyền ở Bắc Quang (Hà Giang) đấy. Lần sau phải mua thêm bánh kẹo nữa, nếu không tôi không bán đâu”.

Tưởng chúng tôi là “mối quen” với cơ sở sản xuất nước giải khát Tr.T. ở La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và thường xuyên đưa hàng lên huyện Bát Xát (Lào Cai) bán, bà chủ xưởng thẳng thừng: “Lạ gì Tr.T. nữa, nhưng mà hàng ở đấy lởm khởm lắm, còn lâu mới được như này” và tỏ vẻ sành sỏi thị trường: “Nếu bán ở Bát Xát thì chỉ nên nhập “hàng đỏ” (nước uống có ga màu đỏ hương vị dâu) và “hàng cam” (nước cam giá 31.000 đồng/thùng). Còn hàng tăng lực rất khó bán.


Hóa chất, hương liệu được bày la liệt dưới nền nhà

Nước độc hại chẳng chừa một ai

“Chắc chỉ người vùng cao ít tiền mới uống chứ người thành thị ai uống loại này?”, tôi hỏi. Bà chủ trả lời: “Người ta mua tất, ra hội nghị uống hết, trẻ con uống tất chẳng việc gì”.

Với một gian nhà xưởng lợp bằng mái tôn lụp xụp, và các công đoạn chủ yếu được làm thủ công, dòng chữ “nhãn hiệu đã đăng ký công nghệ Hà Nội” khiến chúng tôi thấy “tức cười”. Bởi, chẳng có bất cứ cơ quan chức năng nào chứng nhận cho một nhãn hiệu sản xuất theo tiêu chuẩn “công nghệ Hà Nội”.

Ngoài sản phẩm nước ngọt hương vị cam và dâu, tại kho xưởng này còn hiện diện hàng ngàn chai nước tăng lực dung tích 1 lít, nước màu vàng, nhãn mác in hình hai con tê giác húc nhau.

Nước trong chai có màu vàng chanh, giống hệt màu nước của chai nước tăng lực RedBull. Theo chủ hàng báo giá, loại nước tăng lực này chỉ 2.500 đồng/chai.

Nơi sản xuất rượu của cơ sở Anh Đô nằm ở một gian nhà biệt lập. Mở cánh cửa nhôm kính ra, đập vào mắt PV là những vỏ chai thủy tinh dưới đáy đã được đúc sẵn một thứ bột hóa chất màu đỏ.


Những vỏ chai thủy tinh được đổ hóa chất màu đỏ để làm rượu vang

Cạnh đó là những thùng rượu vang Anh Đào thành phẩm được dán tem, nhãn đầy đủ, xa hơn là những chồng rượu Nếp Mới, vang nổ. Bà chủ xưởng thấy vậy liền đuổi khéo: “Cháu cứ đi ra đi để cô đóng cửa kho, bao giờ có xe đến thì cô chuyển cho”.

Chuyện sản xuất nước uống có ga giá chỉ hơn 1.000 đồng/chai không phải là hi hữu. Công an Hà Nội cũng đã phát hiện Cty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức) - chuyên chế biến, sản xuất nước ngọt, rượu các loại có biểu hiện vi phạm tương tự.


Máy sục khí tạo gas

Người dân mong đợi chính quyền địa phương ra tay quyết liệt để triệt nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, mất ATVSTP ở Thổ Tang, thế nhưng, cảnh buôn đồ rởm, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở đây vẫn diễn ra công khai, cứ như người ta buôn mớ rau, quả trứng vậy.

Chủ doanh nghiệp thừa nhận số nước ngọt có ga này sản xuất từ nước giếng khoan, hòa với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola). Trung bình, cứ 100ml nước cốt đã qua pha chế, hòa với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ cho “ra lò” chai nước ngọt loại 1,5 lít.

Các sản phẩm này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói na ná với kiểu dáng các sản phẩm mang thương hiệu, song bán ra thị trường với giá chỉ 1.100 đồng. Với “công nghệ” sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này cho “ra lò” 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít.

Rượu “đóng toàn tạp chất”

Rời cơ sở sản xuất rượu, nước ngọt Anh Đô, chúng tôi tấp vào đại lý bánh kẹo Liên Cẩn. Ở đây, ti tỉ tì ti hàng giả, hàng nhái đều có.

Hỏi về nước ngọt giá siêu rẻ, một thanh niên (tự giới thiệu là con trai bà chủ nhà) tỏ vẻ sành nghề: Nó sản xuất tại đây. Gọi là nó mang lên bây giờ. Một chai Mirinda 1,5 lít chỉ 5.000 đồng. Loại chai nhỏ chỉ có mười mấy nghìn/thùng.


Chai rượu vang bắt mắt này được sản xuất từ cơ sở sản xuất Anh Đô

Hiện tại nhà Tuấn Lý sản xuất ít nước ngọt, chủ yếu làm rượu siêu rẻ bán cho miền ngược, quen gọi là “rượu dân tộc” vì nó rẻ quá rồi, đóng toàn tạp chất thôi.

Tại đây, một thùng “Rượu Nếp Hải Hà – Hà Nội” đóng trong các chai nhựa giá 165.000 đồng/thùng 15 chai (tương ứng giá 11.000 đồng/chai); vang nho 131.000 đồng/thùng 12 chai (tức 10.900 đồng/chai).

Các loại bánh kẹo giả được nhái một cách bạo liệt. Ví dụ, một hộp bánh Danisa trọng lượng 908 g chính hãng trên thị trường có giá 247.500 đồng, tuy nhiên, hộp bánh nhái giống đến 90% có tên gần giống là “Daimisa” ở đại lý này chỉ có giá 15.000 đồng.

Nhiều loại bánh, kẹo nhái chỉ ghi địa chỉ rất mập mờ là “Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc” như đánh đố người tiêu dùng.

Tại một cửa hàng bán đồ khô gần đó, những bao tải hướng dương in chữ Trung Quốc được chưng diện ngay cạnh mặt đường. Cảnh mua bán hàng giả, hàng nhái diễn ra ngay trước mắt người qua đường, thế nhưng những cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm