Ngày 15/5, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ông Phan Đình Trạc: Thu hồi tài sản là một trong những mục tiêu quan trọng của các vụ án hình sự |
Kết quả kiểm tra cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là trên 62 nghìn tỷ đồng, 18,52 triệu USD (chiếm 81,91% trong tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của toàn quốc 5 năm là 76.730,55 tỷ đồng). Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Thi hành án dân sự thu hồi được hơn 10 nghìn tỷ, đạt 17,26% và 10 triệu USD (đạt 54,48%).
Tuy nhiên, trong việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế: Số cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về thu hồi tài sản còn hạn chế; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài từ trước năm 2013 đến nay chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm; một số tổ chức tín dụng chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản, nên tỷ lệ thu hồi đạt thấp (mới chỉ đạt 17,26% về tiền, 59,48% về ngoại tệ so với tổng tài sản phải thu hồi)…
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý tài sản cá nhân còn những bất cập: Việc chưa có có sở dữ liệu tập trung đối với thông tin về tải sản phải đăng ký, nhất là bất động sản, chứng khoán, vốn góp của doanh nghiệp… gây khó khăn cho điều tra, xác minh, truy tìm tài sản để thu hồi; công tác giám sát các tổ chức thẩm định giá còn lỏng lẻo; quản lý về đấu giá về tài sản qua nhiều khâu, liên quan đến sự phối hợp, chủ trì của nhiều cơ quan…