| Hotline: 0983.970.780

Tham vọng xuất khẩu của sản phẩm OCOP Nghệ An

Thứ Bảy 24/08/2024 , 11:33 (GMT+7)

Nghệ An có hàng trăm sản phẩm OCOP nhưng sức cạnh tranh chưa cao, để nâng tầm phải tạo chuyển biến mang tính căn cơ nhằm chinh phục thị trường nước ngoài.

Để nâng tầm chất lượng, Nghệ An phải xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh. 

Để nâng tầm chất lượng, Nghệ An phải xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh. 

Bức tranh tươi tắn

Sau 6 năm triển khai, tỉnh Nghệ An có đến 567 sản phẩm được chứng nhận OCOP (529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao), con số ấn tượng trên giúp địa phương này vươn lên đứng thứ hai cả nước khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chỉ sau Hà Nội.

Nghệ An đất rộng, dân số đông, nhất là khu vực nông thôn, từ đặc điểm đó, tỉnh xác định phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững làm trọng. Cách này vừa nâng cao hiệu quả kinh tế lại góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành, lấy đây làm tiền đề triển khai đồng bộ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Hiện Nghệ An đã hình thành được nhiều chuỗi sản xuất tập trung, quy mô lớn, điển hình như mía đường, chè, lâm nghiệp…, đã thu hút được trên 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông dân cùng sản xuất các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, chè, mía, sắn, chăn nuôi bò sữa…

Qua rà soát, trên địa bàn có 278 HTX, 120 tổ hợp tác và 139 trang trại “bắt tay” với các doanh nghiệp lớn mạnh, đôi bên bổ trợ lẫn nhau giúp gia tăng ấn tượng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản qua từng năm, đơn cử như năm 2023 đạt 26,21%, ước năm 2024 đạt trên 27%.

Hình thành các chuỗi liên kết giá trị là điểm sáng của bức tranh OCOP Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Hình thành các chuỗi liên kết giá trị là điểm sáng của bức tranh OCOP Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Điều đáng mừng là “làn sóng” ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ đang lan tỏa rộng khắp. Điểm sáng trong khâu sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm sau thu hoạch phải kể đến HTX Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông); HTX Lâm nghiệp tổng hợp Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu); HTX Nông sản sạch Xứ Nghệ Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai); HTX Nông nghiệp & DVTH Thọ Thành (huyện Yên Thành)…

Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An nhấn mạnh: “Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Từ đó giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào diễn biến thời tiết, khí hậu. Ngoài ra ứng dụng công nghệ còn giảm giá thành sản phẩm và nâng sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường”.

Theo số liệu thống kê, năm 2023 Nghệ An có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 32.280ha, con số thực sự ấn tượng.

Tiến tới các thị trường khó tính

Nghệ An đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp “đại bàng” trong sản xuất nông nghiệp về làm tổ, tiêu biểu như Tập đoàn TH, Vinamilk, Công ty TNNH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH mía đường Nasu…, bên cạnh đó là 94 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đó là những cái tên sáng giá, kỳ vọng sẽ tạo ra chất xúc tác để đưa các sản phẩm OCOP bay cao, đi xa hơn.

Tín hiệu tích cực là điều dễ nhận thấy với 94/562 sản phẩm OCOP đã hiện diện tại hệ thống các chuỗi cung ứng như BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh, Aeon, Maxi Mart…

Đáng bàn hơn nữa khi một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, như sản phẩm chè búp sang các nước Tây Á, nước mắm tớii thị trường Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hay một số mặt hàng đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nâng tầm chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu của các thị trường khó tính là giải pháp lâu bền của OCOP Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Nâng tầm chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu của các thị trường khó tính là giải pháp lâu bền của OCOP Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm của tỉnh Nghệ An nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng còn những mặt tồn tại, hạn chế. Điều này một phần xuất phát từ cơ chế, chính sách chưa “đủ lớn”, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa hỗ trợ được doanh nghiệp thỏa giấc mơ vẫy vùng ở biển lớn.

Nhằm tạo chuyển biến căn cơ trong thời gian tới, Nghệ An xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách bằng cách mở rộng đối tượng, nâng cao định mức hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Chính quyền “kiến tạo”, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tiếp cận, từ đó nâng cao hiệu suất đầu tư, chú trọng kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo liên kết bền chặt với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các bên liên quan phải tăng cường hoạt động giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa, tập trung vào các thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Từ đó “mở đường” hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại biên giới, từng bước “tưới tắm”, “nuôi dưỡng” các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, tiềm năng để chinh phục thị trường nước ngoài.

Xem thêm
Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Người dân có thể đến siêu thị Co.opmart tránh lũ tạm thời

Trong hoàn cảnh bão lũ, siêu thị Co.opmart tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng đã linh động dành sảnh siêu thị để người dân có thể đến sạc điện thoại, uống nước miễn phí.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.