3 mặt hàng nông sản vừa được Trung Quốc cấp 'visa'. Giá gạo tăng ngược chiều với các nước. Người chăn nuôi lãi 10.000 đồng/kg lợn hơi. Việt Nam chi 1,43 tỷ USD nhập khẩu ngô trong 7 tháng đầu năm.
3 mặt hàng nông sản vừa được Trung Quốc cấp ‘visa’
Minh Phúc khai thác
Ngày 19/8, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết 3 Nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 là năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD ngay trong năm 2025.
Dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn. Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Cá sấu là sản phẩm thứ ba trong danh sách ký kết, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Giá gạo tăng ngược chiều với các nước
Minh Phúc khai thác
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam đang tăng so với giá gạo của các nước Thái Lan và Pakistan. Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, và cao hơn gạo Pakistan 34 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất. Đây cũng là sự trở lại ấn tượng của gạo Việt bởi cách đây một tháng, giá gạo xuất khẩu của nước ta đều thấp hơn gạo Thái Lan, Pakistan, và Myanmar. Đặc biệt, sau vụ trúng thầu xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo sang Indonesia nhờ DN trả giá thấp vào tháng 6, giá gạo Việt liên tục giảm mạnh, về mức thấp nhất thế giới.
Người chăn nuôi lãi 10.000 đồng/kg lợn hơi
Minh Phúc khai thác
Những ngày gần đây, giá lợn hơi dao động ở mức 63 – 65 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, các trang trại lợn đạt lợi nhuận 18 - 20%. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thức ăn chăn nuôi năm nay thấp hơn mọi năm nên đầu vào không cao, bởi vậy mức giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg trở lên là người chăn nuôi đã có lãi, tùy loại hình chăn nuôi.
Về dự báo xu hướng giá lợn hơi thời gian tới, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, khả năng cao giá lợn hơi tiếp tục nằm trong trục 60 - 65 đồng/kg. Người chăn nuôi nên khôi phục đàn lợn nhưng cần có kiểm soát, từ từ, tránh tái đàn ồ ạt, tái đàn bằng mọi giá.
Việt Nam chi 1,43 tỷ USD nhập khẩu ngô trong 7 tháng đầu năm
Minh Phúc khai thác
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 5,74 triệu tấn ngô từ các thị trường quốc tế, với tổng trị giá 1,43 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng ngô nhập khẩu tăng 34%, nhưng kim ngạch chỉ nhích lên 1,9%. Nguyên nhân chính là do giá ngô nhập khẩu trung bình đã giảm mạnh từ 328,1 USD/tấn xuống còn 249 USD/tấn, tương đương mức giảm 24%.
Lượng ngô nhập khẩu tăng đều qua các tháng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng nổi bật trong tháng 5 và tháng 7, lần lượt là 89% và 49% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tháng 1 và tháng 2 là hai tháng ghi nhận lượng ngô nhập khẩu lớn nhất, vượt ngưỡng 900.000 tấn mỗi tháng.