Trung quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam
Việc Trung Quốc mở ra cánh cửa mới cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này, một lần nữa là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất sản phẩm tươi.
Đánh giá động thái này, TS Lương Ngọc Trung Lập, Chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho biết, Trung Quốc là thị trường chủ lực của trái sầu riêng, nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này còn rất cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh sản xuất sầu riêng, trái cây nhiệt đới, có đường biên giới thuận tiện giao thương.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về giống sầu riêng phù hợp với công nghệ cấp đông, như Ri6, Monthong, với sản lượng tương đối lớn, trồng được ở nhiều vùng, thời điểm cung cấp gần như quanh năm.
Ưu điểm của sầu riêng đông lạnh là tiêu chuẩn hàng hóa thấp hơn so với trái tươi, không cần màu sắc vỏ trái, quan trọng là chất lượng bên trong. Do đó, người sản xuất phải đảm bảo sầu riêng chín trước khi đưa vào đông lạnh. Hơn nữa, quá trình vận chuyển sầu riêng đông lạnh cũng dễ dàng và thời gian bảo quản sản phẩm được lâu.
Lần này, việc Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư để sầu riêng đông lạnh của Việt Nam thuận đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, loại trái cây “vua” sẽ càng gia tăng sức mạnh, đa dạng hóa mặt hàng sầu riêng.
Bên cạnh đó, khi cấp đông sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Nghĩa là, sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi. Như vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước, các doanh nghiệp có thể tách lấy múi cấp đông, dễ dàng tiêu thụ được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra.
Ông Lập đánh giá, hiện nay kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất phục vụ cấp đông nông sản ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung rộng khắp, đã có một số nhà máy được đầu tư hiện đại.
Điển hình, tại TP Cần Thơ có một số đơn vị chuyên làm dịch vụ kho đông lạnh, với đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Theo ông Lập, bước đầu các doanh nghiệp có thể tận dụng hệ thống này theo hình thức trả phí dịch vụ, với giá cả cạnh tranh, dễ dàng hơn việc đầu tư một nhà máy cấp đông.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 450.000 – 500.000 tấn sầu riêng
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 1 triệu tấn sầu riêng. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, sản lượng xuất khẩu chỉ dao động từ 450.000 - 500.000 tấn. Do đó, nếu có thêm phân khúc cấp đông để xuất khẩu sẽ tạo giá trị cao hơn.
Chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho biết thêm, sầu riêng đông lạnh cũng là giải pháp hiệu quả nếu gặp bối cảnh thị trường khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu. Quan trọng là tính toán vấn đề quy hoạch vùng trồng, ưu tiên những địa phương thuận lợi về khí hậu, điều kiện khoa tác, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tại ĐBSCL, có trên 33.000ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… sầu riêng chính vụ thu hoạch từ tháng 4 - 8.
Đối với TP Cần Thơ, hiện có khoảng 5.000ha sầu riêng, được trồng tập trung tại huyện Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn và một phần nhỏ diện tích ở quận Bình Thủy. Ri6 là giống sầu riêng chủ lực được nhà vườn lựa chọn, chiếm trên 86% diện tích.
Thời vụ thu hoạch sầu riêng của địa phương nằm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 - 7 hàng năm, cao điểm từ tháng 5 - 6. Sản lượng cung ứng cho thị trường trên 30.000 tấn (năm 2024).
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đánh giá việc ký kết Nghị định thư cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc mở ra triển vọng mới, giảm rủi ro, tăng lợi thế trên thị trường. Qua đó, giúp ngành hàng sầu riêng có thể tham gia phân khúc sau thu hoạch, chế biến, bảo quản.
Theo ông Nghiêm, việc “bung” ra được nhánh thị trường cho sầu riêng đông lạnh đã giúp doanh nghiệp gỡ được khó khăn. Bởi hiện nay, hầu hết sản phẩm sầu riêng đều xuất tươi, yêu cầu mọi thứ phải chuẩn, chỉnh. Nếu được cấp đông, doanh nghiệp và tiểu thương có thể xử lý được những sản phẩm thu về quá độ chín. Đồng thời, hạn chế được tình trạng dội chợ vào giai đoạn cao điểm.
Nói thêm về biến động thị trường trong nước khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu, ông Nghiêm cho rằng khó đoán định. Bởi tổng cầu hiện đã được thiết lập. Trong giai đoạn tới, tổng cung sẽ có 2 biến số, nếu cấp đông được sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn, tức tổng cung trong nước giảm. Tuy nhiên, từ nay trở về sau, diện tích trồng sầu riêng tới tuổi cho thu hoạch sẽ càng nhiều, như vậy tổng cung sẽ “nhảy” lên rất nhanh.
TP Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Dự kiến trung tâm tập trung các hoạt động nghiên cứu, chế biến, chế biến sâu gắn với logistics và phát triển xuất khẩu và hàng loạt các dịch vụ hỗ trợ khác… Điều này sẽ bổ trợ lớn cho ngành hàng sầu riêng cũng như các mặt hàng nông sản khác.