| Hotline: 0983.970.780

Thăm vùng rau muối cả ngàn ha ở Bạc Liêu

Thứ Sáu 25/08/2023 , 06:33 (GMT+7)

Trong khi thế giới phải đổ công, đổ của để nghiên cứu cách trồng rau muối biển thì ở Việt Nam lại có những vùng rau của trời, rau của biển rộng cả ngàn ha.

TS Linh Nhâm đang ăn thử rau sam muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Linh Nhâm đang ăn thử rau sam muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau của trời, rau của biển

Bài liên quan

Tôi cùng TS Linh Nhâm ở Đại học Bạc Liêu xuống xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) để thăm vùng rau trời phú ấy. Lần này có anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình dẫn đường. Đến UBND xã, chúng tôi gặp từ Bí thư đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đem chuyện rau sam muối mới ăn ra kể, ai cũng bảo: “Tôi nhấm thử một hai cọng, thấy nó ngon hà”. Ngay cả anh Xuyên cũng khẳng định như vậy khiến tôi chỉ cười thầm trong bụng. Rồi, hãy chờ xem.

Đoàn chúng tôi gồm 4 người lên 2 chiếc xe máy để ra thực địa. Tới Trạm Kiểm soát biên phòng Cái Cùng, nơi cửa biển ngày ngày đẩy đưa những cơn sóng đỏ ngầu phù sa màu mỡ vào bờ, tôi thấy bạt ngàn những vạt rau sam muối mọc như rừng ở ven đường, ở đầu kênh hay trên các khoảng đất trống. Chạm với nước biển là rừng mắm, còn lùi vào bờ quãng 30 - 40m là rừng rau sam muối. Loài cây thân đốt này có sức sống mãnh liệt, gió bão nơi cửa Cái Cùng mạnh là thế mà chỉ đổ rạp xuống, tan cơn lại ngóc đầu, kiêu hãnh ngẩng lên.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình khảo sát rau ngoài cửa biển Cái Cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình khảo sát rau ngoài cửa biển Cái Cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Những cây rau mọc ở ngoài trời thì thân màu nhạt, mập mạp, còn mọc trong bụi thì thân thẫm và gầy hơn. Cây nào tôi nhai thử cũng đều mặn đắng và khé cổ, tê tê lưỡi cả. Vị của cây thân gầy, màu thẫm có đậm hơn thân mập, màu nhạt. Tôi khuyến khích anh Xuyên cùng ăn thật chứ không phải ăn thử, tức ăn nhiều chứ không phải nhấm nhấm một hai cọng khiến cho mặt anh phải nhăn lại.

Một người lính trẻ măng của Trạm Kiểm soát biên phòng Cái Cùng kể đơn vị mình có đàn dê 13 con. Chúng ăn tất cả các loại lá cây, kể cả rau sam muối nhưng bản thân các anh cũng chưa từng thử qua loại rau này.

Nơi chạm với biển thì vị rau mặn đắng là thế, chúng tôi lui dần vào đất liền để trải nghiệm tiếp. Đám rau mọc trên bờ rừng đước ở ấp Vĩnh Lạc có thân mập mạp, vị mặn cũng nhạt hơn và có một chút béo đọng lại ở nơi gốc lưỡi. Đám rau mọc trước vạt đất mới của HTX Đồng Tiến còn tươi tốt hơn nữa. Nó cho cảm giác hái mịn tay và rau có đầy đủ vị mặn, vị chua nhẹ, vị béo và chỉ có một chút xíu tê tê lưỡi và khé cổ.

Xung quanh đó, rau còn mọc thành những trảng trải dài, xanh ngắt trên những bờ muối. Vị mặn ở đây tương đương với vị mặn của rau mọc trong rừng đước tại ấp Vĩnh Lạc. Anh Huỳnh Mừng Em tên thường gọi là Mừng - Giám đốc HTX Đồng Tiến khẳng định với tôi rằng sản lượng rau sam muối ở đây rất lớn vì nó mọc hoang ở khắp nơi.

Rau mọc đầy ven bờ vuông tôm, vuông muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau mọc đầy ven bờ vuông tôm, vuông muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Buổi trưa đó, nhân có bàn tiệc ở Hội quán ẩm thực của HTX Đồng Tiến, tôi giục mọi người đi hái mấy nắm rau sam muối vào để cùng ăn sống và nhúng lẩu. Và lần này là ăn nhiệt tình chứ không có chuyện thử qua vài ba lá, tôi ra điều kiện. Rau sam muối ăn sống khá khó vì vị quá mặn khiến cho ai nấy đều phải nhăn mặt nhưng khi nhúng lẩu mắm kiểu miền Tây thì có đỡ hơn một chút vì vị mắm đã át vị muối. Anh Trần Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh sau khi ăn vài ngọn rau đã giơ tay, ra dấu xin được dừng lại vì lưỡi bắt đầu thấy tê tê, cổ bắt đầu thấy khé.

Chiều, chúng tôi lại tiếp tục lên đường khảo sát. Địa điểm lần này là khu nuôi tôm công nghiệp ở ấp Vĩnh Mới. Tại đây rau sam muối không chỉ mọc trên bờ, trong lùm cây mà còn thò cả những cọng dài xuống mặt nước của những ao nuôi đang thời kỳ bỏ không.

TS Nhâm thấy vậy rất thích thú cầm những cọng rau dính đầy rong rêu ấy mà ngắm. Sau khi bóc trần lớp rong rêu thì rễ của cây rau sam muối lộ ra tua tủa: “Như vậy là có thể trồng theo kiểu thủy canh được rồi anh”, chị vui vẻ nhận xét.

Và chúng tôi cùng hào hứng bứt những ngọn rau non nhất. Vị tiến sĩ còn cẩn thận lấy chai nước suối vẫn đem theo bên mình để rửa, còn tôi thì chẳng cần, cứ thế đưa luôn lên miệng. Vị mặn, bùi, béo thể hiện khá rõ còn chuyện tê lưỡi cũng đỡ hơn. “Nếu rau non thì có thể ăn như một loại gia vị, còn rau già thì nghiên cứu theo hướng dược liệu”, TS Nhâm vừa ăn vừa phân tích.

Rau mọc tràn cả xuống nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau mọc tràn cả xuống nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình lần này thì chào thua hẳn vì lưỡi vẫn còn tê tê do dư âm của buổi sáng và buổi trưa thử rau liên tiếp. Điểm dừng chân cuối cùng chính là vườn nhà anh, nơi cách xa biển cỡ vài ba cây số nhưng ngoài kênh vẫn là nước mặn do dẫn vào các cánh đồng muối, đồng tôm. Rau sam muối ở đây cũng vị tương tự như ở ấp Vĩnh Mới, khá dễ ăn.

Một cái đích lấp ló màu hồng

Tối hôm đó, tôi ngủ lại luôn nhà anh Xuyên và được chị Nguyễn Tú Trinh - vợ anh kể về chuyện 10 năm đi hái "rau heo", tức cây rau sam muối của mình: “Trước đây nhà tôi thường nuôi 2 - 3 con heo. Ngày nào tôi cũng mang quanh gánh với hai cái thúng đi lấy rau heo. Gặp rừng rau thì hái rất nhanh, chỉ chừng 1-2 tiếng là đầy hai thúng, áng chừng 20 - 30kg. Rau heo ngoài mọc trên bờ còn mọc cả dưới láng. Loại dưới láng thì phải rửa, còn trên bờ thì không.

Rau đó về thái nhỏ ra, heo lớn thì trộn sống với cháo cho ăn, còn heo nhỏ thì nấu. Nếu heo ăn quá nhiều rau sống sẽ dễ bị tiêu chảy nên lại phải nấu. Khi nấu, rau heo thơm như mùi cháo đậu ấy. Hồi đó tôi cũng tò mò thử nhấm, thấy vị nó mặn mặn, còn vùng này chẳng ai ăn đâu. Khi chồng tôi từ Hà Nội về, nói mới mang rau heo ra tặng cả Bộ NN-PTNT tôi thấy mắc cười quá…".

Anh Xuyên tiếp chuyện, khác với rau sam nước ngọt có hoa vàng, rau sam muối có hoa tím và chỉ mọc ở vùng nước mặn. Ở huyện Hòa Bình ngoài có nhiều ở xã Vĩnh Thịnh còn thấy ở xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, còn ở tỉnh thì thấy ở huyện Đông Hải và TP Bạc Liêu gồm các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Long Điền Tây, Điền Hải, thị trấn Gành Hào… Chỉ ước riêng ở xã Vĩnh Thịnh thôi đã có diện tích cả ngàn ha mọc rải rác rồi.

Cận cảnh rau mọc ở dưới nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh rau mọc ở dưới nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau bữa đầu tiên ăn thử rau sam muối với TS Ngô Kiều Oanh, mấy ngày sau khi đi đám giỗ anh khuyến khích mọi người hái ăn sống hay nhúng lẩu. Họ cười bảo: “Ba cái cây rau heo ăn làm gì?”. Nhưng anh giải thích rằng các nhà khoa học đã nghiên cứu nó có nhiều dưỡng chất nên ráng mà ăn. Ai cũng vừa ăn mà vừa cười.

"Hiện tại người ta ăn rau sam muối nhưng chưa biết nó có tác dụng cụ thể nào nên cần phải có đề tài nghiên cứu. Nếu rau sam muối có dược tính thì phải bảo vệ và phát triển. Nếu trồng trên bãi bồi ven biển cần bổ sung thêm phân hữu cơ để ngọn rau mập mạp, ăn ngon hơn, có thể tạo sinh kế cho cả ngàn người. Đây là loại rau của biển, rau của trời, mình không mất gì cả nên nếu chỉ bán được 20.000đ/kg thôi là dân chúng tôi đã mừng rồi. Một buổi thu hoạch đạt 10kg là có trong tay 200.000đ”, anh Xuyên bảo.

Để có thể biến rau sam muối thành đặc sản và thành một loại sản phẩm hàng hóa giúp người dân ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng sinh kế bền vững là cả quá trình dài. Nhưng nếu mạnh dạn bước, đồng lòng bước thì cái đích của con đường đó lấp ló một màu hồng.

Một đề tài khoa học “chắc như cua gạch” là đánh giá của nhiều người vì không có gì để mất, bởi tính thích ứng, năng suất của cây sam muối trong hoang dã đã thể hiện quá rõ rồi. Giờ chỉ cần nghiên cứu cách chăm bón sao cho chất lượng hơn, cách ăn sao cho ngon, những dược tính quý trong đó chữa bệnh gì và cách làm thị trường.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.