| Hotline: 0983.970.780

Loại rau muối thế giới bán 20-30 euro/kg, Việt Nam cho heo ăn

Thứ Tư 23/08/2023 , 08:23 (GMT+7)

Khi bà đưa ngọn rau muối lên miệng, mấy người kêu: 'Trời ơi, sao cô lại ăn rau heo?'. Bà cười: 'Heo ăn được, trắng hồng và mập ú lên thì người cũng ăn được'.

TS Ngô Kiều Oanh bên các luống rau muối biển hay còn gọi là cây rau thông muối ở Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Ngô Kiều Oanh bên các luống rau muối biển hay còn gọi là cây rau thông muối ở Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mẹ nên nhớ mình 73 tuổi chứ không phải là 37 tuổi

Bài liên quan

Cách đây mấy năm, một người phụ nữ Việt kiều đã đến Trang trại Đồng quê tại Ba Vì, Hà Nội của TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia về nông nghiệp và du lịch để nhờ vả: “Thằng con trai em ở Anh tới Việt Nam nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản và trồng một loại rau gì ngoài biển ấy. Vất vả lắm mà chưa thành công. Chị có cách gì giúp cháu với!”.

Lúc đó thì Nicholas Shell - con trai chị Việt kiều nọ được công ty Seawater Solutions (giải pháp sử dụng nước biển) thuộc vương quốc Anh cử sang Việt Nam để trồng thử nghiệm một loại cây rau muối biển giống nhập ngoại.

Ở Anh, công ty Seawater Solutions đang xây dựng một trang trại không cần dùng nước ngọt, nơi cây trồng phát triển với nước mặn nhằm mục đích phục hồi khí hậu và đầm lầy nước mặn, tạo ra các hệ sinh thái.

Khi anh đem giống rau muối biển nhập ngoại này trồng thử ở Nam Định gặp thất bại, TS Ngô Kiều Oanh gợi ý có thể mang đến Thái Bình để trồng thử tiếp. Một khoảnh đất cát gần rừng phi lao ven biển ở Cồn Đen huyện Thái Thụy được xới xáo kỹ, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt rồi ươm trồng cây rau muối biển ngoại mà thế giới gọi là măng tây biển vì ngọn của chúng to, mập mạp trông tựa như măng tây.

Nicholas Shell (bên phải) trước đồng muối Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TS Ngô Kiều Oanh cung cấp.

Nicholas Shell (bên phải) trước đồng muối Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TS Ngô Kiều Oanh cung cấp.

Lạ lùng thay, lúc nhỏ thì chúng rất tươi tốt nhưng lớn lên một chút là bị nấm và chết hết. Khi lang thang ven những cánh đồng muối gần phủ Bà Chúa Muối ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thì tình cờ TS Ngô Kiều Oanh đã thấy những cái cây nhỏ li ti mọc thành từng bụi rất tươi tốt mà người dân địa phương gọi là cây thông muối. Thông muối mọc trên những mảnh đất nhiễm mặn đến mức mà ngay cả cỏ cũng không mọc được và chịu được tưới nước biển. Từ đó một ý nghĩ lóe lên trong đầu bà rằng ở Việt Nam chắc có những loại rau muối tương tự. Việc gì phải nhập giống rau muối biển từ nước ngoài về trồng bởi khó thích nghi hơn?

Vậy là bà giới thiệu Nicholas Shell với Trung tâm Tài nguyên Thực vật để từ đó để từ đó Trung tâm xin được hai dự án nghiên cứu điều tra phân loại về họ những cây rau muối biển tên Latin là hylophytes và quy trình canh tác hữu cơ chúng tại Thái Bình, hy vọng cây sẽ mập mạp và ngon hơn. Không đang tâm với việc kết quả của dự án này không được chuyển giao, mở rộng ra cuộc sống, bà quyết định tự mình tìm hiểu thông tin quốc tế về cây rau muối biển nói chung và cây rau muối ở Việt Nam. Trên thế giới, việc khai thác tiềm năng của halophytes (cây chịu mặn nói chung) mọc tự nhiên được tiến hành bởi một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Elisabeth Boyko. Khoảng 140 loài halophytes đã được đánh giá trong một chương trình thí nghiệm trên bờ biển Địa Trung Hải.

Trong khi halophytes đã được con người tiêu thụ trong nhiều thế kỷ, những thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thị trường cho một số loài bao gồm Salicornia, Suaeda maritima, Aster tripolium Chenopodium quinoa. Mỗi năm, khả năng thị trường hóa của nhiều loài hơn được phát hiện cho các lĩnh vực tiêu thụ tươi của người tiêu dùng, bổ sung dinh dưỡng, thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học.

 
 

Rau sam muối mọc bạt ngàn ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây trồng này được công nhận rộng rãi ở châu Âu với quy mô thị trường ước tính khoảng 24 triệu euro hàng năm (Organic Monitor, 2014). Salicornia có thể bán với giá 20-30 euro mỗi kg tại các cửa hàng bán lẻ (Sainsbury’s 2020). Tuy nhiên halophyte rất ít được biết tới và tận dụng ở Việt Nam. Ở các tỉnh, thành ven biển như Hải Phòng, Nghệ An nông dân thu hái chúng khi rảnh rỗi và thiếu rau thông thường để làm thức ăn bổ sung…

Phải nói thêm một chút về cái “máu” nông nghiệp hữu cơ và du lịch nông nghiệp của TS Ngô Kiều Oanh thì có lẽ hiếm ai sánh bằng. Những nẻo đường rừng hay đồng bằng hoặc duyên hải dù xa xôi, cách trở đến mấy mà hễ nghe thấy có vấn đề nông nghiệp nào hay là bà tìm đến bằng được. “Máu” đến mức nhiều khi đứa con trai cũng phải kêu lên với mẹ rằng: “Mẹ nên nhớ năm nay mẹ đã 73 tuổi chứ không phải là 37 tuổi mà cứ đi suốt như thế nhé”. Nhưng làm sao cản nổi bà.  

Heo ăn được thì người cũng ăn được

Trong quá trình đi công tác ở vùng sản xuất muối của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và ở ấp Thiềng Liềng của huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), TS Ngô Kiều Oanh cũng thấy một loại rau mà người dân gọi là rau sam muối hoặc rau sam biển để phân biệt với rau sam nước ngọt. Chỉ có điều diện tích rau ở đó quá nhỏ bé, không có sản lượng nhiều để làm hàng hóa. Một dịp tình cờ bà được một tổ chức phi chính phủ của Liên Hợp quốc mời vào đồng muối của xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để tìm hiểu về loại muối hồng sản xuất từ nguồn nước cửa biển giàu phù sa, kết tinh chính trên nền đất phù sa và cách tạo thêm sinh kế cho diêm dân.

Một người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ăn thử rau heo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ăn thử rau heo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dù đang nhức mỏi hết người vì mắc Covid lần hai nhưng bà vẫn lên đường. Sau khi thăm các cánh đồng muối ở xã Vĩnh Thịnh, bà lại ghé đến HTX Đồng Tiến - nơi đang có 900 ha bãi nuôi ngao. Tra hình ảnh trên google thấy toàn một màu hồng của phù sa, bà thấy mê quá cứ đi mãi thì ra đến rừng ngập mặn. Ở đó có những cây rau sam muối mọc thành vạt lớn ven đường hay ven bờ ruộng muối, ao nuôi trồng thủy sản. Khi bà bẻ một ngọn đưa lên miệng ăn thì mấy người kêu: “Trời ơi, sao cô lại ăn rau heo?”. Bà cười và trả lời rằng: “Heo ăn được,  trắng hồng và mập ú lên thì người cũng ăn được chứ sao?”. Vậy là trưa đó bà bảo mọi người ăn “rau heo” dưới dạng sống và nhúng lẩu cùng mình.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, trong cuộc họp ngày 13/7 về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối, triển khai đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, TS Ngô Kiều Oanh đã đem đến hội nghị một bó “rau heo” và những hạt muối hồng của Bạc Liêu để mà kể. Tiếp nữa, đoàn công tác của huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu khi ra Hà Nội đã mang tặng các lãnh đạo và cán bộ của Bộ NN- PTNT những bó “rau heo” để mọi người cùng ăn thử với tô bún bò cay đặc trưng của miền Tây.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hái rau heo cùng TS Linh Nhâm - Đại học Bạc Liêu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hái rau heo cùng TS Linh Nhâm - Đại học Bạc Liêu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đó tôi cũng được TS Ngô Kiều Oanh ưu ái tặng một bó như vậy. Suốt quãng đường về tôi háo hức đến mức chỉ muốn dừng lại để… ăn thử nhưng rồi tự kìm chế được. Đằng sau túi rau vẫn còn tươi nguyên do được vận chuyển bằng đường hàng không ấy có một tờ giấy hướng dẫn cách sử dụng được đánh máy và có lẽ do soạn vội, in vội nên trông không được đẹp mắt cho lắm. Trên đó có nói đến hai cách là ăn sống và xào tỏi. Tôi quyết định thử cả hai.

Với ăn sống thì mới chỉ bỏ vào miệng thôi mà tôi đã thấy thấm đẫm vị mặn của rau. Nhai kỹ, vị mặn đó mỗi lúc một mạnh hơn, ngoài ra còn có cả các vị khác như hơi chát và khé cổ. Cố mãi tôi chỉ ăn được đôi ba ngọn. Với rau xào tỏi và thịt bò thì độ mặn còn dữ dội hơn nữa dù tôi không hề nêm mắm muối. Ngoài vị mặn, hơi chát, khé cổ nó còn có vị chua chua... khiến cho lũ trẻ nhà tôi chỉ gắp thịt bò rồi bỏ nguyên cả đĩa.

Khi tôi nói với TS Ngô Kiều Oanh cảm nhận thực của mình về cây rau sam muối là rất khó ăn, bà có vẻ không vui vì nhiều người được tặng ăn đều khen cả. Qua bà, tôi còn được biết có TS Linh Nhâm ở Đại học Bạc Liêu cũng là người đang quan tâm, nghiên cứu về cây rau muối này. Vậy là tôi quyết định bay vào tận nơi để tìm hiểu về cây rau muối và cách ăn nó ra sao, công dụng bổ béo như thế nào. (Còn nữa)

Thế giới đang phát triển các trang trại trồng rau muối biển ngoài mục đích làm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi hay nhiên liệu sinh học còn để tạo ra các hệ sinh thái đầm lầy ngập mặn trên vùng đất bị thoái hóa, canh tác kém nhằm ngăn chặn xói mòn, thu giữ carbon, phục hồi đất.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.