PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương vào ngày 20/8.
Tại đây, PGS.TS Trần Như Dương cho biết: Đến thời điểm hiện nay có thể đánh giá ca bệnh 751 và chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch số 36 Ngô Quyền không có mối liên hệ với nhau. Trong đó, ổ dịch Ngô Quyền được xác định là cụm lây nhiễm nguy hiểm nhất tại thành phố Hải Dương và chưa xác định được nguồn lây. Kết quả giải mã gen từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy virus SARS-CoV-2 ở các ca bệnh tại Hải Dương giống với virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở Đà Nẵng, vì vậy nguồn lây có thể đến từ khách hàng hoặc đối tác từng đến địa điểm này.
Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đến nay đã ghi nhận tất cả 13 ca bệnh liên quan đến ổ dịch 36 Ngô Quyền, ngoài ra chưa phát hiện thêm ca bệnh nào không xác định nguồn lây. Đây được PGS.TS Trần Như Dương đánh giá là yếu tố thuận lợi để ngăn cản dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Trước tình hình trên, PGS.TS Trần Như Dương chỉ ra, nhiệm vụ trước mắt đối với tỉnh Hải Dương là thần tốc truy vết tất cả các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại 36 Ngô Quyền và áp dụng hình thức cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1, không có trường hợp ngoại lệ.
Cùng với đó là triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đối với các trường hợp đã từng đến Nhà hàng Thế giới Bò tươi từ ngày 15/7 đến nay, thực hiện xét nghiệm PCR đối với những người đi Đà Nẵng từ ngày 21 – 28/7 và xét nghiệm huyết thanh những người đi Đà Nẵng từ ngày 1-20/7. Đồng thời rà soát lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân có triệu chứng cúm, sốt, ho, khó thở, đau họng thông qua hệ thống giám sát các cơ sở y tế toàn tỉnh và giám sát cộng đồng.
PGS.TS Trần Như Dương cũng đề nghị tỉnh Hải Dương quan tâm thành lập và củng cố hoạt động của Tổ giám sát tuyên truyền phòng chống COVID tại cộng đồng. Đây là lực lượng gần dân, sát dân tham gia giám sát, tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng chống dịch một cách hiệu quả.
Đối với các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm quy trình khám sàng lọc, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ. Không để lọt bệnh nhân có triệu chứng của bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện. Tại các khu cách ly, cần rà soát phân loại các nhóm đối tượng theo các mức nguy cơ lây nhiễm để bố trí khu vực cách ly phù hợp, tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
Các công sở, nhà máy, xí nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, giám sát theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động, tuyên truyền để người lao động chủ động khai báo khi có các triệu chứng và phối hợp trong phòng chống dịch bệnh, bố trí khu vực cách ly tạm thời…