| Hotline: 0983.970.780

Mang giấc mơ sachi về xứ Thanh

Thứ Năm 15/06/2023 , 10:21 (GMT+7)

THANH HÓA Chị Nguyễn Thị Hằng là người tiên phong đưa cây sachi lên vùng đất khó ở xứ Thanh, bước đầu giúp nông dân chạm vào giấc mơ làm giàu từ 'vua của các loại hạt'.

Trồng 1 lần thu hoạch 20 năm

Trong khi nhiều bạn trẻ chọn những thành phố lớn để khởi nghiệp thì chị Nguyễn Thị Hằng (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lại quyết định trở về nông thôn làm nông dân, gắn bó với nông nghiệp.

Mặc dù xuất thân từ ngành dược, nhưng chị Hằng lại khá đam mê với nghề nông, đặc biệt là cây dược liệu sachi. Trên hết, điều khiến chị trăn trở nhất là tìm hướng đi giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương.

Chị Hằng bảo, cây sachi đến với chị như có duyên tiền định. Năm 2018, chị biết về loài cây có nhiều ứng dụng về dược liệu này thông qua lời giới thiệu của một giáo sư trường Đại học Dược Hà Nội.

Cây dược liệu sachi mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều nông dân huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Cây dược liệu sachi mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều nông dân huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

“Vị giáo sư đó đã nói cho tôi biết về công dụng của cây sachi cũng như giá trị kinh tế của cây trồng này mang lại. Tôi thực sự bị thu hút bởi loài cây chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch được tới hơn 20 năm. Cuộc trò chuyện tưởng như bình thường ấy thôi thúc tôi mày mò, nghiên cứu và trồng thử nghiệm trên quê hương mình”, chị Hằng chia sẻ.

Năm 2019, cây sachi chính thức được công nhận là giống cây dược liệu mới ở nước ta. Với điều kiện pháp lý thuận lợi, chị Hằng cùng cộng sự bắt tay thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh, xây dựng vùng nguyên liệu cây dược liệu sachi.

Quyết định khởi nghiệp từ cây sachi khiến chị Hằng đối diện với nhiều áp lực, thử thách bởi đây là cây trồng mới trên đồng đất quê hương.

“Khi trồng thử nghiệm, không ai dám tin tôi sẽ thành công với cây dược liệu khá mới lạ này. Bởi thế việc liên kết sản xuất với bà con địa phương cực kỳ khó khăn. Sau khi chúng tôi trồng thử nghiệm thành công 1ha cây sachi trên vùng đồi dốc, bà con mới yên tâm liên kết sản xuất với Công ty”.

Những tháng ngày lăn lộn với đồng đất quê hương, chị Hằng đã chứng minh được rằng, muốn trồng và phát triển cây sachi cần chọn những khu đất cao, thoát nước tốt thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt.

Sau gần 1 năm trồng thử nghiệm cây sachi tại vùng đất xã Lương Sơn, cây sachi đã cho thấy sự phù hợp với hợp đất, khí hậu vùng đồi núi. 

Sản phẩm trà thảo dược sachi và nhiều sản phẩm từ cây sachi được nhiều khách hàng tin dùng. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm trà thảo dược sachi và nhiều sản phẩm từ cây sachi được nhiều khách hàng tin dùng. Ảnh: Quốc Toản.

“Cây sachi thuộc loại dây leo, dễ trồng và dễ sống trong điều kiện không bị ngập nước. Có thể trồng xen canh cây trong vườn cây ăn quả. Khoảng gần 1 năm sau khi trồng cây bắt đầu cho thu hoạch, sang năm thứ 3 năng suất đạt từ 3 đến 4 tấn/ha/năm và năm thứ 5 đạt 6 tấn/ha/năm tùy cách chăm sóc. Cây ra hoa, đậu quả quanh năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch trong khoảng 20 năm. So với cây trồng khác ở địa phương thì hiệu quả kinh tế hơn hẳn”, chị Hằng chia sẻ.

Nhận thấy cây sachi là thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, quả sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất trong các loại hạt hay các sản phẩm dầu được chế biến từ động vật, chị Hằng đã nảy ra ý tưởng dùng lá cây sachi làm thành trà thảo dược.

Không ngờ, chỉ sau thời gian ngắn khi mặt hàng được tung ra thị trường, sản phẩm nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng, vì thế chị tiếp tục thử nghiệm thành công các sản phẩm khác từ cây sachi.

Hiện nay, ngoài trà thảo dược sachi, các sản phẩm làm từ cây sachi của Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh rất đa dạng gồm: Dầu sachi omega 3-6-9; muối sachi; hạt sachi rang mộc; socola nhân sachi; sachi tẩm cốt dừa… Đặc biệt, hiện nay sản phẩm dầu sachi của Công ty được sản xuất đại trà, đạt tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế.

Ngày sản phẩm làm từ cây sachi được thị trường đón nhận, cũng là lúc chị Hằng hạnh phúc nhất: “Khi Công ty có doanh thu, chúng tôi lập tức chi trả tiền cho bà con để tái đầu tư sản xuất. Nhìn thấy bà con cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt sau bao ngày vất vả, tôi đã bật khóc. Đó cũng chính là sự động viên lớn nhất của để tôi tiếp tục cố gắng vì sự phát triển của cộng đồng”, chị Hằng chia sẻ.

Năm 2022, Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh thu hoạch được 25 tấn sản phẩm từ cây sachi, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Riêng hạt sachi hiện nay được Công ty bán với giá 50 - 70 nghìn đồng/kg. Việc phát triển trồng cây sachi góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở địa phương.

Liên kết để "đi cùng nông dân"

Sau khi sản phẩm làm từ cây sachi được thị trường đón nhận, chị Hằng nhận thấy tiềm năng để mở rộng diện tích trồng cây trồng này tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, Công ty đang liên kết với hàng trăm hộ dân ở nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa... để mở rộng vùng nguyên liệu.

Chị Nguyễn Thị Hằng giới thiệu sản phẩm trà sachi tại hội nghị ra mắt sản phẩm. Ảnh: QT.

Chị Nguyễn Thị Hằng giới thiệu sản phẩm trà sachi tại hội nghị ra mắt sản phẩm. Ảnh: QT.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho các hộ dân. Công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cam kết thu mua với giá ổn định cho bà con nông dân. Trong trường hợp giá trên thị trường tăng lên, Công ty sẽ tính toán bù thêm để người dân không bị thiệt thòi, nếu giá thị trường giảm Công ty vẫn mua với giá như đã cam kết.

Đến nay, nhiều người trồng sachi đã yên tâm vì có được lợi ích lâu dài bởi chu kỳ cho thu hoạch kéo dài cả chục năm, đầu ra đã được bao tiêu, thu nhập từ trồng sachi cao từ 3 - 5 lần so với ngô, lúa. Thành công bước đầu từ mô hình trồng cây sachi đã tạo niềm tin đối với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Quả sachi có nhiều công dụng đặc biệt, giúp cải thiện sức khỏe. Ảnh: Quốc Toản.

Quả sachi có nhiều công dụng đặc biệt, giúp cải thiện sức khỏe. Ảnh: Quốc Toản.

Sau nhiều năm gắn bó với cây sachi, chị Hằng nhận thấy, làm nông nghiệp nói chung, đặc biệt là trồng cây dược liệu phải có sự kiên trì và hướng đến mục tiêu dài hạn. Cây sachi và sản phẩm từ cây trồng này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, các phụ phẩm từ cây sachi còn được tận dụng để tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, ví dụ vỏ tách từ quả và hạt sachi được sử dụng ủ làm phân bón hữu cơ vi sinh. Hiện nay, vùng trồng cây sachi trên địa bàn huyện Thường Xuân đã được mở rộng lên 10ha (5ha của Công ty và 5ha liên kết với bà con nông dân). Nhiều diện tích đồi núi trước đây khó canh tác, nay đã được phủ xanh bằng những vườn sachi xanh mướt, chạy dài tít tắp.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh đang xây dựng vùng nguyên liệu cây sachi tại huyện Thường Xuân, đồng thời nghiên cứu và nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm từ cây sachi hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

Vườn ươm giống cây sachi của Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn ươm giống cây sachi của Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh. Ảnh: Quốc Toản.

Theo đánh giá của UBND huyện Thường Xuân, mô hình trồng cây dược liệu sachi góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, rửa trôi đất, đưa nền nông nghiệp sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, mô hình liên kết sản xuất cây sachi của Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh đã và đang tạo điều kiện cho nông dân trong huyện có việc làm, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương...

Cây sachi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ thầu dầu. Đây là cây thân bò, thích hợp trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới và có thể sinh trưởng, phát triển ở nhiều loại đất khác nhau. Sachi được coi là loại cây đa công dụng. Các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

So với các loại cây lấy dầu khác, sachi có hàm lượng omega cao nhất, đặc biệt là omega 3 cao gấp 17 lần dầu cá, gần 50 lần dầu oliu. Nhờ những dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng vô giá mà sachi được mệnh danh “vua của các loài hạt”. 

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất