| Hotline: 0983.970.780

Nghe tỷ phú ngao ở Thanh Hóa kể chuyện

Thứ Ba 03/12/2024 , 10:17 (GMT+7)

Để có cơ nghiệp như ngày hôm nay, bà Nguyễn Thị Biên từng nhiều lần trải qua thất bại và áp lực tưởng chừng không vượt qua nổi.

Trầy trật khởi nghiệp

Dù đã có tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Biên (Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn tham công tiếc việc. Khác với nhiều năm trước, người phụ nữ ấy hôm nay đứng ở vai quản lý, điều phối công việc nhập, xuất ngao giống, ngao thương phẩm.

Căn nhà 2 tầng khang trang, đàng hoàng gần nhất xã của gia đình bà cũng từ nghề nuôi ngao mà có. Vậy nhưng, điều khiến phụ nữ tự hào nhất chính là việc 4 đứa con bà được học hành nên người, thành nghề. Vậy nhưng, để có được thành quả đó, bà Biên từng nhiều lần trải qua thất bại và áp lực, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.

Bà Nguyễn Thị Biên, tỷ phú ngao ở Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Bà Nguyễn Thị Biên, tỷ phú ngao ở Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Những năm đầu của thập niên 90, nghề nuôi ngao ở huyện Hoằng Hóa chưa phát triển như bây giờ. Người dân ven biển chủ yếu sống bằng nghề đi biển, cào ngao, bởi vậy cuộc sống của ngư dân chẳng khấm khá nổi.

“Ngày ấy ngao nhiều lắm, đa phần là ngao đỏ, có con to như lòng bàn tay. Người nào chịu khó cũng kiếm được vài chục kg/ngày, nhưng chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày”, bà Biên nói.

Ngao là sản phẩm có giá trị hàng hóa, song bà con thường bị thương lái ép giá nên giá trị hàng hóa không đáng kể so với sức lao động bỏ ra. Nhận thấy bất cập này, vợ chồng bà Biên quyết định chuyển đổi từ nghề cào ngao sang thu mua ngao cho bà con.

Mỗi năm, bà Biên cung cấp hàng chục tấn ngao thương phẩm và ngao giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: QT.

Mỗi năm, bà Biên cung cấp hàng chục tấn ngao thương phẩm và ngao giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: QT.

Những ngày đầu đi buôn, hai vợ chồng bà cứ rong ruổi xe đạp hết làng trên, xóm dưới để thu mua ngao của bà con địa phương. Do ít vốn, bà Biên ngỏ ý thu mua chịu của người dân và cam kết trả đủ tiền khi thương lái thanh toán.

Việc khai thác ngao tự nhiên giúp nhiều ngư dân ổn định cuộc sống trong nhiều năm, song người phụ nữ nghĩ, nếu chỉ khai thác đem bán thì nguồn lợi sẽ dần cạn kiệt. Bởi vậy, muốn duy trì nghề ngao cần phải thả nuôi ngao giống.

Để thực hiện mong muốn đó, bà Biên phải lặn lội vào các tỉnh phía Nam để mua ngao giống, cung cấp cho bà con địa phương, đồng thời thuê thầu vùng bãi triều tại các các địa phương (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa) để thả nuôi. Đến nay, diện tích nuôi ngao thương phẩm của bà Biên đã được mở rộng lên 50ha.

Vậy nhưng, để thuần thục với nghề nuôi ngao, bà Biên đối diện với khá nhiều rủi ro và phải trả giá khá đắt: “Tôi học chưa hết cấp 1, nên việc nuôi ngao chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính. Khi ngao chết ai cũng nghĩ là do dịch bệnh, nhưng thực tế không phải vậy. Ngao dễ nuôi, rất ít dịch bệnh, nên việc loài nhuyễn thể này chủ yếu chết do môi trường không phù hợp. Việc lựa chọn vùng nuôi rất quan trọng để ngao phát triển và cho sản lượng cao. Đặc biệt, những bãi triều ven biển pha cát, sỏi và bùn là nơi thích hợp để thả nuôi ngao”, bà Biên chia sẻ.

Tỷ phú nhờ nuôi ngao

Dù đã gặt hái được thành công và tích lũy được vốn từ nghề nuôi ngao, tuy nhiên theo bà Biên, đây là công việc vất vả, rủi ro cao. Chả nói đâu xa, chỉ tính riêng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các tỉnh phía Bắc cách đây chưa lâu khiến bà Biên thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Bãi nuôi ngao của bà Biên rộng chừng 20ha ở Hải Phòng cũng bị cuốn phăng do bão, không để lại dấu tích.

Cũng theo bà Biên, làm nghề nuôi ngao đôi khi như "muối bỏ biển". Ngao được nuôi thả tự nhiên, trong khi môi trường biển không còn tốt như trước đây, khiến người dân đối diện với nhiều rủi ro. 

“Một bãi ngao khoảng 20 ha nhưng phải bỏ vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Năm nào trời thương thì cho thu hoạch, bằng không thì thất thu. Có năm, ngao giống mới thả thì chết trắng bãi. Nguyên nhân là do mưa lũ, nước ngọt chảy về, cuốn theo nhiều chất bẩn, gây ô nhiễm môi trường nuôi. Nước ngọt tích tụ, không xử lý kịp nên ngao chết vì sốc nước ngọt. Vụ đó, tôi thiệt hại gần 2 tỷ đồng”, bà Biên chia sẻ.

Bà Biên và ngư dân khai thác ngao ngoài bãi triều. Ảnh: QT.

Bà Biên và ngư dân khai thác ngao ngoài bãi triều. Ảnh: QT.

Hết thiên tai đến “nhân tai”. Thời điểm đầu nhận mua gom hàng, hai vợ chồng bà mất ăn mất ngủ nhiều tháng trời vì bị dân cùng nghề dọa dẫm: “Một số đầu nậu dùng mọi cách ép buộc tôi phải bán hàng mua gom của dân cho họ, nhưng tôi không đồng ý vì giá mua rẻ, nông dân sẽ thiệt thòi. Bởi thế, thời gian đầu họ gây áp lực cho vợ chồng tôi bằng cách cử người túc trực ở cửa biển, bến thuyền rồi tìm cách gây khó cho việc vận chuyển ngao đi tiêu thụ. Hôm nào họ chặn ở cửa biển thì tôi thuê người dân đóng hàng vào thùng nhựa, vận chuyển bằng đường bộ để tránh bị gây khó dễ. 

Có đận, họ nhắn tin dọa dẫm và đưa người đến tận nhà để theo dõi. Suốt thời gian dài, cả nhà không dám bật điện ban đêm vì sợ họ làm chuyện xấu. Cực chẳng đã tôi làm đơn báo cáo chính quyền đồng thời đề nghị lực lượng chức vào cuộc xử lý. Mất vài tháng, mọi chuyện mới được xử lý êm xuôi”, bà Biên kể.

Ngao được đánh bắt bằng máy móc. Ảnh: QT.

Ngao được đánh bắt bằng máy móc. Ảnh: QT.

Dù đối diện với nhiều áp lực, thất bại trong suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề ngao, thế nhưng người phụ nữ ấy chưa bao giờ nản chí hoặc có ý định từ bỏ nghề. Trái lại, bà Biên càng làm càng tạo được thương hiệu cho bản thân và góp phần giúp nhiều bà con trong xã có thu nhập ổn định. Hiện nay mỗi năm bà Biên cung cấp hàng trăm nghìn tấn ngao thương phẩm và ngao giống ra thị trường.

Trung bình mỗi năm, gia đình bà Biên thu lãi trên khoảng 5 tỷ đồng từ tiền bán ngao, sau khi đã trừ chi phí và đóng thuế cho nhà nước. Ngoài ra, nghề ngao của bà Biên còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Nữ tỷ phú cũng mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa có đề án, dự án nuôi ngao thương phẩm, đồng thời quy hoạch vùng nuôi tập trung, tập huấn kỹ thuật để bà và người dân có điều kiện mở rộng sản xuất góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Biên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen và được chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.