Qua kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 964 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục trong đó có 169 hồ chứa, 154 đập dâng, 237 trạm bơm, 603 kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu…
Đáng lưu ý, Thanh Hóa hiện có 96 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn 13 huyện, thị xã gồm Như Thanh (15 hồ), Thạch Thành (14 hồ), Thường Xuân (13 hồ), Ngọc Lặc (11 hồ)… Năm 2023 tỉnh đã bố trí đầu tư vốn để triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp 61 công trình; trong đó có 19 hồ, 15 đập dâng, 16 trạm bơm, 11 kênh mương.
Ngoài việc mất an toàn tại nhiều công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hơn 2,5 nghìn vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.
Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, quản lý an toàn đập, hồ chứa, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Kết quả xử lý vi phạm đã có chuyển biến, trong đó số vụ kiến nghị UBND cấp xã, huyện xử lý là 68/80 vụ.
Các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Báo cáo của Sở NN-PTNT cũng chỉ rõ, nguyên nhân tồn tại như trên là do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý còn nhiều hạn chế. Nhiều công trình chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức.
Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa nước nói chung và các hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn nói riêng, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm tích nước hạn chế đối với 68 hồ và không tích nước 1 hồ bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn.
Tập trung huy động các nguồn lực gia cố, khắc phục sửa chữa các hạng mục công trình để hạn chế tình trạng xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ chứa nhằm đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn; rà soát, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai sát với hiện trạng công trình, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.
Chuẩn bị vật tư phòng, chống lụt bão đảm bảo đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý khi có sự cố. Đặc biệt, lưu ý các hồ chứa nhỏ có nguy cơ nước tràn qua đỉnh đập đất cần phải trải bạt phủ kín mặt và chân đập hạ lưu để tránh xói lở, gây vỡ đập. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác các hồ chứa khi có hình thái thời tiết bất thường".
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình trạng của các công trình thủy lợi, từ đó đề xuất, xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp phù hợp.
Với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.