Ngày 30/8, tại tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Hiện trạng và giải pháp. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân trong 3 năm gần đây đạt 3,41%; quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt hơn 36,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Trên địa bàn đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích 75 nghìn ha, vùng ngô thâm canh gần 20 nghìn ha…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, phát triển nông nghiệp nói chung và đảm bảo an ninh lương thực nói riêng đối với tỉnh Thanh Hóa luôn luôn là nhiệm vụ căn bản, một trong những chương trình trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh.
“Thanh Hóa xác định nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, an ninh lương thực là yếu tố then chốt để đảm bảo an sinh và bình ổn xã hội; trong giai đoạn hiện nay nông nghiệp còn có sứ mệnh là phát triển kinh tế, làm giàu cho người nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đồng thời phải bảo vệ được môi trường sinh thái", ông Chọn chia sẻ.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch, định hướng, xây dựng sản phẩm phù hợp với đối tượng, vùng miền trên cơ sở lợi thế của từng địa phương; các chính sách được ban hành và triển khai đồng bộ, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Chọn, từ năm 2009 đến nay tỉnh đã hỗ trợ hơn 2,5 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, trong đó chính sách hỗ trợ đối với sản xuất lương thực đạt hơn 800 tỷ đồng, chưa kể các chương trình, dự án đầu tư khác. Qua đó hạ tầng sản xuất lương thực được hoàn thiện, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi, dịch vụ sản xuất, chế biến được nâng cấp, thị trường lương thực trong và ngoài tỉnh phát triển.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ...