Cột mốc lịch sử về thu ngân sách
Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị 25B, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 11. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng.
Đáng chú ý, nội dung chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bao gồm các nội dung: Thanh Hóa có diện tích đất nông, lâm nghiệp rất lớn, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn; có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm như một số tỉnh phía Bắc, nhất là trên địa bàn trung du, miền núi.
Để làm rõ hơn, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có sự tham gia trả lời chất vấn của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan.
Sáng nay, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023.
Theo đó, năm 2022, Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước.
Thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 ước đạt hơn 48,8 nghìn tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó thu nội địa ước đạt hơn 30,1 nghìn tỷ đồng vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động nhập khẩu ước đạt hơn 18.6 nghìn tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn đầu tư ước đạt hơn 138 nghìn tỷ đồng.
Trong năm, đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.
Đặc biệt, năm 2022 mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn phát triển khá toàn diện.
Theo đó, tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch; giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng; đã tích tụ, tập trung được 7.334 ha, bằng 100,5% kế hoạch; chuyển đổi 3.130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn.
Chăn nuôi phát triển ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nên lần đầu tiên trong 10 năm gần đây không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Toàn tỉnh đã trồng mới được 6,25 triệu cây phân tán, 12.500ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác đạt 830 nghìn m3.
Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo được đẩy mạnh.
Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 207,9 nghìn tấn, bằng; tỷ lệ tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 96%.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, dự kiến có 02 đơn vị cấp huyện 3,18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao và 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình thực tế, nhất là những diễn biến mới, tình huống bất ngờ phát sinh, không để bị động, lúng túng.
Sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, cấp ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Công tác chỉ đạo điều hành đã kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; đồng thời lựa chọn những vấn đề khó, nổi cộm để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập tồn đọng, những vấn đề phát sinh mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
Huy động gần 9.000 tỷ cho xây dựng nông thôn mới ở miền núi
Miền núi Thanh Hóa có 163 xã với 1.330 thôn, bản, trong đó có 76 xã với 613 thôn, bản của 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ.
Tính đến năm 2021, các huyện miền núi có 57/163 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 703 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 46 thôn bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Báo cáo kết quả giám sát việc xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản thuộc các huyện, xã miền núi, giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, giai đoạn này, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 473 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 41 thôn bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Tổng nguồn lực các huyện, các xã miền núi huy động xây dựng nông thôn mới tính đến năm 2021 đạt gần 9.000 tỷ, trong đó nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ hơn 1,3 nghìn tỷ; nguồn huy động đóng góp của nhân dân (lao động, hiến đất, đóng góp tiền, vật chất) đạt hơn 5,3 nghìn tỷ...
Đến nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại khu vực miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí nghèo đa chiều. Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội...
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ, còn nhiều tồn tại trong việc xây dựng nông thôn mới tại khu vực miền núi Thanh Hóa. Trong đó, có nguyên nhân do công tác chỉ đạo còn thiếu căn cơ, toàn diện, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số địa phương chưa làm tốt công tác lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, ảnh hưởng tới công tác xây dựng nông thôn mới.
Tỷ lệ số xã được phê duyệt đến nay chưa nhiều. Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số huyện còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và còn khoảng cách lớn giữa các vùng; tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn.
Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng một số cán bộ và người dân có tâm lý thỏa mãn bằng lòng với kết quả đã đạt được, nên việc duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới chưa thực sự quyết liệt...
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 39 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án…; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tiến hành các thủ tục bãi nhiệm đại biểu HĐND, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.