| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa dấu ấn 10 năm: [Bài 2] 'Tam nông' Thọ Xuân chuyển dịch mạnh mẽ

Thứ Tư 02/10/2019 , 08:31 (GMT+7)

Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã thực sự khởi sắc. Tận mắt chứng kiến khí thế thi đua sản xuất nơi đây mới cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này.

Quả ngọt trên vùng chiêm trũng

Năm 2012, gia đình bà Trịnh Thị Tuyết ở thôn 6, xã Xuân Trường xây dựng trang trại trồng cây ăn quả tại xứ đồng Nẩy Tài. Đây là xứ đồng thường xuyên ngập úng nhưng lại rất khó dẫn nước vào ruộng, lúa sinh trưởng phát triển kém, năng suất thấp. Vì vậy, việc gia đình bà đổ tiền đầu tư trang trại trồng 6 ha cây ăn quả khiến gia đình nội ngoại đều phản đối. Thế nhưng, 7 năm sau, cánh đồng hoang vắng ngày nào đã cho gia đình bà quả ngọt.

15-19-38_1
Nhờ chính sách kích cầu phát triển của địa phương, bà Tuyết đã xây dựng được trang trại với nguồn thu nhập ổn định.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây ăn quả sai trĩu cành, bà Tuyết cho biết, nếu không có sự động viên và hỗ trợ từ các chính sách phát triển kinh tế của địa phương thì bà không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Theo bà Tuyết, địa phương không những khuyến khích gia đình tích tụ đất đai, cho thuê đất 5% với thời gian dài mà còn hỗ trợ một phần kinh phí xây kênh mương và hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện 6ha trồng các loại cây ăn quả, chủ yếu bưởi các loại đã cho gia đình bà nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm.

Khi cây trồng bước sang giai đoạn thu hoạch ổn định thì nguồn thu sẽ tiếp tục tăng. Các hộ làm trang trại trong khu vực này cũng được hỗ trợ nhiều chính sách và hiện đã có thu nhập ổn định.

Cũng từ tích tụ đất đai, năm 2016, ông Nguyễn Việt Dũng ở thôn Dụng Hòa, xã Thọ Xương gom được 8ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả. Theo ông Dũng, đây là diện tích khó điều tiết nước nên nông dân không mặn mà trồng lúa. Sau khi tích tụ đất, ông Dũng được UBND xã Thọ Xương hỗ trợ 1 nghìn gốc bưởi Luận Văn (bưởi Tiến Vua) về trồng. Đến nay, diện tích bưởi Tiến Vua đã cho thu hoạch; ổi Đài Loan trồng xen cũng đã cho nguồn thu khá.

Ngoài việc được cấp 1 nghìn gốc bưởi, gia đình ông Dũng còn được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Dũng trồng xen ổi Đài Loan vì giống ổi này chỉ trồng 1 năm là cho thu hoạch. Và thực tế, 2 - 3 năm qua, nguồn thu chính vẫn là từ cây ổi. Từ 8ha cây trồng, năm 2018, ông Dũng đã thu về 2 tỷ đồng, dự kiến năm nay nguồn thu sẽ vượt xa con số trên.

“Nếu không có chính sách khuyến khích tích tụ đất đai để trồng cây ăn quả thì trồng lúa mỗi năm cùng lắm cũng chỉ đủ ăn, làm sao mà khấm khá lên được. NTM và các chính sách hỗ trợ đi kèm đã tạo niềm tin, niềm vui cho người dân chúng tôi. NTM đã thực sự mang lại động lực lớn cho kinh tế phát triển, đời sống người dân và tinh thần xã hội ngày càng được nâng lên”, ông Dũng phấn khởi.

15-19-38_2
Bộ mặt nông thôn Thọ Xuân đã thay da đổi thịt.

Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay nông dân Thọ Xuân đã xây dựng được 9 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm với diện tích trên 65.000m2, lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm. Gần 220ha cây ăn quả có múi tập trung cũng cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; 2 HTX sản xuất rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã ra đời.

Thọ Xuân có 36/36 xã xây dựng NTM. Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM huyện mới đạt bình quân 5,6 tiêu chí/xã. Gần 10 năm qua, Thọ Xuân đã huy động trên 7 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó nhân dân đóng góp gần 3,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 55,12%).

Trên 100 trang trại, gia trại với tổng diện tích 280ha cho nguồn thu nhập ổn định. Các chủ trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư trên 121 tỷ đồng sản xuất kinh doanh. Giá trị sản phẩm hàng hóa từ các trang trại, gia trại đạt trên 184 tỷ đồng, thu nhập trên 62 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt trên 191 triệu đồng; giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động, với mức lương bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
 

Nông dân liên kết, HTX liên doanh

Năm 2012, HTX DVNN Xuân Tân, xã Xuân Tân được thành lập. Ngoài kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Sau hơn 7 năm thành lập, HTX đã sở hữu 2 máy cấy, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 vạn khay mạ, 5.000m2 nhà lưới trồng rau VietGAP và máy sấy có công suất 30 tấn/lượt sấy...

Theo ông Nguyễn Quang Hà, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân thì HTX không những đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp mà còn là cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp. Nông dân đã không còn cảnh “nơm nớp” lo khi liên kết làm ăn với doanh nghiệp.

Hàng năm, HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất được 100 ha lúa giống, hiệu quả kinh tế tăng 35%. HTX trở thành “bà đỡ” cho nhà nông trong phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cũng nhờ HTX, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ giới hóa; nhiều giống mới được đưa vào nuôi trồng bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, HTX DVNN Xuân Tân đã đảm bảo được việc cơ giới hóa cho 100% diện tích lúa trên địa bàn.

Hoạt động hiệu quả của HTX là một trong những yếu tố rất quan trọng trong xây dựng NTM. HTX gắn bó với bà con, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm, định hướng chuyển đổi đất đai đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao trên đơn vị diện tích.

15-19-38_3
Thọ Xuân phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền.

Theo thống kê của UBND huyện, đến nay, Thọ Xuân đã xây dựng và phát triển 45 HTX DVNN. Trong đó có 36 HTX duy trì mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như mía nguyên liệu, lúa thương phẩm, rau, quả sạch.

Từ năm 2012 đến nay, thông qua các HTX, nông dân Thọ Xuân đã xây dựng và duy trì thực hiện được 16 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm. Mỗi cánh đồng với diện tích thấp nhất là 20 ha/vụ và diện tích lớn nhất trên 100 ha/vụ, mỗi năm cho thu nhập tăng thêm 3,6 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế, nâng cao vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân tại Thọ Xuân 10 năm qua ước đạt 15%. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2019 đạt 42,6 triệu đồng/người. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4%; tỷ lệ lao động có việc làm của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt 97%.

Huyện Thọ Xuân phấn đấu đến 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt NTM kiểu mẫu; xây dựng sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; xã hội nông thôn ổn định, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.

Kinh tế phát triển đã thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở Thọ Xuân có nhiều thuận lợi. Đến nay, Thọ Xuân không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Ngày 24/9, Thủ tướng đã ký Quyết định công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM năm 2019.

Từ thành công này, Thọ Xuân đang ngày càng khẳng định vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất này, hội đủ các điều kiện tốt nhất cho Lam Sơn - Sao Vàng cất cánh, nơi có sân bay Sao Vàng được kết nối nhiều đường bay trong nước và quốc tế; có hệ thống nông nghiệp công nghệ cao với những dây chuyền sản xuất hiện đại; có một hệ thống sông ngòi dày đặc được bê tông kiên cố, dẫn nước từ kênh chính đến tận chân ruộng cho lúa, ngô, khoai, sắn… thêm màu xanh bạt ngàn.

Từ đây, đời sống người dân được nâng lên, lòng Dân, ý Đảng quyện hòa tạo động lực cho xã hội phát triển. Trên những con đường rải nhựa, bê tông, những hàng cây xanh tỏa bóng mát. Trong những phòng học đạt chuẩn quốc gia, lớp lớp con em đang ngày đêm miệt mài học tập, khát khao trưởng thành để cống hiến dựng xây đất nước. Trong các phòng khám đa khoa được đầu tư nâng cấp, thu hút đội ngũ y bác sỹ chuyên môn giỏi ra sức chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân. Tại các công sở, việc tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của nhân dân được cấp ủy, chính quyền quan tâm, xử lý thấu đáo…

Tất cả đang cho thấy NTM mang lại thành quả thực sự thiết thực đối với người dân và cán bộ nơi miền quê đáng sống Thọ Xuân này!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.