| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa vươn lên hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Thứ Năm 09/05/2019 , 08:29 (GMT+7)

Trước Đổi mới, hơn 90% dân số của tỉnh Thanh Hóa thuộc diện đói nghèo và đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,4%. Nơi đây thực sự đang vươn lên để trở thành địa phương tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Những kết quả quan trọng trong hành trình Đổi mới là nền tảng vững chắc để Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Vươn lên mạnh mẽ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Người căn dặn, thượng du thắng là Thanh Hóa thắng. Khắc ghi lời dạy của Người, trong tiến trình phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về phát triển KT - XH miền núi.

Tính đến nay, 11 huyện miền núi đã ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển, lồng ghép được các chính sách của Trung ương để kích cầu sản xuất nông – lâm nghiệp, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ đó, miền núi Thanh Hóa từng bước thay da đổi thịt.

 
Nghi Sơn KKT động lực phát triển của Thanh Hóa và cả nước

5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động khu vực miền núi đạt gần 8.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.

Nhiều công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, như: Đường nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tằn (Quốc lộ 15C); các tuyến Quốc lộ 217, 47...; nhiều nhà máy thủy điện, như: Cửa Đạt, Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Xuân Minh đi vào vận hành bảo đảm cung ứng điện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH vùng.

Đến nay, 196/196 xã miền núi dùng điện lưới quốc gia; tất cả các huyện lỵ và các xã miền núi có đường giao thông vào trung tâm; 100% xã có mạng truyền dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động... Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, các chính sách kinh tế sớm đi vào cuộc sống đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đưa Thanh Hóa từ một tỉnh thiếu đói thường xuyên trở thành một tỉnh cân đối được lương thực và có lương thực hàng hóa.

Đến năm 1995, lần đầu tiên sản lượng lương thực Thanh Hóa vượt ngưỡng 1 triệu tấn, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực. Thời kỳ 1996 – 2000 mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa cao nhưng nền kinh tế của tỉnh đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Năm 2003, thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2005, lần đầu tiên tỷ trọng công nghiệp – xây dựng vượt tỷ trọng nông nghiệp.

Đặc biệt là nhận thức được tiềm năng và thế mạnh của Cảng nước sâu Nghi Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng đề án, đề nghị Chính phủ cho thành lập KKT Nghi Sơn, thiết lập “tứ Sơn” nhằm tạo động lực cho phát triển. Mục tiêu là phát triển KKT Nghi Sơn của Thanh Hóa cũng như của Việt Nam thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, hướng tới khát vọng thịnh vượng, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển; gắn xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, có hàm lượng trí tuệ cao, với xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, có khối lượng hàng hóa lớn; chú trọng phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động dịch vụ, du lịch; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội; thường xuyên chăm lo củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên cho nhân dân.

Đến thời điểm hiện tại, “tứ Sơn” đã trong lộ trình thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Mỗi vùng đều có một thế mạnh riêng, nhưng đều có vai trò chung là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước trong tương lai. Riêng KKT Nghi Sơn, mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mở rộng từ hơn 18.600 ha lên 106.000 ha, trải rộng trên toàn bộ huyện Tĩnh Gia, 3 xã của huyện Nông Cống và 3 xã của huyện Như Thanh.

Việc mở rộng KKT Nghi Sơn đã tạo ra động lực mới cho sự phát triển của Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung bộ, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của khu vực. Hiện tại, KKT này đã có 90 dự án hoạt động, trên nhiều lĩnh vực phong phú: Dầu khí, nhiệt điện, xi măng, các loại dịch vụ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, giầy da...

Một trong 4 “cánh tay” làm nên động lực “tứ Sơn” chính là đô thị du lịch biển Sầm Sơn. Một vùng biển hiền hòa với bãi cát mịn trải dài và hệ thống thực vật bao quanh núi Trường Lệ đã được người Pháp nhìn ra tiềm năng, xây dựng nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng. Với hơn trăm năm lịch sử phát triển, thành phố biển Sầm Sơn đã trở nên nổi tiếng cả nước với hệ thống hạ tầng du lịch hàng đầu ở miền Bắc, có sức hút lớn với du khách thập phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa hôm 8/5/2019

Theo ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hầu hết các lĩnh vực của tỉnh đều có sự phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt 15,16%, đứng thứ 3 cả nước và quý 1 năm 2019 đạt tới 24,8%; tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đạt gần 23.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 và gấp gần 6 lần năm 2010. KKT Nghi Sơn thực sự đã trở thành đầu tàu kinh tế và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.

Những thành tựu đã đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha đã được hun đúc qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử.

Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng. Đó là một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận, với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.

Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khoẻ khoắn và căng tràn sức sống với những bài thơ, điệu hò câu hát dân ca. Một Thanh Hoá tự tin, năng động, hoà nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Thanh Hóa thực sự tươi đẹp như một bức tranh sinh động, hài hòa màu sắc, đúng như lời thơ của Bác Hồ viết khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa năm 1960: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng. Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”.

Để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ thời gian tới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đảng bộ Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phải tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số.

 
Cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch của đất nước

Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa phải không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân. Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế xã hội các địa phương phía tây tỉnh Thanh Hóa.

Với niềm tự hào về vùng đất thân yêu của mình, Thủ tướng mong muốn mỗi người con xứ Thanh trong và ngoài tỉnh sẽ cùng nhau khơi dậy khát vọng vươn lên, chung tay góp sức xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp.                                                                                      

Nói về vị trí của Thanh Hóa, nhà sử học Phan Huy Chú đã khẳng định trong Lịch triều Hiến chương loại chí, rằng: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm