Đúng 9 giờ sáng nay (16/8), hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) đã được xả lũ. Ban đầu, hồ được vận hành xả với lưu lượng 50m3/s. Đến đầu giờ chiều nay, cả 5 cửa đã được mở xả với lưu lượng 1000m3/s.
Xả lũ hồ Cửa Đạt |
Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3, chiều cao thân đập 118 m, ngoài nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hệ thống sông Chu còn tưới, tạo nguồn cho 86.862 ha cây trồng; nằm trên thượng lưu 5 huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa. Trong đó có 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ (9 hồ đã chỉ đạo không tích nước); 40 công trình trọng điểm về đê điều. Trong số này chỉ có 4 hồ có cửa xả sâu, số hồ còn lại đa phần đã được xả tràn tự nhiên.
Các trọng điểm về hồ đập và đê điều đều đã được triển khai thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 7.000 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Theo tin từ Văn phòng thường trực BCH PCTTTKCN tỉnh Thanh Hóa, đến 6h sáng 16/8, 100% phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão, trong đó 417 phương tiện neo đậu tránh trú bão ở các tỉnh ngoài. Tất cả các phương tiện tàu thuyền đều đang giữ liên lạc được với gia đình.
Sáng nay, UBND tỉnh Thanh Hóa họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4. Trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Sông Chu, đê Sông Bưởi, sông Hoạt; rà soát, di dời khẩn cấp các hộ dân đang sống ở khu vực ven suối, ven sông, sườn đồi và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao; các huyện ven biển, trong đó trọng tâm là huyện Tĩnh Gia, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi và đảm bảo thông tin liên lạc, có phương án đảm bảo an toàn cho các lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản, không để người dân ở lại các khu nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng phương án di dân trong phạm vi 200 m từ mép nước khi có lệnh. Ngay sau đó, các đoàn công tác của UBND tỉnh Thanh Hóa đã về các địa phương kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4.
Ảnh: V.D |