| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP

Thứ Bảy 26/12/2020 , 20:14 (GMT+7)

Ngày 26/12, Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT phối hợp với Cụm đoàn miền núi Đông Bắc bộ tổ chức hội thảo: “Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình OCOP”.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Hội thảo được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang với sự tham dự hội của ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT. Tại hội thảo Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình OCOP đã có không ít những câu chuyện khởi nghiệp được các đoàn viên thanh niên chia sẻ. Những câu chuyện vượt gian nan để bước đầu đi đến thành công đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

24 tuổi, với mơ ước nối nghiệp cha ông, chàng trai trẻ Lương Thanh Tùng đến từ xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) ước mơ đưa nghề rèn truyền thống của quê nhà vươn xa.

Tùng chia sẻ rằng, tiếng búa, tiếng đe ngọn lửa của bếp lò rèn đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ mình. Những chiếc dao sắc lẹm của Phúc Sen đã nuôi sống bao thế hệ của quê hương. Thế nhưng càng ngày sản phẩm của làng rèn Phúc Sen càng bị tụt lùi, khó tiêu thụ bởi không tiếp cận được thị trường. Muốn vực dậy nghề rèn quê hương, Tùng quyết định khởi nghiệp từ nghề rèn.

Năm 2019, HTX dao Phúc Sen Hà Khiêm ra đời. Tuy đã có nghề, có sản phẩm tốt nhưng với người trẻ mới khởi nghiệp chưa thể tạo niềm tin với đối tác nên sản phẩm ế chỏng ế chơ. Những tháng đầu HTX lao đao về vốn. Không sợ khó, Tùng và các thành viên trong HTX vừa làm vừa tìm cách quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn trang mạng xã hội, vừa kêu gọi vốn đầu tư.

Nhờ vậy, sau hơn 1 năm thành lập, dao của HTX Phúc Sen Hà Khiêm đã có mặt tại một số đại lý tại Hà Nội, Lai Châu, Hà Giang… Khi các đơn hàng về nhiều hơn, cuộc sống của 7 thành viên trong HTX bước đầu ổn định. Ngoài cửa hàng chính tại Quảng Hòa, HTX còn mở thêm các gian hàng trên nền tảng kinh doanh online như lazada, sendo, shopee…

Sản phẩm canh sành Hàm Yên của HTX cam sành Sơn Nữ được bày bán tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Sản phẩm canh sành Hàm Yên của HTX cam sành Sơn Nữ được bày bán tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Đi đến 20 đại lý tại Hà Nội để chào bán sản phẩm cam sành sản xuất theo hướng an toàn của quê hương Tuyên Quang cô gái Nguyễn Thị Cẩm Ly, đều lần lượt bị lắc đầu từ chối. Vì cam của cô chưa có thương hiệu, các đại lý sợ không đảm bảo an toàn như lời chào mời. Rồi liên tiếp sau đó là những cái lắc đầu lạnh lùng tại các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản ở các tỉnh phía Nam.

Nhưng từng ấy thất bại không đủ để làm nhụt đi ước mơ làm giàu từ nông sản sạch của cô gái trẻ Nguyễn Thị Cẩm Ly, Giám đốc HTX cam sành Sơn Nữ của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ly chia sẻ, ngay từ nhỏ cô đã mơ ước làm giàu từ nông sản quê hương vì vậy dù đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính nhưng cô không chọn làm bàn giấy mà về nhà “buôn cam”. Để nông sản có giá trị, ly luôn vận động người dân phải trồng sạch, trồng theo hướng hữu cơ vừa đảm bảo sức khỏe của người trồng vừa nâng cao giá trị sản phẩm.

Khi cam sành Hàm Yên có thương hiệu trên thị trường, đạt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam cũng là cơ hội mở ra với Ly. Gặp lại đối tác, khi cô giới thiệu là người Tuyên Quang nhiều doanh nghiệp hỏi cô có phải cô gái chào hàng và cho họ dùng thử sản phẩm miễn phí không? Rồi sau đó là những cái gật đầu hợp tác.

Đến nay sản phẩm của HTX cam sành Sơn Nữ của Ly đã có mặt tại 50 cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ly tiết lộ, mới đây nhất đã có 1 doanh nghiệp tại Sài Gòn đồng ý hợp tác tiêu thụ sản phẩm cam sành của HTX cam sành Sơn Nữ tại chuỗi siêu thị với 200 chi nhánh.

Giới thiệu đặc sản địa phương

Tại hội thảo Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình OCOP, nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền đã được mang đến trưng bày. Như tỉnh Thái Nguyên có các sản phẩm chè đặc sản. Tỉnh Hà Giang là sản phẩm mật ong Bạc hà vùng cao nguyên đá, tinh dầu cam, mứt cam. Tỉnh Bắc Kạn là sản phẩm thuốc lá, chăn, gối, quần áo thổ cẩm người Dao đỏ… Các sản phẩm của thanh niên các tỉnh đều đạt từ 3 sao đến 4 sao OCOP.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

HTX Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có 15 thành viên đều là phụ nữ. HXT có trên 10 sảm phẩm, gồm sản phẩm thuốc tắm cho phụ nữ, trẻ em, xông hơi, xoa bóp; các loại gối thổ cẩm, khẩu trang dược liệu… Ngoài mục đích kinh tế HTX mong muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Dao đỏ của quê hương Bắc Kạn.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An cho biết, đến nay, 4 sản phẩm thảo dược của HTX đã đạt 3 sao OCOP. Bộ sản phẩm tắm cho phụ nữ, trẻ em đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2020. Đặc biệt sản phẩm gối thổ cẩm đạt giải 3 toàn quốc về cuộc thi thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2020.

Tại hội thảo, Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình OCOP nhiều giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp đã được đưa ra thảo luận như: Thanh niên mong muốn có sự đồng hành về cơ chế chính sách, về vốn để thanh niên có nhiều điều kiện hơn tiếp cận với thị trường và mạnh dạn đầu tư làm OCOP; mong muốn được giao lưu nhiều hơn với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn để học hỏi được cách làm nông nghiệp sạch, cách sản xuất kinh doanh đúng hướng và hiểu được nhu cầu của thị trưởng đang cần gì, cần sản phẩm như thế nào để nắm bắt và đáp ứng…

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT cho biết, qua chương trình hội thảo Giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên gắn với chương trình OCOP, ông mong muốn các đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp trẻ tiếp tục dấn thân, nuôi dưỡng khát vọng phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP. Bởi làm OCOP thành công sẽ giúp nông sản nâng cao giá trị kinh tế, nâng tầm thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường. Để đạt được điều đó rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp về vốn, công nghệ, cơ chế chính sách, đặc biệt là sự chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước.

Tính đến hết ngày 30/9/2020, đã có 46 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 2.088 sản phẩm OCOP của 1.220 chủ thể tham gia Chương trình. Trong đó có 370 doanh nghiệp (30,32%), 470 Hợp tác xã (38,52%), 25 tổ hợp tác (0,02%) và 355 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh (29,01%). Có 48 sản phẩm tiềm năng đề xuất 5 sao; 674 sản phẩm đạt 4 sao và 1.366 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, chú trọng hơn về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc sản của các địa phương.

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

6 người thương vong do tự chế pháo

Ngày 24/12, Công an tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức về vụ nổ khiến 6 người thương vong xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.