| Hotline: 0983.970.780

Thành phố 'nợ' tiền rác doanh nghiệp, người lao động bị 'nợ' bảo hiểm xã hội

Thứ Sáu 06/10/2023 , 16:23 (GMT+7)

THỪA THIÊN HUẾ Do chưa được UBND thành phố Huế thanh toán tiền phí xử lý rác nên doanh nghiệp đề nghị dời việc thanh toán tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cảnh hoang tàn bên trong Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương. Ảnh: CĐ.

Cảnh hoang tàn bên trong Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương. Ảnh: CĐ.

Nhà máy hoạt động cầm chừng

Những ngày đầu tháng 10/2023, chúng tôi tìm tìm về Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) và tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của một trong những nhà máy rác từng được xem là hiện đại và lớn nhất địa phương này.

Trái ngược với cảnh hoạt động tấp nập của hàng trăm công nhân trước đây, bây giờ là khung cảnh nhà xưởng bị bỏ hoang, hư hại; các loại máy móc tân tiến ngừng hoạt động nhiều năm, nhiều chi tiết bị hư hỏng, hoen rỉ do từ lâu không được bảo dưỡng.

Đặc biệt, đời sống công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn, bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập, nợ BHXH. Những người lao động gắn bó với Nhà máy này từ ngày đầu thành lập đến nay tản mát nhiều nơi. Thậm chí, nhiều công nhân còn bị doanh nghiệp nợ tiền BHXH khiến cho việc giải quyết các chế độ chính sách gặp nhiều vướng mắc.

Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương từng được xem là hiện đại và lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CĐ.

Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương từng được xem là hiện đại và lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CĐ.

Theo tìm hiểu, từ năm 2018 đến nay, Nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận nguồn rác mới từ Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế.

Nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng, cố gắng xử lý hoàn tất số rác thải đã tiếp nhận trước đó. Do đó, số giờ làm việc, ngày công của người lao động bị giảm dần, nguồn thu nhập không đảm bảo.

Theo tiết lộ của công nhân Nhà máy, từ năm 2022, họ còn có việc làm 2 - 3 ngày/tuần, chỉ để vận hành duy nhất 1 lò đốt, lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Sau khi gặp khó khăn, số lượng người lao động tại Nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương giảm mạnh (bị cho thôi việc hoặc tự nghỉ). Tính đến nay, Nhà máy này chỉ còn 12 lao động, bao gồm cả công nhân và các vị trí hành chính, lãnh đạo, trong đó có 10 người tham gia BHXH nhưng đều bị chậm từ tháng 5/2019.

Đến lãnh đạo công ty cũng bị nợ BHXH

Những này cuối cuối tháng 9/2023 vừa qua, nhiều công nhân gắn bó hàng chục năm với Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương bàng hoàng khi doanh nghiệp này ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 7 công nhân, người lao động.

Không những vậy, 4 trong số 7 lao động vừa bị “sa thải” có sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) và đang bị công ty chậm đóng từ tháng 5/2019 đến nay.

Từ năm 2018 tới nay Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: CĐ.

Từ năm 2018 tới nay Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: CĐ.

Điều đáng nói, không chỉ những người bị cho thôi việc mà toàn bộ số lao động còn lại, kể cả lãnh đạo Nhà máy cũng bị Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chậm đóng BHXH.

Quá bức xúc, ngày 30/9, nhiều người lao động từng làm việc tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương đã kéo đến nhà máy, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa phải đóng số tiền BHXH còn chậm để họ được hưởng các chế độ theo quy định.

Chị Cao Thị Lan Anh, người lao động nhiều năm đã gắn bó với Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương mắt ngấn lệ khi kể về hoàn cảnh của mình. Dù sinh sống ở vùng nông thôn nhưng do đất đai không có, chị nộp đơn xin vào làm cho Nhà máy gần 13 năm nay nhưng nay mới phát hiện bị nợ BHXH 4 năm 2 tháng. Do bị công ty nợ BHXH nên dù con đã hơn 4 tuổi nhưng đến nay chị Lan Anh vẫn chưa được nhận chế độ thai sản.

“Năm 2019, tôi sinh con và hiện cháu đã đi học mẫu giáo lớn mà tôi vẫn chưa nhận được chế độ thai sản. Đề nghị chủ sử dụng lao động giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho chúng tôi”, chị Lan Anh nói.

Chị Cao Thị Lan Anh là một trong những người lao động nhiều năm đã gắn bó với Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương. Ảnh: CĐ.

Chị Cao Thị Lan Anh là một trong những người lao động nhiều năm đã gắn bó với Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương. Ảnh: CĐ.

Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Hoàng Nữ một công nhân từng làm cho Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương nay đã chuyển sang doanh nghiệp khác bức xúc nói. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan vào cuộc, xử lý để bảo đảm các chế độ an sinh xã hội, công việc, cuộc sống cho anh chị em công nhân Nhà máy”.

Do thành phố 'nợ' tiền rác

Liên quan đến vụ việc, thông tin từ BHXH thị xã Hương Thủy cho biết, cơ quan bảo hiểm đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, đồng thời có văn bản đốc thúc Nhà máy hoàn thành việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho người lao động.

BHXH thị xã Hương Thuỷ đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nộp tiền phát sinh hàng tháng và xây dựng lộ trình chuyển nộp số tiền còn nợ cho cơ quan BHXH theo đúng quy định.  

Tính đến ngày 30/9/2023, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa còn nợ tiền BHXH, BHTN, BHTNLĐ của 14 người lao động, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong đó riêng tiền lãi do chậm đóng là 355 triệu đồng. Hàng tháng, Công ty này chỉ chuyển số tiền khoảng 6,3 triệu đồng để nộp tiền BHYT cho người lao động.

Được biết, giai đoạn trước năm 2016, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Thừa Thiên Huế cũng nợ tiền BHXH kéo dài đối với 29 người lao động, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Sau đó, Công ty bị khởi kiện ra toà và buộc phải đóng đủ các khoản tiền bảo hiểm cho người lao động, nhưng hiện nay công ty lại tiếp tục nợ những người lao động còn lại.

Theo đại diện Nhà máy xử lý rác Thủy Phương, đơn vị đã ngừng tiếp nhận rác và không hoạt động trong suốt nhiều năm. Ảnh: CĐ.

Theo đại diện Nhà máy xử lý rác Thủy Phương, đơn vị đã ngừng tiếp nhận rác và không hoạt động trong suốt nhiều năm. Ảnh: CĐ.

Về lý do chậm đóng tiền BHXH cho người lao động, mới đây, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã có công văn trả lời BHXH thị xã Hương Thuỷ. Trong văn bản, doanh nghiệp này cho biết đã ngừng tiếp nhận rác và không hoạt động trong suốt nhiều năm, bắt đầu từ quý 3/2018 nên không có nguồn thu nhập.

Những năm còn hoạt động, công ty mẹ phải bỏ tiền ra bù lỗ cho Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương. Đặc biệt, Công ty Tâm Sinh Nghĩa chưa được UBND thành phố Huế thanh toán tiền phí xử lý rác quý 3/2018 (hơn 2,4 tỷ đồng). Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan BHXH dời việc thanh toán tiền BHXH của đơn vị cho đến khi UBND thành phố Huế thanh toán tiền xử lý rác thải.

Ông Đặng Văn Tiến Giám đốc BHXH thị xã Hương Thuỷ cho rằng, nếu doanh nghiệp đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải nộp hồ sơ về cơ quan BHXH để giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNNN từ thời điểm dừng kinh doanh.

Căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan BHXH sẽ dừng tính lãi chậm nộp theo quy định; đồng thời chốt sổ BHXH cho người lao động cho đến thời điểm mà họ đã được đóng, qua đó bảo đảm các quyền lợi cơ bản.

Tuy nhiên đến nay, Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương chưa nộp hồ sơ đăng ký ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và trên thực tế vẫn đang hoạt động vận hành lò đốt. “Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên phía doanh nghiệp cũng phải xây dựng lộ trình, sớm hoàn thành việc chuyển nộp số tiền BHXH còn nợ và tiền lãi theo quy định, qua đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động”, ông Đặng Văn Tiến nói.

Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Thừa Thiên Huế đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất trên 200 tấn rác/ngày đêm. Đây từng là đơn vị đi tiên phong về xử lý, tái chế rác thải thành phân bón.

Từ khi ra đời cho đến khoảng năm 2018, Nhà máy này hoạt động khá hiệu quả, góp phần xử lý rác thải cho thành phố Huế, giảm tải cho việc chôn lấp rác tại bãi rác Thuỷ Phương, đồng thời tạo việc làm cho hơn 140 công nhân, người lao động.      

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.