Gia đình ông Trần Tấn Hiếu, nông dân ở ấp Lộc Tiến, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, sở hữu trong tay gần 1,2 ha đất nông nghiệp.
Trước đây, gia đình ông đã nhiều năm làm lúa trên mảnh đất này. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao.
Từ thực tế đó, ông Hiếu quyết định phải chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông đã bỏ thời gian đi học hỏi nghề trồng lan ở nhiều nơi và đã thử nghiệm trồng trên một diện tích nhỏ đất ruộng.
Khi đã nắm được kỹ thuật trồng lan và thấy đây là loại cây có thể giúp gia đình mình đổi đời, ông Hiếu quyết định phải trồng trên một diện tích lớn hơn theo kiểu sản xuất hàng hóa một cách chuyên nghiệp.
Để có vốn đầu tư chuyển đổi cây trồng, năm 2015, ông Hiếu đã mạnh dạn “gõ cửa” ngân hàng, và được chấp nhận khoản vay 500 triệu đồng. Với số vốn đó, ông đã đầu tư cây giống, nhà lưới, mái che nắng, hệ thống tưới, làm mát… để trồng lan trên diện tích 5.000 m2, tức là gần một nửa diện tích đất ruộng của gia đình.
Vườn lan của ông Hiếu chính là vườn lan hàng hóa đầu tiên ở phường Lộc Hưng, nên thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều nông dân trong vùng, vốn chỉ quen trồng lúa, sản xuất rau màu, chăn nuôi nhỏ…
Do làm một cách bài bản, đúng kỹ thuật, lại nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, 5.000 m2 trồng lan ngày ấy đã sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Hiếu, khi lợi nhuận thu được gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Từ đó, ông Hiếu đặt ra mục tiêu mở rộng dần diện tích trồng lan ra toàn bộ đất ruộng của gia đình. Trong 5 năm qua, lợi nhuận thu được từ cây lan, cộng với vốn tín dụng của ngân hàng, đều được ông đầu tư mở rộng dần diện tích trồng lan.
Đến nay, toàn bộ diện tích trồng lúa xưa kia đều được gia đình ông phủ kín bằng những giàn lan các loại, với khoảng 10 ngàn chậu lan và giống chủ lực là Dendrobium. Bên cạnh đó là một số giống khác như hồ điệp, mokara…
Vườn lan cũng được đầu tư bằng các hệ thống, thiết bị hiện đại hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí. Chẳng hạn, hệ thống tưới trong vườn bây giờ hoàn toàn là tự động hóa.
Nhờ luôn nắm vững kỹ thuật và đầu tư vườn tược một cách bài bản, cùng với việc chú trọng vào những giống lan đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, trong 5 năm qua, sản phẩm lan của gia đình ông Hiếu luôn được tiêu thụ tốt, mang lại lợi nhuận cao.
Hiện tại, với gần 1,2 ha trồng lan, mỗi năm, gia đình ông có doanh thu từ 5-6 tỷ đồng. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại là hơn 1 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận mà khi còn làm lúa trên chính diện tích ấy, gia đình ông không dám mơ tới.
Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình mình, ông Hiếu còn thường xuyên giành thời gian hướng dẫn cho một số hộ trong vùng chuyển từ lúa và các cây trồng không có hiệu quả kinh tế cao sang trồng lan. Không chỉ giúp về kỹ thuật, ông Hiếu còn giúp họ tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vậy, đến nay, ông Hiếu đã tạo được một hệ thống vườn lan vệ tinh trong phường Lộc Hưng. Những vườn lan này vừa giúp các chủ vườn cải thiện được đời sống với thu nhập cao hơn hẳn so với cây trồng trước đó, vừa giúp ông Hiếu có thêm nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Các sản phẩm lan của gia đình ông Hiếu và các vườn lan vệ tinh, hiện đã được tiêu thụ ở nhiều thị trường gần xa như TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Với quy mô sản xuất hơn 1 ha, vườn lan của ông Hiếu đang giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện tại, có 6 lao động thường xuyên làm việc tại vườn với thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày.