Ngày càng hút khách
Trại rắn Đồng Tâm, tức Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần Quân Khu 9 (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được nhiều người dân xa gần biết đến như một vườn thú thu nhỏ với nhiều loại rắn, chim, thú và cây xanh rợp bóng. Từ lâu, nơi đây đã là một điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu được trong tour du lịch khi đến tỉnh Tiền Giang.
Với diện tích 12ha, trại rắn Đồng Tâm được đầu tư trang trí rất khang trang thoáng mát. Nơi đây được chia thành nhiều khu vực và đang nuôi dưỡng nhiều loài rắn độc và hàng chục loài thú quý hiếm như: bồ nông, thiên nga, vượn, rùa, cọp, đà điểu, cá hải tượng, lợn rừng, khỉ…Các khu chăn nuôi chim thú được tổ chức riêng biệt cẩn thận phục vụ an toàn cho khách đến tham quan. Hiện tại, mỗi ngày có từ 500 – 1.000 lượt khách đến tham quan nghiên cứu. Riêng các ngày nghỉ, lễ tết nơi đây thu hút vài nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Ông Trần Quốc Sỹ, một du khách đến từ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết: Lần đầu tiên đến với trại rắn Đồng Tâm ông cảm thấy rất thú vị bởi được tận mắt trông thấy những loài thú hoang dã quý hiếm mà trước đây chỉ có dịp thấy qua màn ảnh nhỏ. Bên cạnh đó, ông còn đánh giá phong cảnh nơi đây rất thoáng mát, sạch đẹp và hứa hẹn sẽ có những chuyến trở lại tham quan địa điểm hấp dẫn này.
Tuy là đơn vị do bộ đội quản lý điều hành nhưng tư duy làm du lịch của cán bộ chiến sỹ nhân viên nơi đây luôn bám sát nhu cầu của thị trường. So với 5 năm trước trại rắn Đồng Tâm nay đã đổi mới cơ bản về hạ tầng, phòng ốc và mở ra nhiều khu dịch vụ giải trí, các tiểu cảnh độc đáo phục vụ nhu cầu du khách. Nhờ đó, hiện nay trại rắn Đồng Tâm có lượng du khách tăng hơn 20% so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Theo trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu Cần Quân Khu 9: Thích ứng dịch Covid-19, tập thể cán bộ trung tâm đã dọn dẹp vệ sinh chăm sóc chim thú, cây cảnh tạo môi trường. Song sóng, đơn vị cũng cử cán bộ đi học hỏi đơn vị bạn, thay đổi cách làm phục vụ nhu cầu của khách tham quan một cách tốt nhất. Khách đến không có phàn nàn và còn quay trở lại.
Qua 45 năm thành lập trại rắn Đồng Tâm không chỉ là nơi sưu tầm thuần dưỡng các loại rắn độc mà đã trở thành một vườn bách thú, một thỏ cầm viên mini ven sông Tiền. Cán bộ chiến sỹ đã ngày đêm cố công tâm huyết nuôi dưỡng đàn chim thú, chăm sóc cây cảnh tạo ra không gian xanh sạch đẹp thu hút du khách đến thưởng lãm ngày càng nhiều hơn.
Được đề xuất công nhận sản phẩm OCOP 5 sao
Mới đây, chiều 16/12, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP lần 3 năm 2022 đã đánh giá cao sản phẩm du lịch “Trại rắn Đồng Tâm” của Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu và chế biến dược liệu (Cục Hậu cần thuộc Quân khu 9). Hội đồng đánh giá đã nhất trí bình chọn sản phẩm này đạt OCOP 4 sao và cho rằng sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần này đã công nhận thêm 21 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn 5 sao. Riêng trà mãng cầu của công ty Travipha được tái công nhận 4 sao và cũng có tiềm năng 5 sao.
Hội đồng đang làm hồ sơ đề nghị cấp Trung ương đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao đối với sầu riêng trái tươi của Công ty Tâm Thùy, điểm du lịch trại rắn Đồng Tâm của Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu và chế biến dược liệu (Cục Hậu cần thuộc Quân khu 9) và trà mãng cầu của Công ty Travipha.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hoan nghênh tinh thần làm sản phẩm OCOP của các chủ thể. Qua đó, ông cho rằng Hội đồng đánh giá phải khách quan và có trách nhiệm tạo điều kiện cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm; Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần kết nối các hợp tác xã và doanh nghiệp để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đối với các chủ thể tham gia chương trình OCOP, ông cũng lưu ý ngoài chất lượng, cần chú ý đến bao bì, sự đa dạng của sản phẩm và sử dụng nguyên liệu địa phương, thân thiện với môi trường; các chủ thể là tác nhân chính trong việc phát triển sản phẩm…
Tính từ năm 2019 đến nay, Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 175 sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.Theo Kế hoạch 44 của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đến năm 2025, tỉnh có 200 sản phẩm được xếp hạng; trong đó 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 90 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 10 sản phẩm đạt 5 sao…