Các tỉnh quá tải
Ngày 4/10, ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại chốt kiểm soát ở siêu thị GO Cần Thơ trên quốc lộ 1A, nhiều người dân quê ở Cần Thơ xa quê hương làm ăn, học tập nay trở về đến cửa ngõ phải chờ khai báo y tế để được vào thành phố.
Ngoài những người tự đi xe máy còn có một số người dân quê ở Cần Thơ được tỉnh Long An bố trí xe ô tô chở về để bàn giao cho địa phương, xe máy của họ được vận chuyển bằng xe tải.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Cần Thơ, từ ngày 1/10 đến nay, bình quân mỗi ngày Cần Thơ tiếp nhận hơn 100 người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê bằng xe máy. Tất cả được phân loại, khai báo y tế, đưa về các địa phương. Theo quy định, những người về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19 hoặc có giấy chứng nhận là F0 được điều trị khỏi bệnh thì cách ly 7 ngày và 14 ngày đối với các trường hợp còn lại.
Đối với tỉnh An Giang, trước đó thông báo chỉ đón người dân tự phát về quê trong ngày 1/10. Thế nhưng dòng người vẫn tiếp tục đổ về địa phương ngày càng đông so với dự kiến. Tính từ ngày 1/4 đến ngày 4/10, An Giang đã đón gần 26.000 người hồi hương. Các địa phương đã đón về cách ly gần 10.000 người, số người đang sàng lọc, phân loại là 11.576 người. Qua sàng lọc, có 30 người dương tính với SARS-CoV-2 và đã được cách ly điều trị riêng.
Sáng 4/10, khi người dân quê An Giang về đến trạm T2 cửa ngõ vào địa phận An Giang vẫn bị ùn ứ cục bộ vì chờ làm thủ tục xét nghiệm phòng chống Covid-19 mới được vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh An Giang đã bố trí 11 điểm cách ly tập trung cho các huyện, thành phố và thị xã đón công dân về quê.
Tại đây, lực lượng chức năng mỗi huyện tiến hành phân nhóm tiêm vacxin mũi 1, mũi 2, nhóm F0 điều trị khỏi bệnh, đồng thời xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm có địa phương thực hiện, một số địa phương khác đưa dân về tới khu cách ly tập trung mới tiến hành test nhanh để tránh ùn ứ.
Đặc biệt, tại 2 huyện miền núi của An Giang là Tri Tôn và Tịnh Biên đã đón gần 10.000 người. Hiện 2 huyện này đã trưng dụng hàng chục trường học cho dân vào cách ly tập trung, nhưng hiện nay đã có dấu hiệu quá tải.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang cho hay, quan điểm của tỉnh An Giang là sẽ tiếp nhận và chăm lo chu đáo cho người dân khi về đến cửa ngõ của tỉnh. Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, các cơ sở cách ly đang quá tải, nguồn lực tỉnh còn hạn chế mà phải tiếp tục gồng mình để tiếp nhận bà con về quê tự phát, nghĩa là khó chồng khó. Tuy nhiên, chúng ta phải đồng lòng, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay tiếp nhận và chăm lo an sinh xã hội cho bà con một cách tốt nhất có thể.
Trước đó tỉnh An Giang đã có thông báo chưa có kế hoạch tiếp nhận công dân An Giang về quê tự phát sau ngày 1/10. Tuy nhiên, với tinh thần xử lý tình huống một cách linh hoạt, tỉnh sẽ kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ tối đa cho bà con khi đã về tới địa phận của tỉnh. Đây không chỉ là việc làm mang tính nhân văn mà đó còn là trách nhiệm đối với nhân dân.
Ngoài ra, địa phương tranh thủ các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho người dân. Đồng thời có phương án bố trí thêm các cơ sở cách ly, không để bị động bất ngờ, nhất là chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt, điều trị, tại các khu cách ly y tế, khu vực điều trị Covid-19 đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung ở địa phương trong thời điểm này điều trị Covid-19, An Giang đã đưa ra kịch bản là cho F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà để giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, an ninh trật tự, phục vụ hậu cần… để tập trung nguồn nhân lực y tế chăm sóc cho những ca bệnh F0 có triệu chứng tại các tầng điều trị khác trong tỉnh.
"Hết cách rồi, không thể ở TP.HCM nữa"
Hai anh em Thạch Bích và Thạch Sa Ri, quê ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang) gần 3 năm xa quê lên Bình Dương làm phụ hồ kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, nhiều tháng nay 2 anh em mất việc, không đi làm gì được và cũng không về quê được. Tiền sinh hoạt hàng ngày cũng không còn bao nhiêu. Vì vậy, hàng ngày sống nhờ thực phẩm cứu trợ của mạnh thường quân, nhà trọ cũng được chủ miễn phí các tháng mùa dịch.
Anh Thạch Phích nói: Rất mừng vì bao ngày ở đất Bình Dương không bị bệnh, sau khi được nới lỏng giãn cách, 2 anh em vui mừng lắm, được chính quyền đưa về địa phương thực hiện cách ly phòng chống Covid-19, sau đó về nhà đoàn tụ với gia đình cũng là nơi an toàn nhất để phòng dịch.
Anh Nguyễn Thanh Phong, nhân viên kỹ thuật camera làm việc tại một doanh nghiệp ở TP.HCM đang trên đường về tỉnh Sóc Trăng. Anh Phong cho biết: Mình sinh sống và làm việc ở TP.HCM từ năm 2012 đến nay. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tiền lương hàng tháng anh chi tiêu rất dè xẻn và phần lớn gửi về phụ giúp gia đình, vợ con. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này bùng phát, anh bị kẹt ở TP.HCM hơn 4 tháng trời.
"Bốn tháng nay, em bị kẹt ở TP.HCM, tiền dành dụm đã xài hết rồi. Chỗ nào vay mượn được em đã mượn hết rồi. Nhà nước có hỗ trợ nhưng mà không đủ. Bây giờ hỗ trợ đã 3 đợt nhưng em chỉ nhận được có 1 đợt thôi. Cũng không có ai hỗ trợ cơm nước gì nữa. Giờ thật sự em hết cách rồi. Em không thể ở lại TP.HCM nữa".
Tiếp nhận và cách ly
Kể từ ngày 4/10, lượng người từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây đã giảm dần. Theo một cán bộ trực chốt kiểm dịch cầu Mỹ Thuận địa phận tỉnh Vĩnh Long, ngày 4/10, lượng người về quê đã giảm rất nhiều so với 3 ngày qua. Nếu trước đó 10 phần thì bây giờ giảm còn 3 phần. Đến đầu giờ chiều ngày 4/10, lượng người về trong ngày khoảng 4.000 người. Tổng cộng qua 4 ngày ước khoảng 80.000 người về Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu. Bà con về đến chốt giữ trật tự, ổn định làm theo hướng dẫn phân luồng của chốt kiểm soát.
Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Tháp, đêm ngày 3 và rạng sáng ngày 4/10, dòng người từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục đổ về qua cửa ngõ Đồng Tháp khoảng 40.000 người, trong đó có hơn 5.000 người là dân Đồng Tháp. Số dân hồi hương còn lại đi về An Giang, Kiên Giang và một số tỉnh khác.
Tại các cửa ngõ vào Đồng Tháp, lực lượng chức năng phân nhóm dân theo từng địa phương, sau đó các huyện tổ chức đưa dân về các khu cách ly tập trung của mỗi huyện, thành phố. Sau đó, tiến hành xét nghiệm và phân nhóm đối tượng đã tiêm vacxin hoặc F0 đã khỏi bệnh để bố trí nơi cách ly riêng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đón khoảng 20.000 người từ TP.HCM và các tỉnh khác về. Khi người dân về đến địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng phân nhóm theo địa phương, sau đó các huyện đưa dân vào các khu cách ly tập trung và test nhanh Covid-19.
Đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi vacxin hoặc F0 khỏi bệnh sau khi test nhanh âm tính được cách ly tập trung 3 ngày. Sau 3 ngày xét nghiệm lại âm tính cho về nhà theo dõi. Đối với các trường hợp tiêm 1 mũi có kết quả âm tính thì cách ly 7 ngày, sau thời gian này xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà, theo dõi sức khỏe. Những trường hợp còn lại sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ cách ly tập trung 14 ngày và xét nghiệm ít nhất 3 lần trong thời gian này. Riêng 33 trường hợp là F0 mà các huyện, thành phố vừa phát hiện trong số người hồi hương đã đưa đến khu điều trị.
Tại tỉnh Bến Tre, tính ngày 3/10, có 5.869 công dân các tỉnh về Bến Tre, tại chốt cầu Rạch Miễu - xã An Khánh, huyện Châu Thành. Trong đó, công dân trong tỉnh 891 người, công dân ngoài tỉnh (Trà Vinh) 4.978 người). Lực lượng y tế xét nghiệm có 2 trường hợp về từ Bình Dương và 1 trường hợp về từ Long An dương tính với SARS-CoV-2 (đã có kết quả PCR). Số người trên đã được đưa đi cách ly theo quy định.
Thống kê từ ngày 1-3/10, tại chốt cầu Rạch Miễu có 11.460 công dân về Bến Tre và Trà Vinh. Riêng công dân về Bến Tre là 2.958 người và đã được đưa vào khu cách ly, tập trung tại địa phương. Đối với công dân ngoài tỉnh, lực lượng chức năng đã hỗ trợ dẫn đường về địa phương an toàn. Qua nắm tình hình chung, số công dân về tự phát tại chốt cầu Rạch Miễu ổn định trật tự và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiện bà con từ các tỉnh, thành về tự phát khá nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh là có thể xảy ra. Để giữ vững được “vùng xanh” một cách bền vững, khi phát hiện F0 phải phân vùng hẹp nhất, truy vết, cách ly phù hợp.
Các địa phương tiếp tục trưng dụng các trường Tiểu học hoặc THCS làm khu cách ly tập trung. Giao cho mỗi huyện đảm bảo 500 chỗ cách ly, tỉnh chịu trách nhiệm chuẩn bị 1.000 chỗ. Tỉnh sẽ chọn 3 điểm cách ly tập trung: Trung đoàn 895, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi - khu Đồng Gò, Trường Cao đẳng Bến Tre. Chỉ cách ly tại nhà đối với các trường hợp người già bệnh, phụ nữ sắp sanh, trẻ em còn quá nhỏ và giao ngành Y tế, địa phương theo dõi thật sát các trường hợp này.
Các địa phương tranh thủ tối đa nguồn xã hội hóa để lo cho bà con về cách ly; đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Rà soát lại công dân có nhu cầu về TP. HCM và các tỉnh làm việc, xây dựng kế hoạch, thông báo để người dân đăng ký và đưa đi có tổ chức.