| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để VnSAT hoàn thiện hơn

Thứ Sáu 24/12/2021 , 13:33 (GMT+7)

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, dự án VnSAT trong qua trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm hoàn thiện hơn.

Đối với nhiều người dân và HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đang mang lại hiệu quả rất lớn cho ngành hàng cà phê. Ngoài việc tập huấn sản xuất và tái canh cà phê bền vững, người dân, HTX còn được VnSAT hỗ trợ đầu tư mô hình tưới tiết kiệm, sân phơi, nhà kho, hệ thống đường giao thông nội đồng.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, nhiều HTX cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ khi tham gia dự án VnSAT.

Dự án VnSAT được xem như đòn bẩy kích cầu để phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Ảnh Tuấn Anh.

Dự án VnSAT được xem như đòn bẩy kích cầu để phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc HTX  Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ) cho biết, HTX hiện có 324 thành viên liên kết với 530 ha diện tích trồng cà phê. Trong 2 năm qua, dự án VnSAT hỗ trợ cho các thành viên rất nhiều, từ việc tập huấn sản xuất và tái canh cà phê bền vững cho đến đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Riêng với hạng mục cơ sở hạ tầng, dự án VnSAT đầu tư xây dựng 2 tuyến đường liên xã Ia Kriêng – Ia Kêl có chiều dài 5,2 km với tổng kinh phí 10,6 tỷ đồng; tuyến đường từ xã Ia Lang đi thị trấn Chư Ty có chiều dài 6 km với tổng kinh phí 15 tỷ đồng.

Theo đó, dự án VnSAT đầu từ 100% nguồn vốn, còn lại người dân chung tay hiến đất để làm đường. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án xây dựng chậm tiến độ khiến việc thu hoạch cà phê trong năm nay của người dân đã bị ảnh hưởng ít nhiều.

Ông Duy cho biết, dự án xây dựng đường giao thông nội đồng do Bộ NN-PTNT quản lý, nên quy trình, thủ tục cấp phép phải được phê duyệt từ Trung ương dẫn đến việc mất rất nhiều thời gian. Mặc dù vậy, Ban quản lý dự án VnSAT rất nhiệt tình, đưa cán bộ từ Hà Nội về địa phương thường xuyên để hướng dẫn làm thủ tục, quy trình cấp phép để đẩy nhanh tiến độ thự hiện dự án.

Thậm chí, xây dựng 1 tuyến đường nhưng dự án VnSAT đã xuống làm việc với địa phương rất nhiều lần để tháo gỡ. Tuy nhiên, do khó khăn về vấn đề địa lý, cũng như tình hình dịch Covid-19 thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp nên việc xây dựng các tuyến đường đã phần nào bị chậm tiến độ. Nếu không, tuyến đường giao thông nội đồng liên xã Ia Kriêng – Ia Kêl đã có thể hoàn thành.

“Dự án VnSAT được xem như đòn bẩy kích cầu để phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Ở đó, nhà nước đầu tư gần như 100% cho người dân, điều này mang lại rất nhiều thuận lợi để sản xuất cà phê. Chúng tôi không mong muốn gì hơn chỉ hy vọng các dự án đường giao thông nội đồng đã được phê duyệt thì sớm xây dựng để phục vụ cho người dân”, ông Duy nói và cho biết, hiện các tuyến đường giao thông nội đồng đi vào khu vực sản xuất cà phê đã xuống cấp trầm trọng nên người dân rất mong mỏi sớm xây dựng các tuyến đường.

Ở một khía cạnh khác, hiện rất nhiều thành viên HTX Phượng Hoàng cũng gặp khó khăn khi chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng do VnSAT hỗ trợ để thực hiện tái canh cà phê.

Ông Duy cho biết, khi các thành viên trong HTX tiết cận nguồn vốn vay thì được thông báo đã giải ngân hết. Chính vì vậy, hầu như tất cả các thành viên trong HTX chưa tiết cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Đây là nguồn vốn vay rất hữu ích cho các thành viên HTX để thực hiện tái canh cà phê trong thời gian tới. Cụ thể, nguồn vốn vay này có lãi suất rất ưu đãi nên được nhiều người dân rất quan tâm. Quan trọng hơn, khi người dân tiếp cận được nguồn vốn này sẽ mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê, từ đó tiếp cận được loại giống chất lượng cho năng suất cao. Chính vì không có nguồn vốn, người dân không dám tái canh, dẫn đến năng suất cà phê rất thấp.

Cùng theo ông Duy, với 1 ha cà phê tái canh, người dân phải đầu tư trong năm đầu tiên hết khoảng hơn 100 triệu đồng, năm tiếp theo hết 50 triệu đồng. Đây là khoản tiến rất lớn đối với nhiều hộ dân, nên việc tái canh vườn cà phê xem như rất khó khăn.

Theo ông Thanh, nếu dự án VnSAT kéo dài thêm thời gian sẽ đem lại hiệu quả rất lớn của các thành viên trong HTX. Ảnh Tuấn Anh.

Theo ông Thanh, nếu dự án VnSAT kéo dài thêm thời gian sẽ đem lại hiệu quả rất lớn của các thành viên trong HTX. Ảnh Tuấn Anh.

HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp và du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cũng là 1 trong những đơn vị được dự án VnSAT hỗ trợ rất nhiều trong thời gian qua. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết, dự án VnSAT đã triển khai từ năm 2015 nhưng mãi đến năm 2019, thời điểm gần kết thúc dự án, HTX mới được tham gia hỗ trợ. Nếu dự án VnSAT kéo dài thêm thời gian sẽ đem lại hiệu quả rất lớn của các thành viên trong HTX.

Hiện rất nhiều người dân đến đặt vấn đề với HTX mong muốn được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm từ dự án VnSAT. Tuy nhiên, hợp phần đầu tư lĩnh vực này đã hết thời hạn khiến cho nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chọn lựa cây giống để thực hiện tái canh cà phê. Các loại cây giống trên thị trường hiện gần như bị “thả trôi”, không thể kiểm soát.

“Không phải cứ trồng cà phê được 2,3 tháng là biết giống kém chất lượng, nhiều khi vài năm sau mới phát hiện ra thì đã quá muộn. Bao nhiêu tiền bạc, công sức của người dân xem như mất trắng”, ông Thanh chia sẻ.

Những khó khăn về quản lý cây giống cũng được nhiều HTX kiến nghị tháo gỡ. Ảnh Tuấn Anh.

Những khó khăn về quản lý cây giống cũng được nhiều HTX kiến nghị tháo gỡ. Ảnh Tuấn Anh.

Ngoài ra, quy trình chăm sóc cây cà phê của người dân còn nhiều hạn chế. Mặc dù dự án VnSAT cũng đã mở các lớp tập huấn về quy trình chăm sóc cây cà phê bền vững nhưng chưa mang tính chuyên sâu.

Từ những vướng mắc trên, ông Thanh kiến nghị, Nhà nước và dự án VnSAT cần phải quản lý chặt chẽ đến vấn đề cây giống, giúp cho người dân chọn lựa được những giống chất lượng, qua đó nâng cao năng suất vườn cà phê. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân quy trình chăm sóc cà phê để đạt chất lượng cao.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tại tất cả các mục tiêu của dự án đã đạt được như kỳ vọng. Chỉ còn lại tiểu dự án đường giao thông nội đồng đang trong quá trình xây dựng và sẽ đảm bảo đúng tiến độ.

“Để duy trì được vấn đề đã đạt được, các HTX cần phải liên kết với các hộ dân để phát huy việc sản xuất cà phê bền vững đã được VnSAT tập huấn trước đó. Ngoài ra, khi sản xuất theo tiêu chuẩn rồi thì phải đồng bộ với khâu thu hoạch. Hiện các doanh nghiệp tiêu thụ yêu cầu cà phê chín phải đạt trên 80% nên rất khó cho người dân. Trước vấn đề này, dự án VnSAT cũng đã hỗ trợ cho các HTX đầu tư hệ thống máy tách màu cà phê để giải bài toán chất lượng khi thu hoạch”, ông Tuấn chia sẻ.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.