Xu thế mới ở Yên Lạc
Tôi theo chân anh Lê Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đống Cao (xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) ra thăm cánh đồng cấy lúa theo hiệu ứng hàng rộng hàng hẹp của các thành viên.
Vốn là một người mạnh dạn trong việc áp dụng cái mới vào sản xuất, năm 2012 khi Trạm BVTV huyện về tuyên truyền cấy lúa hiệu ứng hàng rộng hàng hẹp, cả thôn chỉ dám làm có 2 sào trong đó nhà anh Hải 1 sào. Giờ đây, kỹ thuật đó đã lan tỏa khắp trong thôn, ngoài xã bởi giảm được nhiều thứ như giống, công cấy, công làm cỏ, thuốc sâu nhưng lại tăng thêm tới 15% năng suất.
Tổ hợp tác đang có 86ha đất nông nghiệp trước đây vốn là hợp tác xã (HTX) của thôn thành lập từ thời kỳ hậu cải cách ruộng đất, hồi anh Hải còn chưa được sinh ra. Thập kỷ 70 của thế kỷ trước nó được sáp nhập vào HTX toàn xã nhưng sau đó lại tách ra bởi cơ chế bao cấp “cha chung không ai khóc”, bởi bộ máy cồng kềnh cỡ 30 người quản lý khiến cho dân phải è cổ.
Sau khi chuyển đổi theo luật mới năm 2012, HTX cũng đầy đủ ban bệ 7 người gồm thư ký, đội trưởng, giám đốc, phó giám đốc, kế toán, kiểm soát… trong đó anh Hải làm Giám đốc. Theo quy định các thành viên phải đóng góp vốn nhưng hơn 800 người chẳng một ai góp cả.
Thiếu vốn nên HTX hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào không hiệu quả. Thêm vào đó, cơ chế thị trường có nhiều đại lý tư nhân cung ứng vật tư, họ mang đến tận nhà dân bán với giá còn hợp lý hơn HTX vì bộ máy gọn nhẹ, cơ chế linh hoạt.
Anh Hải giãi bày: “Trước HTX sống nhờ các dịch vụ chính là thủy lợi phí, thủy lợi nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, dự tính dự báo, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư như giống, phân và thuốc sâu nhưng giờ chỉ còn bảo vệ đồng ruộng, thủy lợi nội đồng, dự tính, dự báo về bảo vệ thực vật.
Nói chung là hoạt động rất khó khăn, năm 2017 cực chẳng đã HTX mới phải chuyển thành tổ hợp tác có 3 người gồm tổ trưởng, tổ phó và tổ viên, từ Giám đốc tôi xuống thành Tổ trưởng. Lương cán bộ thì vẫn thế (lương tổ trưởng là 1,2 triệu; tổ phó 80%, tổ viên 60% của mức đó) nhưng trước cả ban bệ chi hết 7 - 8 triệu/tháng thì chỉ còn cỡ 3 triệu nên chi phí đóng góp của bà con bằng thóc trên mỗi đầu sào ruộng giảm từ hơn 5kg xuống chỉ còn 2,7kg”.
Tổng thu của tổ hợp tác được khoảng 75 triệu/năm. Duy trì được 3 nhiệm kỳ như thế thì đầu năm nay, bà con lại thấy tổ có 3 người vẫn còn cồng kềnh nên thống nhất rút gọn lần nữa xuống chỉ còn 1 người là anh Hải. Tổng thu của tổ hợp tác 1 người khoảng 45 triệu/năm trong đó chi cho lương của tổ trưởng 17 triệu/năm, còn lại là trả các khoản phí để đảm bảo cho việc sản xuất của bà con được bình thường.
Kể về điều này, anh cười khà khà: “Mọi công việc vẫn trôi chảy thậm chí còn hiệu quả hơn vì tôi chủ động trong chỉ đạo mọi việc mà không phải phụ thuộc vào ai. Tôi thuê tổ bảo vệ đồng ruộng gồm 3 người với mức công 400.000 đồng/người/tháng, còn dẫn nước đến vụ lại thuê khoán theo đầu việc cụ thể.
Thôn tôi giờ không có tình trạng bỏ ruộng thậm chí bà con còn thuê thêm ruộng ở thôn khác, xã khác để làm bởi tính ra cấy lúa đang lãi khoảng 400.000 - 500.000 đồng/sào. Thôn cũng không có tình trạng nợ phí dịch vụ của tổ hợp tác bởi thành viên giờ con cái đều đi làm ngoài hết, kinh tế khá giả nên đóng một hai trăm ngàn với họ cũng chẳng thấm tháp vào đâu”.
Đi theo xu thế ấy, cả 4 HTX thôn của xã Văn Tiến đều chuyển thành tổ hợp tác hết để giảm chi phí trung gian, giảm đóng góp cho bà con. Nhiều xã khác trong huyện Yên Lạc cũng đã chuyển tương tự như Bình Định, Đồng Cương, Tam Hồng, Yên Đồng, hay một số khác đã chuyển sang một phần…
Tâm tư của 2 Phó giám đốc Sở
Gần trọn đời gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân nên ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc có lắm sự chiêm nghiệm: “Phát triển HTX ở các tỉnh có quỹ đất nông nghiệp lớn như Sơn La, Bắc Giang, Điện Biên, Lai Châu… dễ thành công hơn, còn các tỉnh, thành có quỹ đất nông nghiệp ít kiểu Vĩnh Phúc, Bắc Ninh sẽ khó hơn, chậm hơn.
Gần Hà Nội hơn nhưng chúng tôi đôi lúc cũng thấy mủi lòng bởi như Sơn La mỗi năm thành lập mới vài chục đến cả trăm HTX nông nghiệp nhưng ở Vĩnh Phúc thì khó lắm! Trước đây các HTX chủ yếu sống bằng hai dịch vụ chính, thứ nhất là điện, thứ hai là thủy lợi, còn các dịch vụ khác như cung cấp đầu vào cho sản xuất gồm giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV thì nhiều đơn vị không làm được. Về sau, hai dịch vụ cơ bản đó một chuyển cho ngành điện, một chuyển cho công ty thủy nông nên gần như không còn nguồn thu, các HTX cứ teo dần.
Đặc thù quy mô ruộng đất của Vĩnh Phúc rất nhỏ, mỗi hộ trung bình 5 - 6 sào nhưng lại chia ra làm 8 - 9 thửa. Dòng lao động trong nông nghiệp đang chuyển nhiều sang công nghiệp, dịch vụ bởi thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Tình trạng đó là chung nhưng ở Vĩnh Phúc thấy rõ nét nhất bởi là địa phương đang công nghiệp hóa rất mạnh. Chính vì vậy đa số doanh nghiệp nông nghiệp, HTX không lớn lên được theo quy luật.
Tính đến hết năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ước đạt 10.357 tỉ đồng nhưng kinh tế hộ với khoảng 90.000 gia đình đã chiếm 9.800 tỉ đồng, tương đương 94,5%. Loại hình sản xuất mà tỉnh đang muốn khuyến khích là doanh nghiệp nông nghiệp và HTX chuyên ngành, chuyên cây, chuyên con vẫn rất èo uột.
Có khoảng 50 doanh nghiệp nông nghiệp với 1.300 lao động tạo ra giá trị sản xuất 250 tỉ đồng, chiếm 2,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Có khoảng 265 HTX với hơn 93.000 thành viên tạo ra giá trị sản xuất 300 tỉ đồng, chiếm 3% giá trị sản xuất toàn ngành.
Theo logic thay vì quản lý cả 90.000 hộ nông dân thì quản lý các doanh nghiệp, HTX sẽ dễ dàng hơn, lại có thể làm ra được nhiều sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng vì rủi ro quá nên nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp Vĩnh Phúc đã phải bỏ cuộc, còn những HTX thì vẫn chưa đứng vững được trong cơ chế thị trường”...
Ở tỉnh láng giềng, ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ thống kê sau chuyển đổi theo luật năm 2012, toàn tỉnh có 362 HTX nông nghiệp: “Tôi tạm chia làm ba nhóm. Nhóm một, chiếm hơn 10% với chừng hơn 30 HTX tuy “chết rồi mà không chôn được”, không có hoạt động gì, Giám đốc HTX đó có khi đã mất hoặc đi đâu các thành viên cũng không rõ.
Nhóm hai, chiếm cỡ 50%, tuy đã chuyển đổi về hình thức theo luật mới nhưng lề lối hoạt động vẫn như cũ, chỉ lo dịch vụ đầu vào mà chưa lo được dịch vụ đầu ra. Hoạt động của các HTX nhóm này tuy không lỗ cũng không vươn lên được, không có tương lai, sống kiểu cầm hơi nhưng vẫn nên giữ để sản xuất của bà con được đảm bảo bình thường;
Nhóm ba, chiếm khoảng 20 - 30%, thành lập theo nhu cầu của cuộc sống, là những HTX chuyên ngành, chuyên cây, chuyên con, lo được cả đầu vào và đầu ra cho bà con. Số này được chúng tôi đặt nhiều hi vọng, trông mong nhất bởi thực sự nó đúng với tinh thần của hợp tác là cùng mua chung, làm chung, bán chung, tất cả đều có lợi, vừa giúp ích cho các thành viên, vừa giúp ích cho cộng đồng ở đó cũng như cho xã hội”...
"HTX giờ thành lập phải dựa trên sự tự nguyện, một khi mà dựng lên không giải quyết được mục tiêu của các thành viên thì rất khó, nhất là các HTX trong lĩnh vực trồng trọt".
Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc
Tập trung đất đai, cần bà con tin phải làm từng bước
Tôi hỏi anh Hải, giả sử không có tổ hợp tác nữa thì thế nào, anh lắc đầu trả lời sẽ lâm vào tình trạng “quân hồi vô phèng” bởi chẳng có ai điều hành cả, nước nôi sẽ không có người dẫn, thành quả sản xuất của bà con sẽ bị trâu bò phá hoại. Cũng theo anh, tổ hợp tác của thôn đang loay hoay tìm mô hình liên kết 4 nhà trong đó 3 nhà là nhà nông, nhà nước, nhà khoa học đã tạm ổn, chỉ còn thiếu mỗi nhà doanh nghiệp.
Lợi thế của nơi đây là sản xuất được cả lúa giống lẫn lúa thương phẩm. Anh Hải đã liên hệ với tập đoàn Quế Lâm nhưng vẫn còn vướng chuyện tập trung đất đai bởi cỡ 20 - 30% bà con trong thôn đang chưa tin vào định hướng mới này. Mà muốn dân tin phải làm dần dần, chắc từng bước chứ không thể nóng vội được.
Từ hồi chuyển sang tổ hợp tác, con dấu phải hủy đi nhưng anh Hải khẳng định với tôi rằng không chịu bất cứ sức ép nào của xã, của huyện mà thậm chí còn được quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động bởi chính sách của nhà nước thông qua tổ hợp tác dễ đến được với nông dân hơn.
Vân Đình