Chuyện ở Hải Đường
Xã Hải Đường có 2 hợp tác xã (HTX) kiểu cũ phải giải thể theo sự chỉ đạo của chung của huyện Hải Hậu, toàn bộ nhà kho, bàn ghế, trụ sở bàn giao lại cho UBND xã. Anh Trần Văn Túc trước đó là Chủ nhiệm HTX Thống Nhất còn anh Trần Văn Biên là Chủ nhiệm HTX Vũ Đệ nhưng xã sau khi giải thể hết, chỉ cho phép thành lập 1 HTX để theo yêu cầu của tiêu chí 13 của chương trình nông thôn mới, mỗi xã cần phải có 1 HTX trở lên.
Lúc đầu anh Biên được động viên làm sáng lập viên HTX mới để sau này ngồi vào cái ghế Giám đốc vì nhanh nhẹn và gia đình lại đang có cửa hàng vật tư, rất hợp với hướng phát triển dịch vụ của HTX trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng anh đã từ chối.
Sau đó xã giao việc này cho một người có trình độ đại học lại đang còn trẻ nhưng được nửa tháng thì anh này nằng nặc xin rút. Cuối cùng anh Túc được giao làm nhiệm vụ đó, vì là Đảng ủy viên nên anh không thể chối từ. HTX mới có 31 thành viên, ngoài bộ khung là Hội đồng quản trị HTX 5 người còn có 26 ông trưởng xóm được cơ cấu làm luôn tổ trưởng tổ dịch vụ của xóm để dễ bảo dân, người góp vốn ít nhất 3 triệu, nhiều nhất 5 triệu, được tổng cộng 100 triệu.
Anh Túc kể, HTX cũ làm dịch vụ dẫn nước, vật tư, xây đúc, nạo vét nhưng HTX mới chỉ còn mỗi một dịch vụ là dẫn nước với mức thu 16.000 đồng/sào được cỡ 242 triệu mỗi vụ. Ngoài ra còn có tí chút kinh doanh vật tư, đưa Phó giám đốc và Kế toán trưởng HTX ra đứng 2 quầy hàng ở đầu xã và cuối xã, được lãi cỡ 10 triệu mỗi năm nữa.
Lương của Giám đốc được vài trăm ngàn/tháng nên anh Túc sống chính bằng phụ cấp kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, các chức danh khác cũng vậy. Còn các ông trưởng xóm kiêm tổ trưởng tổ dịch vụ của HTX không lương cứng mà sống nhờ việc chèo lái khoản khoán 13.000 đồng/sào dẫn nước để điều hành việc mở cống, đóng cống, dọn bèo, trừ tiền công thuê ra được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
HTX hoạt động èo uột và chỉ trông chờ vào 1 dịch vụ như thế nên anh Túc đang lo chuyện khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, phần việc HTX được giao phải có thêm các dịch vụ khác như diệt chuột, xây đúc, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các thành viên mà không biết phải phát triển thế nào cho kịp để mà báo cáo.
Còn anh Biên sau khi từ chối chức Giám đốc HTX mới vẫn còn tâm huyết để tham gia làm Trưởng ban kiểm soát. Anh cười buồn rằng: “HTX kiểu mới dựa trên 5 tự gồm “tự nguyện, tự góp vốn, tự làm, tự chia, tự chịu” trong khi cơ sở vật chất không có, vốn không có, nói chung là không có gì trong tay cả.
Đề án sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp thì tập thể khó cạnh tranh lại với tư nhân vì họ đông, cơ chế lại linh hoạt. Tập thể chỉ đạo đến nơi thì tư nhân đã bán hết hàng vì như chủ đại lý là tôi đây vẫn sẵn sàng bốc hàng khi cần thiết. HTX định hướng phát triển dịch vụ thì dịch vụ muốn làm như xử lý rác thải, chính quyền lại không cho phép”.
Hải Hậu là vùng đất của tám xoan, năm 2004 đã từng có Hiệp hội tám xoan của huyện với vùng sản xuất chính đặt ở 3 xã thì riêng Hải Đường đã 200ha. Thế rồi trình độ của cán bộ Hiệp hội có hạn, thiếu kinh phí cho quảng bá, mà nhất là chất lượng gạo khi nấu thành cơm ăn quá khô bị người tiêu dùng phản ứng gọi là “gạo giả”. Trong khi đó, “gạo nhái” bán đầy trên thị trường là Bắc Thơm số 7 lại ăn ngon hơn cả tám xoan thật nên được vài năm là Hiệp hội tan. Giờ diện tích trồng lúa tám của Hải Đường chỉ còn cỡ dưới 10ha là một điều đáng tiếc cho một đặc sản một thời nức tiếng.
Xóa đi, xây lại HTX ở Hải Hậu vẫn còn nhiều điều phải ngẫm
Ông Đinh Văn Lãng - Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định thông tin với tôi rằng khi triển khai chuyển đổi HTX kiểu cũ sang kiểu mới theo luật năm 2012, tỉnh thực hiện sau 3 năm thì cơ bản hoàn thành, xếp vào loại sớm của toàn quốc.
“Tỉnh có 321 HTX được tổ chức lại, đi theo hai hướng, thứ nhất là kiểu huyện Hải Hậu xóa hết HTX để thành lập mới. Tại sao Hải Hậu làm được điều này? Thứ nhất là công nợ ít, thứ hai là quản lý rõ ràng, thứ ba là trên bảo dưới chịu nghe. Tài sản cố định của các HTX cũ không chia được thì giao cho UBND xã quản lý còn tài sản vốn lưu động thì chia lại cho xã viên.
Sau đó, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới các xã đều thành lập mới HTX, trung bình có 1 - 2 cái. HTX mới này có đặc điểm số thành viên ít đi, trước trung bình 500 - 1,000 hộ nhưng nay chỉ 20 - 30 thành viên, chủ yếu là cán bộ quản lý của HTX cũ và cán bộ thôn xóm, tổ trưởng dịch vụ. Các thành viên đều góp vốn tối thiểu, đầy đủ theo quy định của luật từ 5 - 50 triệu.
Ưu điểm là có góp vốn nên cán bộ quản lý và thành viên gắn bó hơn, quan tâm đến hoạt động của HTX hơn. Nhược điểm là thành viên ít, tính chất HTX chưa rõ, tính doanh nghiệp nhiều hơn là tính phục vụ, số thành viên kết nạp mới ít. Hoạt động của các HTX mới này thì cũng làm các dịch vụ thiết yếu như cũ, không có đổi mới gì nhiều. Nhiều HTX mới không có trụ sở làm việc, phải đi ở nhờ nên một số cán bộ còn nuối tiếc cái trụ sở, nhà kho, sân phơi của HTX cũ đã bị UBND xã thu hồi, bán lấy tiền xây dựng nông thôn mới.
Các huyện khác trong tỉnh Nam Định đều tổ chức lại HTX cũ rồi chuyển đổi theo luật mới năm 2012. Ưu điểm của cách làm này là duy trì sản xuất ổn định, không có sự biến động ồn ào trong nông thôn, mà chỉ rà soát những nội dung chưa phù hợp với luật năm 2012 để điều chỉnh. Tất cả có 5 nội dung không phù hợp như tên gọi HTX bị trùng trong cùng một huyện (Các HTX cả tỉnh đều thống nhất chung một cái tên đầu là HTX Sản xuất-Kinh doanh-Dịch vụ mà chỉ khác thành tố đằng sau là tên xã).
Như tổ chức bộ máy HTX trước đây Hội đồng quản trị có 2 người thì giờ phải tối thiểu 3 người, phải có Ban kiểm soát. Như phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để thông qua đại hội biểu quyết thực hiện. Như quản lý tài sản đúng theo luật. Như rà soát thành viên và vốn góp của thành viên.
Điều cuối cùng rà soát thành viên và vốn góp này là khó nhất bởi Nam Định trước đây là xã viên cả làng, sinh ra đã là xã viên rồi, không có góp vốn. Giờ mỗi hộ chỉ cử 1 người làm thành viên HTX, số lượng thành viên của tỉnh bởi thế tuy ít hơn nhưng thực chất vẫn đảm bảo phủ kín toàn bộ trên địa bàn. Mọi thứ đều tự nguyện, ai không thích vào HTX thì không ép.
Nhược điểm của cách làm này là có một số HTX chưa thực hiện được 5 nội dung trên mà nhất là nội dung cuối cùng là vốn góp của thành viên. Chưa mở được nhiều dịch vụ theo kỳ vọng nhưng so với trước có khá hơn, thể hiện qua các dịch vụ tăng lên một chút, trước trung bình 4 - 5 dịch vụ, giờ 5 - 6 dịch vụ. Tuy nhiên, năng lực trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, bộ máy còn đông và cồng kềnh, thu nhập của người lao động còn thấp”.
Hiện toàn tỉnh Nam Định chỉ còn sót lại 2 HTX là Giao Xuân và Bạch Long của huyện Giao Thủy chưa chuyển đổi xong theo luật mới năm 2012 vì dây dưa chuyện công nợ.
Tiêu chí đánh giá, phân loại vẫn còn vấn đề
Theo ông Đinh Văn Lãng - Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, về đánh giá phân loại HTX, nếu đúng quy định, thì có các tiêu chí cẩn thận chứ không phải là cảm tính. Việc này giao cho các HTX tự rà soát, đánh giá, căn cứ vào các tiêu chí cụ thể rồi gửi lên phòng chuyên môn của huyện. Huyện lại tập hợp rồi gửi lên tỉnh.
“Được một hai năm đầu làm chặt chẽ nhưng về sau cũng thấy chủ quan và quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cũng có hạn chế. Theo chủ quan của tôi, kết quả phân loại HTX chỉ chuẩn được cỡ 70% so với con số được báo cáo.
Trong 321 HTX cũ thì chuyển đổi, tổ chức lại được 227 HTX, cộng với số HTX mới thành lập (tính cả số HTX xóa đi lập lại của huyện Hải Hậu) nên hiện nay tỉnh Nam Định có 362 HTX. Trong số thành lập mới, số chuyên ngành khá ít, chỉ cỡ 50 HTX. Tiêu chí cũng không rõ lắm như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… nhưng theo hướng dẫn trước đây, trừ HTX tổng hợp ra đều là HTX chuyên ngành cả, bởi thế một số địa phương chủ yếu trồng lúa đã xếp hết HTX của mình vào loại chuyên ngành trồng trọt.
HTX thành lập mới bên cạnh một số năng động vẫn còn cỡ 7 - 10 HTX mang tính hình thức, đăng ký xong không hoạt động. Có ba huyện HTX nề nếp, khá hơn cả là Nghĩa Hưng, Vụ Bản và Trực Ninh. Còn Hải Hậu, trước đây phong trào HTX ở đây mạnh nhất nhì tỉnh nhưng giờ theo tôi chỉ ở mức trung bình”.
Vân Đình