| Hotline: 0983.970.780

‘Thay máu’ HTX nông nghiệp kiểu cũ: Hai thái cực đối lập ở Nam Trực

Thứ Tư 03/11/2021 , 08:04 (GMT+7)

Khi tôi hỏi về chủ đề HTX nông nghiệp, như được khơi đúng mạch, anh Vũ Văn Thắng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực đã ‘tuôn’ ra ào ào những tâm tư…

Lý luận và thực tiễn

Anh Thắng kể, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) có 30 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, việc chuyển đổi theo luật năm 2012 không có gì khác biệt về bản chất cả. HTX nông nghiệp mang tính toàn dân (nhà nào có ruộng đương nhiên là thành viên), mang tính phục vụ là chính, giờ theo luật mới lại mang tính dịch vụ là chính nên có những điều chưa hợp.

"Cách xếp hạng HTX vừa qua theo tôi không chính xác mà phải đi sâu vào hoạt động của nó. Đánh giá một cách khách quan theo tôi khoảng 20 HTX trong huyện là yếu, còn lại là trung bình và khá mà khá nhất là HTX Nam Thành, cán bộ của tôi sẽ dẫn anh xuống.

Hầu hết các HTX không hoạt động được, không phát huy vai trò theo luật mới vì làm dịch vụ là chính mà các dịch vụ này tư nhân bên ngoài làm được hết trừ mỗi dịch vụ nước, phải thông qua hệ thống kênh mương của xã mà tư nhân không thể ký hợp đồng được. Tất cả các dịch vụ khác hầu như HTX không làm được nên không có nguồn thu, lương tháng được vài trăm ngàn đến 1 triệu nên cán bộ không thiết tha gì.  

Anh Vũ Văn Thắng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Văn Thắng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở tỉnh Nam Định có huyện Hải Hậu làm cuộc xóa đi, lập mới toàn bộ HTX, có điều tốt là thay đổi về con người nhưng thay đổi về cơ chế mới là quan trọng. Cơ chế bây giờ là HTX làm dịch vụ, mà chủ yếu là dịch vụ nước bắt buộc dân phải dùng, chỉ làm mỗi thứ đó thì không ăn thua. Để thay đổi, phải khuyến khích được sự tích tụ ruộng đất, những hộ có không có nhu cầu thì phải có cơ chế để họ chuyển lại cho hộ khác hoặc doanh nghiệp.

Làm lớn mới có điều kiện để đầu tư cả đầu vào lẫn đầu ra. Thứ hai là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào. Thứ ba là hỗ trợ cho những người tích tụ qua vay vốn hay cơ chế đất đai thông thoáng hơn, hạn điền phải được nâng lên...”.

Tôi hỏi anh Thắng, sao các HTX trên địa bàn không làm dịch vụ đầu ra vì nó giúp tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tăng vai trò của HTX với nông dân? Anh trả lời, cái đó là lý luận, còn đến thực tiễn là một khoảng cách: “Bản chất của nông dân miền Bắc nói chung, Nam Định nói riêng là mỗi nhà có vài ba sào ruộng, sản xuất manh mún cho nên cái gia tăng nếu có cũng không đáng bao nhiêu cả. Người ta làm ruộng để nuôi sống gia đình là chính, dư thừa mới đem ra ngoài bán”…

“Những HTX nào có cơ sở vật chất, có vốn, lãnh đạo có trình độ, đam mê thì có thể hoạt động. Còn những HTX khác vốn không có, dân không thiết tha gì làm ruộng, cán bộ không thiết tha gì chỉ đạo thì rất khó bởi thành viên giờ không còn đóng thóc trên đầu sào ruộng để nuôi bộ máy HTX nữa mà làm dịch vụ nào thì trả tiền dịch vụ đó”, anh Vũ Văn Thắng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực.

Ông Đỗ Khắc Dũng - Giám đốc HTX Nam Thành kiểm tra hiện tượng 'lúa ma'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đỗ Khắc Dũng - Giám đốc HTX Nam Thành kiểm tra hiện tượng "lúa ma". Ảnh: Dương Đình Tường.

Nơi mạnh nhất và nơi trung bình

Tôi xuống xã Đồng Sơn để gặp ông Đỗ Khắc Dũng - Giám đốc HTX Nam Thành nơi đang quản lý 368ha với 1.443 thành viên. Ông thẳng băng rằng có nhiều HTX tiếng là đổi mới theo luật nhưng chỉ đổi mỗi cái tên còn hoạt động chẳng có gì mới. Họ chỉ thu phí của thành viên mà không phát triển thêm được dịch vụ gì, không giúp ích gì cho bà con cả.

HTX Nam Thành dám đổi mới trước cả khi bắt buộc phải chuyển đổi theo luật. Bắt đầu từ năm 2014 HTX đã đi tìm đối tác trong và ngoài tỉnh, cuối cùng thì chọn liên kết với Công ty Toản Xuân từ bấy đến giờ để làm lúa thương phẩm. Công ty đầu tư giống, phân bón, còn thuốc sâu HTX cung cấp, đến mùa bà con bán thóc tươi tại bờ với giá trên 8.000 đồng/kg. Năm đầu tiên được hơn 10ha, dần nâng lên hơn 100ha, chủ yếu cấy ST 24, ST25. 

“Xã Đồng Sơn có cả ngàn người đi bán phở khắp Nam Bắc nên thừa ra nhiều ruộng để cho các hộ khác mượn, thường với thời hạn 5 năm. Có 10 nhà nhờ thế đã tích tụ được từ 3ha đến hơn 10ha... Bộ máy của HTX có 5 người và 7 tổ trưởng tổ dịch vụ kiêm kế toán các đội sản xuất. Hiện chúng tôi đang làm 8 dịch vụ, trong đó 3 dịch vụ thiết yếu là thủy nông, kiến thiết đồng ruộng (đường đi lối lại, bờ vùng bờ thửa), nạo vét kênh và 5 dịch vụ thỏa thuận là bao tiêu sản phẩm, diệt chuột, vật tư, thu hoạch, làm đất.

Ông Đỗ Khắc Dũng - Giám đốc HTX Nam Thành kiểm tra gạo sau xay xát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đỗ Khắc Dũng - Giám đốc HTX Nam Thành kiểm tra gạo sau xay xát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lãi mỗi năm của HTX khoảng 100 triệu, lương Giám đốc chỉ 2 triệu, Phó giám đốc, kế toán được 90 - 95%, các tổ trưởng được 50% mức đó nhưng ích lợi cho các thành viên thì khá lớn gồm giảm chi phí đầu vào, bao tiêu sản phẩm, giúp họ lãi gấp 3 lần so với bên ngoài. Cụ thể, 1 sào cấy liên kết với HTX được lãi 550.000 - 600.000 đồng trong khi cấy ngoài chỉ lãi 100.000 - 200.000 đồng, tính ra 100ha lãi thêm cỡ trên 1 tỉ mỗi vụ.

Trước làm đất tự do giá 100.000 đồng/sào, giờ giảm được 4.000 đồng/sào mà chất lượng còn tăng hơn nên 100% diện tích đều sử dụng dịch vụ này của HTX, giảm được cỡ 40 triệu mỗi vụ. Trước gặt máy tự do cỡ 100.000 đồng/sào, giờ giảm được 15.000 đồng/sào nên 100% diện tích sử dụng dịch vụ máy gặt liên kết với HTX, giảm được cỡ trên 100 triệu. Khoản dịch vụ vật tư của HTX tuy không chênh lệch giá so với ngoài nhưng được cái là hàng thật…”.

Tôi hỏi khi chuyển đổi theo luật mới, vốn của HTX cũng chỉ có hơn 100 triệu, vậy “tay không bắt giặc” thế nào? Ông Dũng cười: “Khi thấy cánh tư nhân làm đất với giá cao nhưng chất lượng kém, lại hay ép bà con vì đã “ăn chia” với một số người, chúng tôi xây dựng đề án làm đất tập trung rồi họp thành viên lại để tuyên truyền. Tập trung các máy đang có trên địa bàn, cắt lại một phần công cho các ông đội trưởng để họ phải giám sát, nâng cao chất lượng chứ không được làm tạp nhạp như trước. Dù HTX bỏ công điều hành việc này nhưng không thu một cái gì, để cho người dân hưởng lợi.

Chị Đoàn Thị Én - thành viên HTX Nam Thành đang khử lẫn 'lúa ma'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đoàn Thị Én - thành viên HTX Nam Thành đang khử lẫn "lúa ma". Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi không có một cái máy gặt nào cả, trả giá gặt thấp hơn bên ngoài 15.000 đồng/sào lại phải cắt lại cho HTX 5.100 đồng/sào để quản lý nhưng nhiều chủ máy ở khắp nơi, có người tận trong Tây Nguyên cũng muốn ký hợp đồng. Bởi vì, thứ nhất không mất tiền “cò”, thứ hai diện tích làm lớn, tập trung và ổn định, tính ra vẫn lãi hơn gặt bên ngoài.

Nói ra tưởng dễ nhưng thực ra trước khi thực hiện dịch vụ máy gặt tập trung chúng tôi đã trình đề án với UBND xã, xin công an hỗ trợ, bảo vệ trật tự. Máy nào muốn về gặt trên địa bàn HTX phải có hợp đồng, phải đặt cọc 15 triệu. Lập tức một số người xui bà con chống lại vì làm thế thì các ông ấy không tư túi được.

Lúc đầu chỉ có 4 đội sản xuất sử dụng dịch vụ của HTX nhưng chỉ sau 1 vụ, thấy vừa rẻ vừa tốt hơn nên cả 7 đội sản xuất đều vào hết. Còn kinh doanh vật tư, chúng tôi lấy nợ của công ty rồi bán cho dân thu tiền sau 1 vụ, công ty họ chấp nhận bởi HTX lấy số lượng lớn và trả đúng thời gian như thỏa thuận”.

Tôi cùng ông Dũng ra đồng để chứng kiến cảnh bà con đi khử đám “lúa ma” bị lẫn. Chị Đoàn Thị Én - thành viên HTX ngơi tay liềm, tươi cười bảo, từ hồi có máy gặt, máy cày tập trung lại do HTX điều hành thì chi phí sản xuất rẻ hơn, lại được bao tiêu sản phẩm nên nhiều người thêm gắn bó.

Anh Vũ Văn Nghĩa - Phó giám đốc HTX Nam Dương đứng trong cửa hàng thuốc BVTV, nói: 'Thấy tôi làm bên HTX lương thấp mà cứ đi suốt nên vợ cứ cằn nhằn'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Văn Nghĩa - Phó giám đốc HTX Nam Dương đứng trong cửa hàng thuốc BVTV, nói: "Thấy tôi làm bên HTX lương thấp mà cứ đi suốt nên vợ cứ cằn nhằn". Ảnh: Dương Đình Tường.

Trái ngược với cảnh đông vui ở Nam Thành là cảnh hiu hắt của HTX Nam Dương. Anh Vũ Văn Nghĩa - Phó giám đốc HTX thì tâm tư, "dân giờ ít quan tâm đến đồng ruộng, có vụ còn bỏ hoang 200 - 300 mẫu, vận động mãi hiện vẫn bỏ cỡ 100 mẫu. Có 3 hộ xin mượn được 60 mẫu đất hoang này để sản xuất lớn, đang ngon trớn thì có nguy cơ bị đòi lại… Chúng tôi giờ cố duy trì cửa hàng vật tư, bán mang tính chính trị, bình ổn là chính nhưng không có nó là các đại lý tăng giá ngay. Hiện mấy chục km kênh mương HTX quản lý thiếu tiền tu bổ, nhiều chỗ sạt lở mà đành bất lực”.

Nam Dương vẫn chưa phải là HTX dạng kém nhất của huyện Nam Trực bởi dù sao vẫn hoạt động, còn một số khác gần như đã bất động hoàn toàn.  

“Tuy chẳng mấy khi có việc nhưng ngày hai buổi tôi vẫn ra trụ sở, thậm chí cả thứ bảy, chủ nhật khiến cho vợ cằn nhằn vì thu nhập thấp. Rồi thì nước ngập hay hạn bà con chửi, nông sản không bán được bà con trách”, anh Vũ Văn Nghĩa - Phó giám đốc HTX Nam Dương nói.

"Tôi làm hết khóa này rồi thôi..."

Anh Hoàng Văn Tạ khi đang làm Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã thì được điều sang làm Giám đốc HTX Nam Dương chuyển đổi theo luật mới, quản lý 374ha đất và 2.260 hộ nông dân.

Sau khi bị lấy mất trụ sở, xã bù cho HTX 3 phòng làm trụ sở mới và vừa rồi tỉnh lại xây cho 1 gian hàng để kinh doanh vật tư. Anh Tạ kể: “Vốn lúc chuyển đổi từ HTX cũ sang mới có 250 triệu. Đồng đất của xã chia ra hai vùng lúa và màu, chúng tôi từng hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất khoai tây nhưng được 1 vụ là họ bỏ đi mất; Làm cửa hàng bán vật tư thì không lại với tư nhân khi mình bán “tiền tươi” còn họ cho chịu.

Trên địa bàn có 10 đại lý thuốc BVTV, hơn 10 chủ máy cày, máy gặt nên cạnh tranh rất mạnh. Lúc trước, khi HTX còn làm được 4 dịch vụ gồm dẫn nước, điều hành sản xuất, kiến thiết đồng ruộng, BVTV thì mỗi năm thu được cỡ 200 triệu, lương Giám đốc được 1,5 triệu, các chức danh khác 80 - 90%, 14 đội trưởng được 50% mức ấy. Giờ chỉ làm 2 dịch vụ là dẫn nước và kiến thiết đồng ruộng nên mỗi năm HTX chỉ thu được cỡ 100 triệu… Tôi làm hết khóa này rồi thôi nhưng giờ cán bộ xã nào nghe nói bị điều về HTX là ngán hết”.

Vân Đình

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.