| Hotline: 0983.970.780

'Thay máu' HTX nông nghiệp kiểu cũ: Xóa đi, đánh lại ván mới ở Hải Hậu

Thứ Năm 04/11/2021 , 09:08 (GMT+7)

Hơn 6 năm trước huyện Hải Hậu (Nam Định) khiến cho cả tỉnh và Trung ương phải giật mình bởi cách làm có một không hai, giải thể tất các HTX rồi thành lập mới...

Tiếng sấm giữa trời quang

Tiếng sấm giữa trời quang đó khiến cho bản thân huyện khi ấy cũng chịu nhiều sức ép. Trước đây Hải Hậu có 54 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, khi áp dụng luật mới năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đại hội đại biểu xã viên kết thúc nhiệm kỳ 2009 - 2015, cho 2 phương hướng là giải tán hoặc chuyển đổi HTX. Tất cả các xã đều đồng tình với cách giải tán và tuyên truyền để cho các HTX tự nguyện làm việc này.

Trụ sở, nhà kho, sân phơi giao lại cho xã, vốn chia lại cho bà con tính theo đầu sào ruộng hoặc giao cho xóm, đội đầu tư lại kênh mương. Sau đó vài tháng, các xã thành lập HTX mới, lúc đầu chủ yếu là những cán bộ HTX cũ nhưng vẫn còn thiết tha, dần dà có người mới xung phong ra “đứng mũi chịu sào”.

Hệ thống kênh mương của HTX Đông Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hệ thống kênh mương của HTX Đông Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo báo cáo của huyện, sau 2 năm thực hiện luật mới, các HTX chủ yếu tham gia cung ứng 2 dịch vụ là vật tư nông nghiệp và thủy nông. Tuy nhiên, khả năng cung cũng chỉ ở mức độ hạn chế: Vật tư mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, thủy nông đáp ứng được 63% diện tích.

Các dịch vụ thiết yếu còn lại như diệt chuột, kiến thiết đồng ruộng, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm và các dịch vụ khác ở mức độ rất hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các HTX chưa đạt hiệu quả cao gồm: Một là vốn góp của các thành viên tham gia HTX thấp hoặc chưa góp dẫn đến nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh hạn chế.

Hai là, tại một số HTX, Hội đồng quản trị chưa có ý thức trách nhiệm cao trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, chậm đổi mới, một số còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước.

Ba là, đa số các HTX chưa có trụ sở, đất đai, nhà kho, cửa hàng, chưa có hợp đồng liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Do đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tín dụng...

Bốn là, một số Ban Nông nghiệp xã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Theo quy định Ban Nông nghiệp xã chỉ có chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức sản xuất mà không được làm dịch vụ nhưng vẫn trực tiếp ký kết hợp đồng và chỉ đạo thực hiện các dịch vụ, “dẫm vào chân” của HTX.

Một nông dân già trên thửa ruộng trồng lá láng ở xã Hải Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nông dân già trên thửa ruộng trồng lá láng ở xã Hải Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến hết tháng 8/2021 huyện Hải Hậu đã có 60 HTX nông nghiệp trong đó đang hoạt động là 58, ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể là 2. Tổng thành viên của các HTX là 895 thành viên, giảm so với năm 2013 là 72.014 thành viên. Vốn điều lệ bình quân 677 triệu đồng/HTX và vẫn còn một số HTX có tình trạng thành viên chưa góp vốn.

Các HTX đã thực hiện được bình quân 5 - 6 loại dịch vụ (tăng 1 - 2 dịch vụ so với trước), có một số tổ chức được 9 - 10 loại dịch vụ, ngoài các dịch vụ thiết yếu còn bổ sung thêm dịch vụ vệ sinh môi trường, nước sạch. Theo ước lượng có 2/3 HTX hoạt động theo kiểu mới, năng động, dám mở rộng các dịch vụ còn 1/3 vẫn hoạt động theo nề thói cũ.

Tại huyện Hải Hậu, lợi nhuận bình quân là 48 triệu đồng/năm/HTX. Trong đó lợi nhuận chủ yếu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nội bộ trong các thành viên HTX, chiếm tới 98%, chỉ có 2% doanh thu, lợi nhuận là từ bên ngoài. Thu nhập bình quân của cán bộ, thành viên HTX là trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhớ cái trụ sở cũ, cái quỹ cũ

Tôi đến xã Hải Tây khi một lễ thành lập HTX chuyên ngành về chăn nuôi thủy sản đang cờ giong trống mở trong khi ngược lại là cảnh buồn bã của HTX Dịch vụ Nông nghiệp. Anh Lê Tiến Phi - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tây nhận định sau năm 2000 với cơ chế thị trường thì thói xin cho của HTX kiểu cũ không phù hợp, hoạt động lạc hậu, trì trệ chỉ trông vào các mô hình, dự án của Nhà nước nên phải giải thể.

Ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX Hải Tây đứng trước cửa hàng vật tư. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX Hải Tây đứng trước cửa hàng vật tư. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kho hợp tác và mảnh đất cỡ 400m2 trước UBND xã cho mượn phải trả lại để địa phương đấu giá. Lúc giải thể, HTX toàn xã cũ vẫn còn vốn lưu động trên 800 triệu, tích lũy từ nhiều năm, nhiều đời Chủ nhiệm, lớn vào dạng nhất nhì huyện. Quỹ này cũng trả lại xã để kiến thiết đồng ruộng vì chia cho xã viên thì chẳng thấm tháp vào đâu.

Khi thành lập HTX mới nhưng những người có khả năng, có vốn, có tuổi trẻ lại không muốn vào gánh vác nên đành vận động chính những Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, kế toán... đã lớn tuổi của HTX cũ ra làm. HTX mới có 21 thành viên trong đó 5 người thuộc Hội đồng quản trị và 16 xóm trưởng để dễ nói chuyện với dân. Tổng vốn góp được 500 triệu, người thấp nhất 10 triệu, người cao nhất là Giám đốc 70 triệu.

Vốn mỏng, độ nhạy bén không có, HTX mở ra 3 cửa hàng kinh doanh vật tư thì giờ còn 1, mua 1 máy gặt làm dịch vụ nhưng không hoạt động được, làm đầu mối thu mua cà chua liên kết với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp bỏ cuộc giữa chừng. HTX hiện chỉ duy trì các dịch vụ thiết yếu như dẫn nước, diệt chuột, kiến thiết đồng ruộng. 

Cả một buổi chiều ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX dẫn tôi đi xem cánh đồng rau màu xen lúa với tổng diện tích 428ha của xã. Ngồi trong trụ sở mới được tỉnh hỗ trợ 300 triệu để xây, ông tâm sự. Trước HTX thu 6kg thóc/sào trong đó chi quản lý 2,1 kg/sào để nuôi bộ máy cùng với 800 triệu vốn dùng cho dân vay tín dụng được vài triệu lãi mỗi tháng, nói chung cũng dễ sống. Hồi ấy lương Chủ nhiệm là 900.000 đồng/tháng, sau khi thành lập HTX mới, bao năm giờ lương Giám đốc cũng chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX Hải Tây kiểm tra ruộng dưa của nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX Hải Tây kiểm tra ruộng dưa của nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khi tôi đem 70 triệu tích lũy ra để góp vốn vào HTX vợ con cũng càm ràm lắm nhưng nghĩ đến phương hướng làm ăn chung, lợi ích chung nên vẫn quyết. Giờ HTX kiểu mới của chúng tôi năng động hơn vì phải tự làm tự ăn, điều hành công việc cũng sát sao hơn trước. Nhưng hạn chế là cánh già như tôi năm nay đã 64 tuổi cũng muốn nghỉ mà vận động lớp trẻ họ lại không muốn vào HTX.

Buôn bán vật tư thì không cạnh tranh được với 20 đại lý đang có trong xã. Mức thu dịch vụ thủy nông quá thấp, chỉ 7.000 đồng/sào, HTX muốn nâng lên bởi mức trần huyện quy định là 18.000 đồng/sào nhưng nói mãi xã không duyệt, đầu năm rồi mới chấp nhận 12.000 đồng/sào. Mức thu kiến thiết đồng ruộng cũng như vậy.

Thêm vào đó diện tích lúa mỗi ngày một giảm còn diện tích trồng màu cũng muốn vươn ra thị trường nhưng nhiều lúc sản xuất giá nông sản rẻ thì dân bán cho HTX, đắt lại bán ra ngoài”.

“HTX ngày nay đang hoạt động khó khăn nên nắm lúc tôi ngồi nghĩ cũng tiếc cái trụ sở của HTX cũ, số vốn của HTX cũ”, ông Bùi Duy Thanh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Tây chia sẻ.

Cùng xuất phát điểm giống nhau, vốn là những HTX mạnh, có quỹ lớn như Hải Tây nhưng Đông Tiến ở xã Hải Đông sau khi giải thể và thành lập mới lại thuộc top tốt nhất huyện.

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Đông Tiến (bên trái) thăm đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Đông Tiến (bên trái) thăm đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban nông nghiệp xã Hải Tây lý giải: “Đã đẻ con ra thì phải nuôi nên khi HTX cũ giải thể, bàn giao cơ sở vật chất cho xã, HTX mới thành lập chúng tôi lại cho mượn để hoạt động. Xã vẫn khuyến khích HTX các dịch vụ như cũ và tuyên truyền cho người dân sử dụng các dịch vụ này”.

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Tiến trước vốn là Phó Chủ nhiệm HTX cũ thì kể: Vốn của HTX cũ có trên 500 triệu lúc giải thể chúng tôi trả lại hết cho dân, chia theo đầu sào, nhà nào nhiều ruộng thì được nhiều, nhà nào ít ruộng thì được ít. Mấy tháng sau, HTX mới thành lập với 19 thành viên, người ít góp vốn 10 triệu, người nhiều 50 triệu.

Ngoài duy trì các dịch vụ cũ như thủy lợi nội đồng, diệt chuột, cung ứng vật tư, phân bón HTX còn mở rộng dịch vụ liên kết với Thaibinh Seed mỗi vụ sản xuất 40 - 50ha lúa giống. Người dân được lợi là khi thóc ngoài thị trường bán 7.000 đồng/kg thì thóc giống bán được 9.000 đồng/kg, còn HTX được lợi từ phí 350 đồng/kg và có trách nhiệm chỉ đạo từ khi cấy đến khi lúa lên xe, mỗi năm cung ứng từ 200 - 300 tấn giống.

Vốn quỹ của HTX ngày càng tăng, tổng thu năm ngoái được hơn 3,6 tỉ, lãi 114 triệu. Sau khi trích lại các quỹ và dự phòng, HTX trả lãi 1%/tháng vốn góp cổ phần, công được trên 200.000 đồng/ngày, thu nhập của Giám đốc được trên 2 triệu/tháng (HTX cũ chỉ được 500.000 đồng/tháng), các chức danh được cỡ 80 - 90% mức đó. Ngoài ra khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, các thành viên còn được chia tiếp lãi trên số cổ phần góp vốn. 

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Đông Tiến (phải) kiểm tra lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Đông Tiến (phải) kiểm tra lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Có góp vốn nên trách nhiệm của các thành viên được thể hiện rất rõ trong từng vai trò, vị trí được phân công. HTX còn có một đội thủy nông chuyên gồm 15 người phân ra 15 vùng theo từng khu vực, từng cánh đồng để tiện theo dõi giám sát chất lượng công việc làm dịch vụ cho dân”.

Anh Trần Đình Đề - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Tiến

Đặc thù của Nam Định

Nam Định có một đặc thù là Ban Nông nghiệp xã gồm Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, cán bộ địa chính xã làm Phó ban, hai chức danh này không hưởng lương. Ngoài ra còn có các cán bộ chuyên môn về thú y, thủy sản, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm được hưởng phụ cấp trên dưới 1 triệu/tháng. Trước HTX cũ có chức năng chỉ đạo sản xuất, từ năm 2009 khi có Ban Nông nghiệp xã thì có phần chồng chéo nhau về chức năng. Về sau này thì chỉ đạo sản xuất do Ban Nông nghiệp xã còn làm dịch vụ do HTX.

Tuy nhiên vẫn còn có một số điều tồn tại ở chất lượng dịch vụ và một số cán bộ quản lý của HTX tuổi tác cao, không được đào tạo cơ bản, có lúc ngại khó, ngại việc…

Vân Đình

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…