Theo thống kê của FAO, giá dầu ăn các loại đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2, sau đó tiếp tục tăng lên 23% vào tháng 3 và hiện vẫn chưa dừng lại.
Ghi nhận của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giá dầu đậu nành vào năm 2019 được bán trung bình với giá 765 USD/tấn, nhưng tính đến đầu tháng 3 năm nay đã lên mức trung bình 1.957 USD/tấn. Trong khi đó giá dầu cọ hiện đã tăng 200% và có khả năng còn tăng hơn nữa sau khi Indonesia, một trong những nhà sản xuất dầu ăn hàng đầu thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu bắt đầu từ ngày 22/4 để bảo vệ nguồn cung trong nước.
Hiện các siêu thị ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải áp đặt giới hạn số lượng đối với khách hàng, nhằm đối phó với những lo ngại về tình trạng thiếu hụt làm dấy lên làn sóng mua hàng hoảng loạn.
Tương tự, nhiều cửa hàng bán lẻ ở Tây Ban Nha, Ý và Vương quốc Anh cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát người tiêu dùng mua tích trữ dầu ăn. Còn những người dân đi mua sắm ở Đức tức tối đăng những tấm ảnh lên mạng xã hội phàn nàn về các kệ hàng trống trơn, nơi trước đây thường là chỗ của những chai dầu hướng dương và hạt cải dầu.
Trong một tweet gần đây, công ty điện lực nhà nước Kenya đã cảnh báo rằng những kẻ trộm đã viếng thăm các kho dự trữ dầu thực vật để đánh cắp nguồn chất lỏng độc hại từ các máy chuyển đổi và bán lại nó dưới dạng dầu ăn.
“Chúng ta sẽ đành phải ăn đồ luộc mọi món ngay bây giờ. Những ngày của món rán đã không còn nữa”, người tiêu dùng tên Glaudina Nyoni than thở như vậy trong khi xem giá dầu ăn niêm yết tại một siêu thị ở thủ đô Harare của Zimbabwe, nơi giá dầu thực vật đã tăng gần gấp đôi kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ hôm 24/2. Một chai dầu ăn 2 lít bây giờ đã có giá lên đến 9 USD.
Trong khi đó, bà Emiwati, chủ một nhà hàng ở thủ đô Jakarta (Indonesia) thì cho biết, gia đình bà cần tới 24 lít dầu ăn mỗi ngày để phục vụ khách hàng món cơm chiên nasi kapau truyền thống. Kể từ đầu năm nay, bà đã đối mặt rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung dầu ăn thường xuyên cho nhà hàng và hệ quả là giá mỗi ngày một thêm đắt đỏ, khiến lợi nhuận giảm, nhưng lại sợ mất khách nếu tăng giá.
“Chúng tôi chấp nhận giá dầu ăn tăng, nhưng không thể tăng giá các loại thực phẩm mà chúng tôi bán”, bà Emiwati buồn bã nói.
Giá dầu ăn tăng cao một phần là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình gần đây ở thủ đô của Indonesia, khiến chính quyền phải áp đặt giới hạn giá dầu cọ trong nước và cấm xuất khẩu, tạo ra một sức ép mới trên quy mô thế giới. Số là dầu cọ được coi là loại dầu ăn thay thế cho dầu hướng dương và được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ bánh quy đến mỹ phẩm.
Anh Yawar Khan, chủ nhà hàng Akash Tandoori ở thủ đô London (Vương quốc Anh) cho biết, cách nay ba tháng một thùng dầu ăn 20 lít mới chỉ có giá 22 bảng (28 USD) nhưng bây giờ đã là 38 bảng (49 USD). “Nhà hàng chúng tôi không thể nào chuyển tất cả chi phí (tăng) đến người tiêu dùng bởi điều đó sẽ gây ra thảm họa”, anh Khan cho biết.
Thậm chí ngay cả các công ty lớn cũng đang cảm thấy đau đớn vì thiếu nguyên liệu. Tập đoàn Unilever có trụ sở tại London - nhà sản xuất xà phòng Dove và mayonnaise Hellmann cho biết, dù họ đã ký hợp đồng mua các nguyên liệu quan trọng như dầu cọ trong nửa đầu năm nay. Nhưng hãng này cảnh báo các nhà đầu tư rằng, giá dầu cọ sẽ có thể tăng đáng kể trong nửa cuối năm vì khan hiếm.
Cargill, một gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu sản xuất dầu thực vật cho biết, khách hàng của họ đang phải thay đổi công thức và thử nghiệm phối trộn các loại dầu khác nhau với tỷ lệ cao hơn bình thường. Điều này có thể sẽ phức tạp vì các loại dầu có các đặc tính khác nhau: Ví dụ, dầu ô liu cháy ở nhiệt độ thấp hơn dầu hướng dương, trong khi dầu cọ lại nhiều nhớt hơn.
Joseph Glauber, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế có vẻ lạc quan khi cho biết, giá dầu ăn có thể sẽ giảm xuống vào mùa thu này, khi nông dân ở Bắc bán cầu thu hoạch ngô, đậu nành và các loại cây trồng khác. Tuy nhiên mùa vụ sẽ luôn có rủi ro vì nguy cơ đối mặt với thời tiết xấu, giống như năm ngoái hạn hán đã ảnh hưởng đến năng suất cải dầu của Canada và đậu tương của Brazil, trong khi mưa lớn ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ ở Malaysia.
Steve Mathews, trưởng nhóm nghiên cứu của hãng Gro Intelligence, một công ty phân tích và dữ liệu nông nghiệp cho biết, nông dân có thể do dự trong việc sản xuất đủ cây trồng để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Ukraine hoặc Nga vì họ không thể biết khi nào chiến tranh mới kết thúc.
“Nếu có một lệnh ngừng bắn hoặc điều gì đó tương tự, chúng tôi chắc chắn sẽ nhìn thấy giá giảm trong ngắn hạn”, ông Steve nói và dự đoán về lâu dài, cuộc khủng hoảng dầu ăn có thể khiến các nước buộc phải xem xét lại các chính sách về nhiên liệu sinh học, trong đó quy định lượng dầu thực vật phải được pha trộn với các loại nhiên liệu khác nhằm cắt giảm lượng khí thải và nhập khẩu năng lượng. Ở Mỹ, ví dụ, 42% dầu đậu nành được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, ông Glauber nói. Indonesia gần đây đã trì hoãn kế hoạch yêu cầu dầu diesel sinh học 40% làm từ dầu cọ, trong khi Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên lựa chọn giảm các tiêu chuẩn về nhiên liệu sinh học.