| Hotline: 0983.970.780

Thế giới ngưỡng mộ đại tướng

Thứ Hai 07/10/2013 , 09:08 (GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như một trong những thiên tài quân sự thế giới thế kỷ 20, người lãnh đạo quân đội VN chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh, đem lại tự do cho dân tộc. Truyền thông quốc tế trang trọng đưa tin ông qua đời vào ngày 4/10 vừa qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như một trong những thiên tài quân sự thế giới thế kỷ 20, người lãnh đạo quân đội VN chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh, đem lại tự do cho dân tộc.

Truyền thông quốc tế trang trọng đưa tin ông qua đời vào ngày 4/10 vừa qua.

Thiên tài quân sự

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đã dành một dung lượng lớn để viết về cuộc đời và các chiến công hiển hách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Trong sự nghiệp của mình, tướng Giáp đã chỉ huy hàng triệu quân nhân trong các đơn vị chính quy, đứng sau là du kích địa phương và dân quân tự vệ ở các ngôi làng nằm trên khắp VN. Ông đã đi tới các khu vực hẻo lánh nhất trong nhiệm vụ tuyển quân và ông đã học hỏi nghệ thuật chiến tranh theo cách thức cổ điển - thông qua chiến đấu. Ông đã phát động đủ dạng chiến tranh: Các cuộc tấn công du kích, chiến đấu trực diện trên chiến trường, đánh bom”.

Dẫn lại chiến thắng Điện Biên Phủ của VN năm 1954, AFP ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như kiến trúc sư trưởng của chiến dịch, ví ông như “Napoleon”. Chiến thắng Điện Biên Phủ “không chỉ đem lại độc lập cho VN mà còn dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa Đông Dương cũng như trên toàn thế giới”, AFP viết.

“Không cuộc chiến nào khó khăn và gây nên nhiều mất mát như cuộc chiến giải phóng dân tộc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu vì với VN, không có gì quý hơn độc lập, tự do”, AFP trích phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 ngày giải phóng Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng

Nhiều tờ báo khác của Pháp cũng ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Le Parisien đánh giá tướng Giáp là “nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của lịch sử, một trong những gương mặt nổi bật nhất của VN, chỉ đứng sau người thầy của ông, lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tên tuổi và ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “đã vượt qua biên giới lãnh thổ VN, trở thành nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria”.


Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro thăm tướng Giáp tại nhà riêng ngày 22/2/2003

Tờ Le Monde trong khi đó nhấn mạnh vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954. Theo Le Monde, việc đánh sụp cứ điểm Điện Biên Phủ và sau đó là thất thủ của chế độ Sài Gòn năm 1975 là hai chiến công hiển hách nhất của vị Đại tướng lừng danh. Tờ này ca ngợi chiến thuật Đại tướng Võ Nguyên Giáp áp dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ quyết định hoãn tấn công theo ngày giờ đã định trước, rút quân và kéo pháo khỏi trận địa đến việc thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

Telegraph (Anh) thì viết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là viên tướng lừng lẫy của VN, người “đã khiến cả 3 cường quốc Nhật Bản, Pháp và Mỹ phải rút khỏi đất nước ông”. Tờ Bloomberg (Australia) cũng dành một dung lượng lớn đăng lại tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gọi ông là người đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ kéo dài gần một thế kỷ của Pháp tại VN.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo ngày 18/4/2005 tại Hà Nội

Hầu hết các trang báo điện tử tại Italy đều ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng dân tộc của VN. Tại Đức, tờ Thời đại đã bày tỏ niềm tiếc thương với tiêu đề “Người thắng cuộc ở Điện Biên Phủ đã qua đời”. Báo chí các quốc gia châu Á và phương Tây cũng đồng loạt đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, giải thoát VN khỏi ách đô hộ của Pháp và sau đó, đánh bại Mỹ để thống nhất đất nước.

Vị tướng của hòa bình

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, một nhà chiến lược quân sự tài ba, người từng nói với tôi rằng chúng ta là “kẻ thù danh dự” của nhau”. AFP trích lại bình luận của thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Ông John McCain từng là cựu phi công Mỹ bị cầm tù trong chiến tranh VN.

Báo chí Anh - Mỹ cuối tuần qua cũng đồng loạt đưa tin về sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Reuters viết, đối với các sử gia thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví ngang với những danh tướng lừng lẫy thế kỷ 20 như Montgomery, Rommel hay McAthur. Ông là một huyền thoại “đứng thứ hai chỉ sau lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh”. Reuters trích lại phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đầu hàng không có trong từ vựng của tôi. Bất kỳ cuộc đấu tranh quân sự nào vì tự do cũng có năng lượng sáng tạo để đạt được những điều mà kẻ địch không bao giờ có thể ngờ tới, hoặc tưởng tượng ra”.

Los Angeles Times viết: “Từ Điện Biên Phủ tới Khe Sanh cho đến Tết Mậu thân 1968, tên của ông đồng hành với các trận chiến đã xác định lại một chương của lịch sử thế giới và giúp thúc đẩy các phong trào giải phóng dân tộc”.

PRI đánh giá “không thể tranh cãi việc tướng Giáp là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20, dù ông từng là kẻ thù của Mỹ”.

The New York Time mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lôi cuốn, hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể thúc đẩy tinh thần chiến đấu của quân sĩ nhờ chính cảm hứng và sức hút của bản thân.

Đài truyền hình Cuba đăng tải những hình ảnh tư liệu về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cuộc gặp gỡ của ông với Chủ tịch Cuba Fidel Castro và cố Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, và bình luận rằng sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với người dân VN và hàng triệu người hâm mộ trên thế giới.


Đại tướng và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại nhà riêng nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Venezuela ngày 1/8/2006 tại Hà Nội

Trong bản tin “Tướng Võ Nguyên Giáp của VN, người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ qua đời”, hãng thông tấn BBC (Anh) đã đánh giá, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đưa ông trở thành vị chỉ huy quân sự đầu tiên của châu Á đánh thắng một thế lực phương Tây tầm cỡ. “Ông còn nổi tiếng khắp thế giới bởi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, điểm mốc quan trọng dẫn tới sự thất bại của Mỹ tại VN”.

Stanley Karnow, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, chuyên nghiên cứu về chiến tranh VN là người có duyên may tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Los Angeles Time trong bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trích lại chia sẻ của ông với Stanley Karnow. “Nếu tôi không trở thành một người lính, tôi có thể vẫn là một thầy giáo, có thể là môn triết học hoặc lịch sử. Gần đây có người hỏi rằng khi mới thành lập quân đội, có bao giờ tôi tưởng tượng mình sẽ chiến đấu chống người Mỹ. Một câu hỏi ngớ ngẩn! Liệu khi đó người Mỹ có tưởng tượng rằng ngày nào đó họ sẽ phải chiến đấu chống lại chúng tôi?”.

Nhà báo Martin Petty của Reuters vẫn nhớ như in cuộc phỏng vấn ông năm 2004 tại nhà riêng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã nhắc lại kỷ niệm trong chuyến công du Liên hợp quốc năm 2004. Ông đã được đưa một quyển sách để ký tên.

“Tôi đã viết… và ký Võ Nguyên Giáp, tướng của Hòa Bình”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm