Thế trận toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng đã chứng minh sức mạnh đáng tự hào trong cuộc chiến chống tham nhũng nhiều năm gần đây. Di sản nổi bật của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải kể đến những thành tựu chống tham nhũng. Vì vậy, vừa được bầu chọn làm người kế nhiệm vị trí Tổng Bí thư, Đại tướng Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm theo đuổi tinh thần chống tham nhũng tại buổi họp báo quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, giải pháp như thời gian trước đây. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.
Ngay tại Hội nghị Trung ương diễn ra hai ngày 3 và 4/8, bốn cán bộ cấp cao đã được cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Như vậy, tính từ đầu Đại hội 13 của Đảng đến nay, đã có 18 Ủy viên Trung ương Đảng bị bãi miễn tư cách Ủy viên Trung ương Đảng và 8 Ủy viên Trung ương Đảng bị khởi tố, bắt giam.
Chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh thường xuyên và lâu dài. Bên cạnh vai trò vô cùng quan trọng của Tổng Bí thư, vẫn rất cần củng cố thế trận toàn dân nhằm “đào tận gốc, trốc tận rễ” tệ nạn nguy hiểm này. Mục tiêu rõ ràng và giải pháp cụ thể của chiến dịch chống tham nhũng, nhận được sự đồng thuận xã hội mà tạo nên thế trận toàn dân. Thực tế đã chứng minh, trình độ và khả năng của các lực lượng chức năng đã được tăng cường vượt trội, nhờ thiện chí tận dụng tai mắt quần chúng khắp nơi.
Tuy nhiên, “phương châm không ngừng, không nghỉ” trong cuộc chiến chống tham nhũng mà tân Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, có lẽ phải có thêm sự trợ lực truyền thông để “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Giá trị truyền thông chỉ mới góp vào thế trận toàn dân bằng tin tức báo chí, mà lại thưa vắng những loại hình nghệ thuật rung động sâu lắng để cảm hóa nhân tâm. Chống tham nhũng đâu chỉ nhằm thanh trừng tức thời, mà còn hướng đến ngăn ngừa động cơ. Chống tham nhũng càng hiệu quả hơn, khi mỗi người hình thành ý thức cảnh giác từng hành vi khuất tất và khinh bỉ từng suy nghĩ bất lương.
Từ văn học, sân khấu đến điện ảnh, truyền hình của nước ta đang quá ít ỏi những tác phẩm trực diện chống tham nhũng. Muốn xây dựng bền vững thế trận toàn dân chống tham nhũng, không thể kêu gọi sự can đảm hay sự cống hiến một cách chung chung, mà hãy chủ động “đặt hàng” cho các tác giả thiết tha với vận mệnh Tổ quốc trước hiểm họa “nội xâm”.
Thử nhìn sang nước bạn Trung Quốc sẽ thấy, trong quá trình “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” của họ, có rất nhiều tác phẩm trứ danh như “Bí thư Tỉnh ủy”, “Đoàn xe cơ quan”, “Tiểu nhân đắc chí”, “Sông lớn chảy về phía đông”…