| Hotline: 0983.970.780

'Thẻ vàng' là cơ hội để Việt Nam phát triển nghề cá bền vững

Thứ Tư 31/10/2018 , 06:40 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các công cụ pháp lý, các quy định pháp luật và đã thực thi nghiêm ngặt các quy định liên quan tới công tác quản lí, cấp phép...

17-17-16_img_5404
Phái đoàn Nghị viện Châu Âu làm việc với Bộ NN-PTNT

Tại buổi làm việc với đoàn Ủy ban Nghề cá, Nghị viện Châu Âu ngày 30/10 về việc kiểm tra công tác triển khai chống đánh bắt IUU của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tái nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, coi việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm.
 

Vì sự phát triển chung của đại dương

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thủy sản là một trong những nguồn lợi quan trọng của đại dương mang lại cho con người. Tuy nhiên, nếu không biết cách khai thác một cách bền vững thì chính loài người sẽ hủy diệt tài nguyên thủy sản biển. Từ năm 2010, EU đã đưa ra những nguyên lí, chế tài để từng bước bảo vệ và phục hồi nguồn tài nguyên hải sản biển. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, đã có 25 quốc gia trên thế giới bị EU áp dụng chế tài về chống đánh bắt IUU. Đây chính là công cụ thương mại giúp cho việc chấn chỉnh một cách minh bạch, bền vững trong quản lí tài nguyên hải sản của đại dương.

Bộ trưởng cho rằng: Hiện nay, 28 quốc gia của EU là những quốc gia biển. Thế kỷ 21 cũng là thế kỷ của đại dương. Vì vậy, các chế tài về chống đánh bắt IUU mà các quốc gia biển của EU đã đưa ra là rất tốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thế giới đại dương. Những khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU cũng là điều rất trúng, rất khách quan và có trách nhiệm đối với hoạt động nghề cá tại Việt Nam.

Trên tinh thần đó, ngay sau khi EC có quyết định rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam về chống đánh bắt IUU (ngày 23/10/2016), Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương liên quan và cả hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc quyết liệt, với nhận thức rõ và coi đây là vấn đề cần phải kiên quyết thực hiện. Bởi đó cũng là những vấn đề rất phù hợp với Việt Nam để có nghề cá bền vững, là điều có lợi cho chính người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ mai sau...

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi ban hành Luật Thủy sản, trên cơ sở bám vào 9 nội dung khuyến nghị về chống đánh bắt IUU mà EC đưa ra đối với Việt Nam, và đã được Quốc hội chính thức thông qua. Triển khai Luật Thủy sản, đến nay, Bộ NN-PTNT cũng đã chủ trì tham mưu, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định và 8 thông tư hướng dẫn chi tiết, nhất là các vấn đề liên quan tới thực thi IUU. Các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Thủy sản đều đã được các cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia, trong đó có chuyên gia của EU phối hợp tham mưu về kỹ thuật. Vì vậy có thể tin tưởng, các chế tài pháp luật để thực thi Luật Thủy sản là có tính khả thi cao trong thực hiện, sát với thực tiễn và tận dụng được kinh nghiệm của EU về vấn đề chống đánh bắt IUU...

Bên cạnh đó thời gian qua, Việt Nam cũng đã quyết liệt triển khai nhiều nhóm vấn đề nhằm thực thi khắc phục các khuyến nghị của EC liên quan tới chống đánh bắt IUU như: Tổ chức chỉ đạo, đốc thúc, giám sát, tuyên truyền các địa phương, ngư dân, doanh nghiệp... thực hiện các giải pháp về chống đánh bắt IUU; phối hợp với các nước trong khu vực trong triển khai chống đánh bắt IUU...

Qua đó, đã tạo được những chuyển biến hết sức tích cực trong hoạt động nghề cá tại các địa phương. Hiện, một số vấn đề như cơ sở vật chất và kỹ thuật, hạ tầng nghề cá, tàu cá, trang thiết bị tàu cá, cảng cá, thiết bị hậu cần nghề cá... phục vụ cho triển khai chống đánh bắt IUU đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, đây là những vấn đề cần có thời gian, có cái làm được ngay, có cái làm lâu dài, có cái cần chấn chỉnh, cái cần đầu tư trước mắt, có chỗ phải đầu tư dài hạn, từng bước...
 

Đầy đủ công cụ pháp lý trong quản lí nghề cá

Đánh giá cao các giải pháp thực thi chống đánh bắt IUU mà Việt Nam đã triển khai có hiệu quả thời gian qua, tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, các nghị sỹ của Đoàn Nghị viện Châu Âu cũng đã có những trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan tới tình hình nghề cá và công tác quản lí nghề cá tại Việt Nam...

17-17-16_ngu1
Thực thi chống đánh bắt IUU là cơ hội để phát triển nghề cá bền vững

Theo đó, ngài Mato Gabriel, Nghị sĩ, trưởng phái đoàn Nghị viện Châu Âu đã dành cho Bộ NN-PTNT nhiều nội dung câu hỏi liên quan tới tình hình quản lí khai thác nghề cá của Việt Nam như: Công tác triển khai thực hiện sổ nhật ký khai thác tàu tá; công tác đăng ký tàu cá; cấp phép tàu cá; công tác kiểm tra giám sát hoạt động đánh bắt và hành trình tàu cá; thu thập dữ liệu thông tin giám sát hành trình đánh bắt tàu cá; công tác giám sát cảng cá; công tác phối hợp giữa các Bộ ngành trong nước cũng như hợp tác với các tổ chức nghề cá quốc tế và khu vực trong việc chống đánh bắt IUU...

Về các vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các công cụ pháp lý, các quy định pháp luật và đã thực thi nghiêm ngặt các quy định liên quan tới công tác quản lí, cấp phép, đăng ký tàu cá, quản lí cảng cá, đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển như: Triển khai đào tạo thuyền trưởng - máy trưởng (từ năm 1996); cấp phép khai thác cho tàu cá trên 6m; với tàu cá trên 12m bắt buộc phải áp dụng ghi nhật ký khai thác... Đến đầu năm 2019, Việt Nam sẽ hoàn tất việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 24m. Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như Tổng cục Thủy sản đã có các nghị quyết, quy chế phối hợp với nhiều lực lượng chấp pháp trên biển nhằm đảm quản cho an ninh, an toàn tàu cá trong quá trình khai thác...

Về hợp tác quốc tế, hiện Việt Nam đã có nghị quyết về việc gia nhập Hiệp định các quốc gia có cảng của FAO (hiện đã được lồng ghép vào Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật). Việt Nam đang hoàn tất tục gia nhập Hiệp định về Đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc; hiện Việt Nam đang là thành viên của Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác bất hợp pháp IUU... Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippin, Thái Lan... cũng đã và đang có các hiệp định về hợp tác quản lí nghề cá, duy trì các đường dây nóng xử lí các sự cố về nghề cá trên biển nhằm thực thi hợp tác chống đánh bắt IUU với các nước trong khu vực...

Tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục được các vấn đề theo các khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU trong thời gian tới, tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, nhiều nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu cũng cho rằng: Việc thực thi chống đánh bắt IUU thực sự phải là một cuộc cách mạng về tư duy trong chính ngư dân Việt Nam, bởi chỉ có thay đổi thực chất về nhận thức, mới có thể thay đổi được hành động. “Nghề cá là nghề lâu đời nhất trên thế giới, vì vậy để ngư dân chấp hành một cách tự giác trước các quy định của luật pháp và các vấn đề khoa học là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, cần phải có những quy định luật pháp nghiêm ngặt. Ở Đức, một ngư dân phải trải qua khóa đào tạo 3 năm về khai thác hải sản mới được phép hành nghề”, Nghị sỹ Jens Gieseke (Nghị viện Châu Âu) nêu thực tế.

Bên cạnh đó, một số nghị sỹ cũng bày tỏ: Hiện nay, trong chính sách nông nghiệp chung, chính sách thủy sản chung và chính sách thực phẩm chung mà EU đang hướng tới, đó là không quan tâm nhiều tới tăng trưởng về số lượng mà quan trọng hơn là về sản xuất thông minh và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bởi theo FAO, tỉ lệ thất thoát lương thực hiện nay lên tới 30%, đủ nuôi sống cho trên 8 triệu người thiếu đói trên thế giới... Đối với nguồn lợi thủy sản biển, các đảng chính trị tại EU luôn đấu tranh quyết liệt trước các hành động xem đại dương là bãi rác, nhất là tác thải nhựa. Quan điểm trong khai thác tài nguyên hải sản biển, đó không chỉ là số lượng hải sản còn lại bao nhiêu ở biển, mà còn là chất lượng nguồn lợi hải sản ấy ra sao...

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.