Trưa 4/9, bác sĩ Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang tiến hành điều trị cho 3 bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mỳ có pate Minh Chay.
Theo bác sĩ Ân, ngày 1 đến ngày 2/9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận 3 bệnh nhân là: bà Võ Thị H. (65 tuổi) và bà Lê Thị C K. (30 tuổi) và Nguyễn Thành N. (15 tuổi). Tất cả bệnh nhân này nhập viện có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đau họng…
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ bệnh viện có tìm hiểu thì bệnh nhân K. cho biết, trước đó, chị được một sư cô ở xã Điện Hồng (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho một hộp pate Minh Chay.
Chiều 27/8 chị K. làm 2 ổ bánh mỳ có sử dụng pate Minh Chay cho 4 người ăn đồng thời chia hũ pate này cho vài người nữa đem về nhà ăn. Đến trưa ngày 1/9 chị K. và bà H. đều có cảm giác mệt, khó thở nên đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
“Hiện nay bệnh nhân chưa có diễn biến xấu, chỉ có triệu chứng lâm sàng rõ như khó thở và chưa cần thiết phải chuyển đi tuyến trên. Có lẽ các bệnh nhân chỉ ngộ độc ở mức độ thấp cho nên chỉ ảnh hưởng đến cơ mặt, cơ họng, đau đầu, khó thở”, bác sĩ Ân nói.
Tiếp nhận thông tin, chiều ngày 3/9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã đến làm việc với bệnh viện và lấy mẫu pate này về xét nghiệm.
Ngày 27/8, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới 17,5 triệu đồng và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội có văn bản tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã cấp vào tháng 1/2020 cho công ty này.
Vụ việc pate Minh Chay nhiễm Botulinum được phát hiện sau khi có 9 bệnh nhân nhiễm độc được phát hiện trong khoảng thời gian từ 13/7-18/8. Các bệnh nhân điều có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, cơ tứ chi yếu, khó nuốt, khó thở.